Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Xã Hiếu (Kon Tum): Hợp tác xã Chè sạch Đông Trường Sơn phát triển cây chè thành cây "đặc sản"

T. Nhân - N.Triều - 14:54, 02/10/2022

Nếu ai đã từng đến xã Hiếu, huyện Kon Plong (Kon Tum) mà chưa được tận hưởng hương vị đặc trưng của ly nước chè xanh, thì coi như chưa được tận hưởng “đặc ân” của vùng đất Trường Sơn hùng vĩ này. Đối với người dân xã Hiếu, cây chè hiện nay đã trở thành cây “đặc sản”, đặc biệt, từ khi Hợp tác xã Chè sạch Đông Trường Sơn được thành lập năm 2019 tại đây, để xây dựng thương hiệu chè sạch, giúp người dân tăng thu nhập.

Người dân xã Hiếu có thu nhập ổn định nhờ trồng chè
Người dân xã Hiếu có thu nhập ổn định nhờ trồng chè

Là một trong xã thuộc vùng Đông Trường Sơn, hầu hết là người dân tộc Xơ - Đăng, cuộc sống chủ yếu dựa vào nương rẫy, với những loại cây trồng truyền thống như sắn (mì), ngô, lúa rẫy... năng suất thấp, thu nhập không đáng là bao nên cuộc sống rất khó khăn.

Vài năm trở lại đây, chính quyền địa phương đã xây dựng mô hình trồng chè, và hướng dẫn người dân mở rộng diện tích mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cây chè đang dần trở thành cây thoát nghèo ở vùng đất có khí hậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở này.

Được biết, cơ duyên để cây chè bén duyên với vùng đất này là vào năm 2019, một số người có kinh nghiệm trồng chè đã đến xã Hiếu và nhận thấy, thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây phù hợp để tạo ra một vùng chè hữu cơ có chất lượng, sản phẩm giá trị tương đương với vùng chè Lâm Đồng. Vì thế, họ đã tiến hành khảo sát, chọn giống, xây dựng mô hình trồng chè và quyết định thành lập Hợp tác xã (HTX) Chè sạch Đông Trường Sơn để xây dựng thương hiệu chè sạch, giúp người dân tăng thu nhập.

Anh Nguyễn Hồng Thái, đại diện HTX Chè sạch Đông Trường Sơn cho biết: Xã Hiếu là vùng đất phù hợp để tạo ra một vùng chè chất lượng, các giống chè đặc sản như chè San Tuyết, chè Hương Bắc Sơn, chè Kim Tuyên,.. những sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Sau hơn 3 năm triển khai, HTX đã triển khai gần 40ha diện tích trồng chè trên địa bàn, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng chè khắp các vùng lân cận, hỗ trợ về cây giống, hướng dẫn cách chăm sóc cây chè, đảm bảo đầu ra cho bà con trồng chè.

Cũng theo anh Thái, thời gian tới HTX sẽ nhân rộng diện tích mỗi năm khoảng 10ha trên diện tích đất của người dân. Bên cạnh đó HTX đang hợp tác hỗ trợ bảo tồn và chăm sóc cây chè, bao tiêu thụ mua nguyên liệu chè búp tươi của người dân.

Ngoài ra HTX đang thỏa thuận đền bù đất kịp thời, cho thời gian tới xây dựng nhà máy sản xuất tại chỗ tại địa phương. HTX hiện có 19 thành viên chính thức, 20 lao động thường xuyên. Thời gian tới HTX sẽ kết nạp thêm 6 thành viên nữa là người đồng bào tại địa phương.

Nhờ chăm sóc chè cho HTX, nhiều gia đình có thu nhập ổn định
Nhờ chăm sóc chè cho HTX, nhiều gia đình có thu nhập ổn định

Nhờ chăm sóc chè cho HTX, nhiều gia đình có thu nhập ổn định, đời sống được nâng cao. Điển hình như anh A Do, ở thôn Tu Cần, xã Hiếu. Ngay từ những ngày đầu HTX trồng chè trên địa bàn, A Do đã vào làm việc cho HTX. “Công việc hàng ngày của tôi là trồng cây, làm cỏ, bón phân, hái lá chè… cho HTX. Hiện tại HTX đã giao cho tôi quản lý 2ha chè, tôi vừa chăm sóc, vừa thu hoạch bán lại cho HTX, thu nhập bình quân mỗi ngày 200 ngàn đồng”, A Do vui vẻ cho hay.

Còn anh A Diêm, trú thôn Đăk Lôm cho biết: Ngày trước tôi đi làm thuê, thường thì ai kêu làm gì thì làm nấy, nên thu nhập bấp bênh, không ổn định được. Từ ngày HTX tạo điều kiện nhận vào làm, có thu nhập ổn định, gia đình đỡ cực nhọc hơn trước nhiều.

Không chỉ tạo việc làm cho người dân, HTX Chè sạch Đông Trường Sơn còn hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng khác sang trồng chè đạt hiệu quả cao.

Ông A Ren, sinh sống tại tại thôn Vi Choong chia sẻ: Gia đình tôi có 2 sào đất rẫy, ngày trước tôi chỉ trồng sắn, nhưng do địa hình đồi dốc, rất khó khăn trong quá trình thu hoạch; cùng với đó là giá cả lên xuống thất thường, nên hiệu quả kinh tế thấp. Từ ngày chính quyền xã vận động, tuyên truyền và HTX tạo điều kiện, hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây chè và thu mua sản phẩm với giá 10.000 đồng/kg. So với cây trồng khác, trồng chè đạt hiệu quả hơn nhiều, kinh tế gia đình đã dần ổn định và có tiền dành dụm để cho con ăn học và đầu tư mở rộng diện tích trồng chè.

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Thế Vinh, Chủ tịch UBND xã Hiếu cho hay: Đối với chính quyền mà nói, việc cây chè mang lại hiệu quả tích cực là rất đáng mừng. Việc này đã mở ra hướng đi mới, nhiều triển vọng giúp bà con thay đổi, nếp nghĩ cách làm. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phát triển các mô hình kinh tế nhóm hộ, Tổ hợp tác, HTX tại địa phương. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện cho HTX Chè sạch Đông Trường Sơn hoạt động có hiệu quả, giúp người dân địa phương thoát nghèo nhanh và bền vững./.

Tin cùng chuyên mục
Thăm làng gốm của người Chăm nổi tiếng ở Ninh Thuận

Thăm làng gốm của người Chăm nổi tiếng ở Ninh Thuận

Gốm Bàu Trúc của người Chăm Ninh Thuận mang đặc trưng bởi nhiều nét riêng, từ cách làm cho đến cách nung để có những sản phẩm độc đáo nhất. Do vậy, làng nghề gốm ở Ninh Thuận không chỉ nổi tiếng bởi những sản phẩm chất lượng, mà còn là điểm đến trải nghiệm ấn tượng với nhiều du khách trong và ngoài nước.