Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

A Lưới (Thừa Thiên Huế): Thoát khỏi huyện nghèo trước hẹn

Phạm Tiến - 10:38, 12/06/2024

Mới đây, Hội đồng thẩm định huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025 đã bỏ phiếu đồng ý trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Thoát khỏi huyện nghèo trước hẹn là cả quá trình nỗ lực, quyết tâm, đồng lòng của hệ thống chính trị và đồng bào các dân tộc ở A Lưới. Trong đó, phải kể đến việc huy động, lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của Nhà nước và công tác tuyên truyền để người dân tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo.

(Bài Kế hoach): Huyện Nghèo A Lưới (Thừa Thiên huế): Thoát nghèo trước hẹn
Nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 đã tạo ra nhiều mô hình sinh kế hiệu quả giúp đồng bào ở A Lưới thoát nghèo

Huy động nhiều nguồn lực tạo “sức bật” để thoát nghèo

A Lưới (Thừa Thiên Huế) là huyện biên giới có đông đồng bào DTTS sinh sống. Do những khó khăn về điều kiện tự nhiên, khí hậu và cả địa lý nên A Lưới vẫn là một trong 74 huyện nghèo của cả nước. Tuy nhiên, những năm gần đây nhờ các chính sách dân tộc, đặc biệt là nguồn lực đầu tư từ các Chương trình MTQG đã trở thành tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân ở A Lưới quyết tâm ra khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước.

Theo số liệu rà soát hộ nghèo đa chiều cuối năm 2021, toàn huyện có 7.022 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 49,98%; có 2.185 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 15,55%. Trong đó, 11 xã có tỷ lệ nghèo trên 60%; 2 xã có tỷ lệ nghèo từ 35% đến dưới 60%; 4 xã có tỷ lệ nghèo từ 10% đến dưới 30%; và có 1 xã có tỷ lệ nghèo dưới 5%. 

Con số này đã có chuyển biến tích cực khi đến cuối năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo ở A Lưới giảm 11,78%, chiếm 38,2%; đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 24,91%. Để có được kết quả đó, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó phải kể đến hiệu quả từ chủ trương huy động nhiều nguồn lực nhằm tạo “sức bật” cho công tác giảm nghèo.

Đặc biệt, khi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) được triển khai, A Lưới đã khảo sát và lựa chọn đúng các mô hình giúp bà con phát triển kinh tế. Các mô hình như trồng chuối già lùn, nấm, sâm Bố Chính, nuôi bò vàng sinh sản, lợn hữu cơ... đã phát huy hiệu quả giúp nhiều hộ đồng bào DTTS thoát nghèo.

Điển hình như mô hình trồng chuối già lùn của anh Nguyễn Hải Teo ở thôn Pi Ây 2, xã Quảng Nhâm (A Lưới). Sau gần 4 năm triển khai mô hình, hiện gia đình anh Teo đã có trên 3.000 gốc chuối, mang lại nguồn nhập trên 100 triệu đồng/năm cho gia đình. Không những trả được số nợ ban đầu đã đầu tư, gia đình anh Teo còn có dư ra để đầu tư trồng thêm bưởi da xanh, nuôi lợn hữu cơ. Giờ đây, gia đình anhTeo đã trở thành hộ khá trong xã; đồng thời trở thành mô hình trực quan về phát triển kinh tế hộ gia đình để đồng bào học tập và làm theo.

Theo số liệu thống kê từ phòng Nông nghiệp huyện A Lưới, đến nay toàn huyện đã có 116ha chuối lùn, năng suất 280 tạ/ha, mỗi ha chuối lùn cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Ngoài mô hình trồng chuối lùn, mô hình nuôi bò vàng sinh sản cũng giúp nhiều hộ thoát nghèo. Toàn huyện A Lưới hiện có 11.000 con bò vàng. Tín hiệu vui là ngày 27/02/2023, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu tập thể “Thịt bò vàng A Lưới” cho Hội Nông dân huyện A Lưới quản lý.

