Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Khởi sắc ở vùng biên A Lưới

Phạm Tiến - 08:13, 25/06/2024

Với phương châm “3 bám, 4 cùng, 6 xóa”, Đoàn kinh tế - Quốc phòng 92, Quân khu 4 đang đồng hành cùng đồng bào xây dựng vùng biên A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng khởi sắc. Đời sống, kinh tế đồng bào không ngừng cải thiện, phát triển, thế trận lòng dân ngày một bền chặt.

Cán bộ, nhân viên Đoàn 92 gặp mặt già làng, trưởng bản, Người có uy tín 4 xã A Roàng, Lâm Đớt, Đông Sơn và Hương Phong (A Lưới, Thừa Thiên Huế) để trao đổi kinh nghiệm trong phát triển kinh tế - xã hội
Cán bộ, nhân viên Đoàn 92 gặp mặt già làng, trưởng bản, Người có uy tín 4 xã A Roàng, Lâm Đớt, Đông Sơn và Hương Phong (A Lưới, Thừa Thiên Huế) để trao đổi kinh nghiệm trong phát triển kinh tế - xã hội

Cùng với A Roàng, 3 xã biên giới Lâm Đớt, Đông Sơn và Hương Phong nằm trong thung lũng A So, huyện A Lưới. Đây là khu vực có mật độ dân cư thưa thớt với hơn 85% số dân là người DTTS. Do điều kiện tự nhiên, khí hậu có nhiều bất lợi nên đời sống kinh tế đồng bào còn khó khăn. Để giúp sức cùng đồng bào xây dựng khu vực biên giới khởi sắc, tháng 5/1999, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 (Đoàn 92), Quân khu 4 được thành lập, với mục tiêu xây dựng Khu kinh tế quốc phòng A So, đồng hành cùng đồng bào các DTTS phát triển.

Trong suốt 25 năm đóng chân trên địa bàn, Đoàn 92 đã góp phần làm cho thung lũng A So nói riêng và miền Tây Thừa Thiên Huế đổi thay. Với phương châm “3 bám (bám dân, bám bản, bám đối tượng); 4 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc); 6 xóa (đói cái ăn, đói cái mặc, đói chữ, đói thông tin, đói thuốc chữa bệnh, thiếu nước sạch)”, cán bộ và nhân viên Đoàn 92 trở thành lực lượng nòng cốt đồng hành cùng đồng bào phát triển kinh tế - xã hội vùng biên.

Mặc dù cùng một lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ đan xen, ở môi trường, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, song đội ngũ cán bộ, nhân viên Đoàn 92 luôn phát huy tốt vai trò trách nhiệm góp phần quan trọng vào sự khởi sắc ở vùng biên A So. Đồng hành, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, củng cố kinh tế - xã hội, thắt chặt tình đoàn kết quân dân nơi biên giới.

Chia sẻ với phóng viên, chị Căn Thắm ở thôn Ka Vá, xã Đông Sơn, huyện A Lưới cho biết: “Năm qua, Đoàn 92 hỗ trợ bò giống, tạo sinh kế cho gia đình. Hằng tuần, các cán bộ hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, cách che chắn, vệ sinh chuồng trại, phòng ngừa dịch bệnh, vật nuôi phát triển rất tốt. Gia đình tôi rất biết ơn, cố gắng lao động sản xuất vươn lên thoát nghèo”.

Trong phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới (NTM), cán bộ, nhân viên Đoàn 92 phối hợp với xã A Roàng, huyện A Lưới nâng cấp, làm đường bê tông nông thôn tại thôn A Roong A Ho, xã A Roàng với chiều dài 200m, rộng 3m.

Năm 2023, Đoàn 92 hỗ trợ 160 con bò lai sinh sản và các loại vật tư cho 160 hộ gia đình (1 con/hộ) trên địa bàn 4 xã Lâm Đớt, A Roàng, Đông Sơn, Hương Phong, huyện A Lưới; hỗ trợ 33 con trâu giống sinh sản và các loại vật tư cho 33 hộ gia đình (1 con/hộ) trên địa bàn 3 xã Lâm Đớt, A Roàng, Đông Sơn, huyện A Lưới; hỗ trợ trồng lúa nước với diện tích 30 ha và các loại vật tư, thuốc bảo vệ thực vật cho 316 hộ gia đình trên địa bàn 3 xã Lâm Đớt, A Roàng, Đông Sơn, huyện A Lưới.

Thanh niên Đoàn 92 hướng dẫn đồng bào trồng lạc
Thanh niên Đoàn 92 hướng dẫn đồng bào trồng lạc

Đoàn viên Đoàn 92 Hồ Thị Bờ, cũng là người con của đồng bào Pa Cô chia sẻ: “Tôi là người ở địa phương, nắm rõ phong tục, tập quán của bà con. Từ những kiến thức sau bốn năm học đại học thì tôi đã hướng dẫn cho bà con kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, kỹ thuật trồng lúa, làm hoa màu; tuyên truyền xóa bỏ hủ tục, cảnh giác mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch…”.

Đặc biệt tại Dự án “Cán bộ chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”, Đoàn 92 nhận nuôi 3 em, hỗ trợ 17 em với tổng kinh phí là 197,5 triệu đồng. Đoàn 92 thường xuyên tổ chức hội nghị gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh với già làng, trưởng thôn, Người có uy tín trên địa bàn vùng dự án A So, A lưới. Thông qua các già làng, trưởng thôn, Người có uy tín để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, lắng nghe ý kiến đóng góp của Nhân dân trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Từ đó, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn biên giới.

Tin cùng chuyên mục
Cao Bằng: Đẩy mạnh phát triển thương mại ở địa bàn đặc biệt khó khăn

Cao Bằng: Đẩy mạnh phát triển thương mại ở địa bàn đặc biệt khó khăn

Từ nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Cao Bằng đang đẩy mạnh phát triển thương mại ở địa bàn đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống chợ truyền thống, tỉnh cũng chú trọng hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, tạo động lực thúc đẩy kinh tế số.