Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Những mô hình sinh kế mới cho thanh niên vùng đồng bào DTTS

Minh Thu - 06:50, 19/12/2023

Khởi nghiệp bằng những mô hình sinh kế mới không chỉ giúp đồng bào DTTS có thêm thu nhập mà còn giải quyết vấn đề lao động tại địa phương. Bước đầu, những mô hình này đều mang lại tín hiệu tích cực, thanh niên vùng đồng bào DTTS có thêm động lực làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Huyện A Lưới thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho đoàn viên thanh niên.
Huyện A Lưới thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho đoàn viên thanh niên.

A Lưới với đặc thù là huyện miền núi, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn. Chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo và triển khai các nguồn lực từ Chương trình MTQG, trong đó trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719) để hỗ trợ người dân có cuộc sống ấm no hơn.

Toàn huyện A Lưới hiện có khoảng 1.440 hộ thanh niên nghèo. Trước đây, bên cạnh thu nhập từ nương rẫy, người dân ở A Lưới có chăn nuôi gia cầm nhưng theo hướng tự cung, tự cấp và chưa quan tâm đến các kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh hay áp dụng các tiến bộ khoa học để nâng cao hiệu quả. Chính quyền địa phương đã triển khai mô hình “Nuôi gà an toàn sinh học liên kết tiêu thụ sản phẩm” với mục tiêu định hướng cho thanh niên vùng đồng bào DTTS giải quyết việc làm và ổn định sinh kế lâu dài.

Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với Chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng mô hình “Nuôi gà an toàn sinh học liên kết tiêu thụ sản phẩm” nhằm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Mô hình đã được triển khai tại thôn Y Reo, xã Hồng Thái với quy mô ban đầu là 500 con gà lai đá 1 ngày tuổi. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ vốn cho các hộ mua con giống, xây dựng chuồng trại, thức ăn, đồng thời tập huấn kỹ năng chăm sóc đàn gà sao cho năng suất. Bên cạnh đó, đầu ra cho sản phẩm cũng được giải quyết bằng việc liên kết với các doanh nghiệp.

Trong suốt quá trình chăn nuôi, cán bộ thú y sẽ theo dõi và tư vấn cho người dân nếu có vấn đề khó khăn. Đàn gà sẽ được chăn nuôi theo hướng hữu cơ đảm bảo như: Sử dụng tinh dầu thảo dược trộn vào thức ăn để phòng bệnh cho vật nuôi, hạn chế sử dụng kháng sinh nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng; Sử dụng đệm lót sinh học để xử lý phân thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường... Và chỉ sau 3 tháng chăm nuôi, đàn gà sinh học đã đạt trung bình 1,6kg/con với tỷ lệ sống là 90% và mang đến 10,4 triệu đồng tiền lãi.

Từ hiệu quả mô hình chăn nuôi gà sinh học, địa phương tiếp tục triển khai mở rộng thêm trên nhiều gia đình thanh niên đồng thời các thanh niên đã từng chăn nuôi cũng sẽ truyền đạt kinh nghiệm lại cho hộ dân khác. Chính quyền địa phương cũng đã tổ chức nhiều buổi tập huấn để người dân có thể nắm vững quy trình chăn nuôi, đạt chuẩn đầu ra.

Mô hình chăn nuôi gà sinh học cho thanh niên ở xã Hồng Thái.
Mô hình chăn nuôi gà sinh học cho thanh niên ở xã Hồng Thái.

Không chỉ hỗ trợ thanh niên triển khai mô hình nuôi gà sinh học, huyện A Lưới cũng hỗ trợ cho các thanh niên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để thay đổi mô hình sản xuất. Như trường hợp của chị Hồ Thị Thương, xã Hương Nguyên đã được địa phương hỗ trợ kinh phí mua bò giống để đầu tư sản xuất. Ngoài ra, một số mô hình sinh kế mới cũng được địa phương tư vấn cho các thanh niên triển khai như: Trồng chuối hàng hóa, nuôi heo bản địa, nuôi bò bán thâm canh, nuôi dúi, chồn hương... và các loại hình kinh doanh dịch vụ khác.

Thời gian qua, huyện A Lưới cũng tổ chức thêm hàng chục lớp đào tạo nghề như lớp chăn nuôi lợn, trồng hoa và nổi bật là lớp may công nghiệp. Lớp may công nghiệp đã giúp các thanh niên DTTS có thêm nghề nghiệp ổn định, đặc biệt là các thanh niên ở các địa phương gặp khó khăn về học nghề, lập thân, lập nghiệp.

Tháng 9/2023, huyện A Lưới đã tổ chức “Ngày hội việc làm gắn với giảm nghèo bền vững tại huyện A Lưới”. Đây là cơ hội nhằm giúp cho người lao động trên địa bàn tiếp cận với các thông tin về tuyển sinh, tuyển dụng của các đơn vị, doanh nghiệp về học nghề hơn nữa còn là cầu nối để các thanh niên DTTS tìm việc làm trong phù hợp với trình độ chuyên môn tay nghề.

Mô hình sinh kế bền vững cho thanh niên vùng đồng bào DTTS không chỉ góp phần ổn định kinh tế cho người dân mà còn giúp xây dựng nguồn nhân lực trẻ, có chất lượng để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Ông Hồ Xuân Trăng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: sau khi địa phương thực hiện các dự án với nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719, đồng bào DTTS ở huyện A Lưới nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung đã được hỗ trợ chuyển đổi nghề, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình MTQG 1719 bằng việc tiếp tục đồng hành cùng người dân vùng đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, địa phương sẽ khẩn trương hoàn thành các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư, dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất và các nhiệm vụ khác trong thực hiện Chương trình MTQG 1719 theo đúng quy định. Đồng thời kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc và giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn để đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước được giao.



Tin cùng chuyên mục
Liên Sơn ngày mới

Liên Sơn ngày mới

Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) được triển khai tại tỉnh Ninh Thuận đã tạo diện mạo mới cho vùng đồng bào dân tộc Raglay ở thôn Liên Sơn 2, xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước. Cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đặc biệt quan tâm đồng hành cùng người dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ, tạo sinh kế, nâng cao đời sống cho đồng bào vùng khó khăn.