(Bài Kế hoach): Huyện Nghèo A Lưới (Thừa Thiên huế): Thoát nghèo trước hẹn 1
Anh Nguyễn Hải Teo (ở thôn Pi Ây 2, xã Quảng Nhâm huyện A Lưới) với mô hình chuối lùn cho hiệu quả kinh tế cao

Chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình MTQG 1719, A Lưới đang thực hiện dự án “Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng dược liệu quý” với tổng mức đầu tư 229 tỷ đồng, được triển khai ở các xã Hồng Bắc, Quảng Nhâm... . Sau khi Dự án được triển khai và đi vào giai đoạn có thu, đồng bào các DTTS sẽ có cơ hội lớn để vươn lên thoát nghèo.

Cùng với nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719,  A Lưới cũng triệt để vận dụng, lồng ghép nguồn vốn từ Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững và Xây dựng nông thôn mới. Từ các nguồn lực này, địa phương đã tập trung có hiệu quả việc xóa nhà tạm và tạo sinh kế lâu dài cho người dân. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy tinh thần tự lực, tự cường để giảm nghèo bền vững. Lấy mục tiêu thoát nghèo từng hộ gia đình để hoàn thành mục tiêu đưa A Lưới thoát khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước.

Kiên quyết không để tái nghèo

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà huyện A Lưới xác định là không để tình trạng tái nghèo diễn ra. Song song với đó là từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

(Bài Kế hoach): Huyện Nghèo A Lưới (Thừa Thiên huế): Thoát nghèo trước hẹn 2
Mô hình sâm Bố Chính đã giúp nhiều hộ đồng bào DTTS ở xã Quảng Nhâm (A Lưới, Thừa Thiên Huế) thoát nghèo bền vững

Để hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm này, UBND huyện A Lưới đã phát động phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo”. Kể từ khi triển khai, phong trào đã phát huy vai trò của Người có uy tín, Trưởng thôn, Trưởng Ban công tác Mặt trận trong công tác tuyên truyền, vận động giảm nghèo bền vững tại các địa phương. Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, cơ quan các cấp trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo bền vững, kiên quyết không để tái nghèo diễn ra. Phong trào đã tạo được sức lan tỏa và tiếp thêm động lực mạnh mẽ để người dân vươn lên thoát nghèo.

Đơn cử như trường hợp vợ chồng chị Hồ Thị Ngam (37 tuổi, thôn A Tia, xã Hồng Kim) từng là hộ nghèo suốt nhiều năm liên tiếp (từ năm 2005 - 2021). Từ nguồn vốn vay ưu đãi 50 triệu đồng, vợ chồng chị Ngam đã mua bò và dê giống để phát triển chăn nuôi. Đến nay,  gia đình chị Ngam có lãi khoảng 10 triệu đồng/năm. Ngoài ra, gia đình chị còn được hỗ trợ nguồn vốn để trồng chuối lùn với thu nhập khoảng 60 triệu đồng/năm. Năm 2022, gia đình chị chính thức thoát nghèo.

Tương tự, gia đình bà Kăn Thu (xã Hồng Thái, huyện A Lưới) cũng nhờ được hỗ trợ mô hình trồng chuối lùn mà vươn lên thoát nghèo bền vững. Vườn chuối quy mô hàng trăm gốc của bà đã ra quả đều, mẫu mã đẹp và được xuất vào các siêu thị. Bà Thu ước tính, trừ các khoản chi phí, mỗi năm, bà lãi khoảng 50 triệu đồng. Năm 2023, gia đình bà Thu thoát nghèo. Hiện tại, kinh tế của gia đình bà thuộc diện khá trong xã.

Thời gian qua, huyện A Lưới đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn thực hiện các Chương trình MTQG. Chú trọng đến đào tạo nghề giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động và xóa nhà tạm cho hộ nghèo. Từ những bước đi vững chắc, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các DTTS ở A Lưới đã và đang dần hoàn thành mục tiêu đưa địa phương ra khỏi danh sách 74 huyện nghèo của cả nước.

Chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Huỳnh Công Quảng - Bí thư Huyện ủy A Lưới thông báo tin vui: “Vào ngày 4/6 vừa qua tại cuộc họp “Hội đồng thẩm định huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025” ở trụ sở Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có 9/9 thành viên Hội đồng thẩm định đã bỏ phiếu đồng ý trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. 

Như vậy, bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của đồng bào DTTS, A Lưới đã hoàn thành mục tiêu thoát khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước trước kế hoạch 1 năm.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.