Thời gian gần đây, nhờ nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719), đồng bào DTTS ở các huyện vùng cao của tỉnh Thừa Thiên Huế như Nam Đông, A Lưới đã mạnh dạn phát triển kinh tế, từ đó từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Ghi nhận ở Thượng Long, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện Nam Đông, thời gian qua, các cấp chính quyền đã huy động nhiều nguồn lực, chính sách để hỗ trợ đồng bào DTTS vươn lên. Ngoài việc xóa được 52 căn nhà tạm, chính quyền đã hỗ trợ người dân thay đổi mô hình chăn nuôi để có thêm thu nhập. Đến nay, đã có 20 hộ nghèo là đồng bào dân tộc Cơ Tu đã được chính quyền địa phương hỗ trợ bò giống. Đây là những hộ có hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn, thiếu kiến thức nhưng có ý chí muốn vươn lên thoát nghèo.
Ngoài được hỗ trợ 1 con bò giống sinh sản, các gia đình còn được tham gia lớp tập huấn chăn nuôi bò sinh sản. Trong quá trình chăn nuôi, cán bộ thú y sẽ theo dõi và tư vấn giúp người dân nếu gặp khó khăn, vướng mắc. Là 1 trong 20 gia đình được hỗ trợ bò giống bản địa sinh sản, chị Huỳnh Thị Mang cho biết, chị rất phấn khởi và sẽ cố gắng chăm sóc bò thật tốt để có thêm thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Gia đình chị Ngọc Thị Đào, xã Thượng Long, huyện Nam Đông trước đây cũng từng nuôi heo theo hướng nhốt chuồng, lại không có kiến thức chăn nuôi, phòng bệnh nên kém năng suất. Sau khi được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi và phòng bệnh cho heo, được hỗ trợ vay vốn để mở rộng mô hình chăn nuôi và áp dụng tốt các kiến thức đã được học, việc nuôi heo hiệu quả, gia đình chị Ngọc Thị Đào hiện đã có một trang trại nuôi heo khép kín với 4 heo mẹ, đàn heo giống và heo lấy thịt, mỗi năm thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Chị Đào chia sẻ: Được hỗ trợ vốn, giống, đượccán bộ tập huấn kỹ thuật, gia đình tôi có điều kiện thuận lợi và có thêm nhiều kiến thức trong chăn nuôi. Từ đó, có cơ hội để mở rộng sản xuất, tăng thu nhập, vươn lên xóa đói, giảm nghèo và làm giàu.
Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục vận động bà con chăn nuôi, trồng cỏ để tăng hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, trong mùa mưa rét, bà con sẽ được tập huấn kỹ hơn về kiến thức chăn nuôi để không xảy ra tình trạng bò chết.
Cùng với việc vận động người dân thay đổi mô hình sản xuất, các cấp chính quyền ở huyện Nam Đông cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của các cấp các, các ngành, từ đó vươn lên thoát nghèo bền vững.
Cũng là huyện vùng cao của tỉnh Thừa Thiên Huế với 80% hộ dân là đồng bào DTTS, huyện A Lưới sở hữu vùng đất tự nhiên rộng lớn, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào. Tận dụng lợi thế tự nhiên sẵn có và cũng để giúp đồng bào DTTS thoát nghèo, chính quyền huyện A Lưới đã triển khai mô hình chăn nuôi gia súc trên địa bàn huyện hướng tới vùng chăn nuôi số lượng lớn, tập trung.
Sau khi vận động bà con mở rộng mô hình sản xuất, kết hợp thêm chăn nuôi gia súc, các cấp chính quyền huyện A Lưới đã hỗ trợ bào con giống bò sinh sản, tổ chức tập huấn kiến thức xây dựng chuồng trại, trồng cỏ và kỹ năng chăn nuôi bò sinh sản cho nhiều hộ gia đình. Đến cuối năm 2023, tổng đàn bò trên toàn huyện đã lên đến 11.000 con.
Là một trong những gia đình có hoàn cảnh khó khăn của xã A Roàng, huyện A Lưới, gia đình chị PơLoong Ngãi đã được hỗ trợ một con bò cái sinh sản. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nay con bò của gia đình chị Ngãi đã sinh sản được 1 lứa. “Đây là tín hiệu tốt để gia đình có thêm động lực thoát nghèo. Tôi dự định sẽ tiếp tục mở rộng đàn bò để có thêm thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình”, chị PơLoong Ngãi chia sẻ.
Không chỉ dừng lại ở việc triển khai các mô hình nuôi bò sinh sản kết hợp trồng cỏ làm nguồn thức ăn chăn nuôi, huyện A Lưới vận động bà con chăn nuôi theo hướng hữu cơ để nâng cao năng suất và chất lượng. Từ mô hình này, nhiều hộ đồng bào DTTS đã có cơ hội chuyển đổi cơ cấu kinh tế để vươn lên trong sản xuất nông nghiệp. Điển hình như gia đình anh Nguyễn Hải Teo, xã Quảng Nhâm, sau khi được địa phương hỗ trợ triển khai mô hình trồng chuối già lùn hiệu quả, anh Teo đã kết hợp nguồn thức ăn tự nhiên này để phát triển mô hình nuôi heo hữu cơ an toàn sinh học. Từ đó, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Từ hộ gia đình phải vay vốn hỗ trợ để thoát nghèo, nay gia đình anh Teo đã tự tin mở rộng mô hình chăn nuôi, sản xuất để có thu nhập ổn định gần 200 triệu đồng mỗi năm. Mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ kết hợp trồng chuối già lùn đã trở thành mô hình hiệu quả được nhiều hộ DTTS ở huyện A Lưới triển khai.
Theo đánh giá của Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế, sau 3 năm thực hiện Chương trình MTQG 1719, đời sống của đại bộ phận đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến đáng kể. Kết cấu hạ tầng được đầu tư, xây mới, các mô hình phát triển sản xuất, hỗ trợ sinh kế đã và đang tạo động lực giúp đồng bào DTTS vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh giảm 9,84%, riêng huyện A Lưới giảm 12,08% (giảm từ 52,79% xuống còn 40,71%).