Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đánh thức vùng chè Xuân Lương

Đông Khánh - 09:12, 29/06/2021

Xã Xuân Lương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang chủ yếu là đồng bào dân tộc Cao Lan sinh sống. Nơi đây trồng chè lâu đời, song chỉ khoảng 5 năm nay, vùng đất này mới thực sự khởi sắc từ cây chè. Đặc biệt, thương hiệu chè bản Ven đã được nhiều người biết đến, trong đó pải kể đến sự đóng góp của ông Thân Nhân Khuyến, nguyên Chủ tịch xã Xuân Lương.

Nông dân bản Ven thu hoạch chè.
Nông dân bản Ven thu hoạch chè.

Đánh thức một vùng chè

Trên đường đưa chúng tôi đến thăm các đồi chè ở bản Ven, ông Khuyến vui vẻ nói: “Tiền đâu phải là lá nhưng với người Cao Lan ở Xuân Lương thì nay lá lại là tiền. Lá chè tươi già giờ vẫn có thể bán được 30 nghìn đồng/kg, trong khi búp chè tươi có lúc lên đến 60 nghìn đồng/kg. Vậy cái thứ lá chúng ta chỉ việc hái để lấy tiền mà dân mình còn nghèo nữa là lỗi của chính chúng ta”.

Nói về chè, tôi nhận thấy vị nguyên Chủ tịch xã luôn hào hứng, trong đôi mắt ông ánh lên đầy hy vọng. Ông cho biết, do khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng phù hợp đã cho cây chè ở Xuân Lương có những hương vị đặc biệt. Chè ở đây khi hãm, nước có màu xanh vàng như màu mật ong, vị đậm, thoảng hương cốm nhẹ. Trước đây, mỗi gia đình trong xã chỉ trồng chè trên diện tích vài thửa đất, cây chè cằn cỗi già nua. Từ chăm sóc, thu hoạch, chế biến đến tiêu thụ đều theo tập tục cũ nên chất lượng sản phẩm, giá thành rất thấp. Thông thường, bà con trồng chè để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến chè ở tỉnh Thái Nguyên.

Khi còn là cán bộ Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Yên Thế (năm 2011) trong một chuyến công tác lên xã Xuân Lương ông Thân Nhân Khuyến đã nói với ông Ninh Quản Nghiệp (dân tộc Cao Lan), Chủ tịch xã Xuân Lương lúc ấy, nay là Bí thư Đảng ủy xã  “Sao dân Cao Lan mình trồng được chè ngon mà ít người biết đến, phải làm một điều gì đó cho riêng mình chứ? 

Ông Nghiệp trả lời: “Đồng bào chúng tôi có đất, có nhân lực, kinh nghiệm làm chè nhưng ngặt một nỗi chưa có công nghệ chế biến, bảo quản và chưa xây dựng được thương hiệu, thị trường”. Sau cuộc trò chuyện ấy, hai người đã “tâm đầu ý hợp” cùng chí hướng và bắt tay hợp tác vận động bà con nông dân chuyên canh làm chè.

Như một cơ duyên, không bao lâu sau, một người trẻ, năng động như ông Khuyến được luân chuyển lên làm Chủ tịch UBND ở xã vùng cao này. Sau khi cân nhắc, bàn bạc rất kỹ với Nhân dân, ông Khuyến đã đóng vai trò chính trong việc vận động thành lập HTX Thân Trường mà chính ông là người đầu tư công sức, vốn, tìm hiểu khoa học, kỹ thuật, tạo dựng thương hiệu chè bản Ven và kết nối tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Kể từ đó, tiềm năng vùng chè của Xuân Lương dần được đánh thức.

Mô hình trồng chè của nông dân xã Xuân Lương được liên kết với HTX Thân Trường nhằm sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Mô hình trồng chè của nông dân xã Xuân Lương được liên kết với HTX Thân Trường nhằm sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Thoát nghèo ở vùng đất khó

Việc sản xuất chè thành vùng hàng hóa tập trung với quy mô lớn theo đề xuất của ông Khuyến đã nhận được sự đồng thuận mạnh mẽ của người dân cũng như chính quyền các cấp. Được sự vận động của chính quyền, Nhân dân đã phá bỏ các loài cây tạp để chuyên canh cây chè. HTX Thân Trường trở thành nơi trung gian chuyển giao khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm chè, liên kết với các doanh nghiệp, nhà khoa học.

Tuy nhiên, phải từ năm 2015, sau khi áp dụng quy trình, kỹ thuật sản xuất mới và cách làm chuyên nghiệp, sản lượng, chất lượng chè Xuân Lương mới thực sự được nâng lên . Thương hiệu chè bản Ven của HTX Thân Trường là sản phẩm đại diện cho sự thành công đó. Từ vài chục ha (năm 2012), đến nay diện tích chè trong xã đã phát triển tới gần 300 ha, năng suất có thời điểm cao nhất đạt tới 15 tấn/ha (cao hơn nhiều lần so với bình quân chung toàn huyện Yên Thế).

Ông Thân Nhân Khuyến dẫn khách tham quan các đồi chè.
Ông Thân Nhân Khuyến dẫn khách tham quan các đồi chè.

Là người dân tộc Kinh nhưng ông Khuyến khá am hiểu văn hóa, phong tục tập quán và truyền thống của người Cao Lan. Ông chia sẻ: Xuân Lương có 9/14 bản thuộc chương 135 (bản đặc biệt khó khăn), trong đó đa phần là dân tộc Cao Lan. Đồng bào Cao Lan vốn sống khép kín và những kinh nghiệm làm chè ít khi được truyền ra ngoài. Đồng bào vẫn quan niệm “Chè Xuân Lương đựng ống bương, treo gác bếp để giữ hương”- ý là để nói đến sự khép kín, không muốn để lộ bí quyết làm chè ra ngoài.

Xưa kia khoảng tháng 11, các cụ đi chọn cây mai, chặt phơi khô rồi cắt thành từng ống bỏ chè vào đó. Nhờ ống dày, nút kín treo gác bếp nên chè luôn khô và giữ lâu được 80 đến 90% hương. Thế nhưng bí quyết riêng ấy chỉ là một phần để tạo nên thương hiệu. Ngày nay, chè Xuân Lương được trồng theo quy trình VietGAP, kết hợp với những công nghệ, kỹ thuật mới. Nông dân trong xã đã được HTX Thân Trường tập huấn ứng dụng những công nghệ, phương pháp hái, sao, bảo quản chè mới, giữ cho hương vị chè được đậm đà lâu hơn.

Bản Ven, nơi có diện tích chè lớn nhất xã với hơn 23ha. 2 năm trước đây, bản có hơn 60 hộ nghèo, nay giảm xuống còn 35 hộ. Bản có sự bứt phá mạnh mẽ nhờ mạnh dạn đầu tư theo hướng thâm canh cây chè, đã cho thu nhập 150 đến 200 triệu đồng/ha sau khi đã trừ chi phí. Nhờ đó đa số người dân đều thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giả, xây nhà cao cửa rộng.

Đồi chè sạch ở xã Xuân Lương
Đồi chè sạch ở xã Xuân Lương

Thương hiệu đã tạo nên giá trị của chè Xuân Lương - một trong những sản phẩm chủ lực của địa phương. Khi chưa có thương hiệu, giá chè tươi chỉ 12 nghìn đồng mỗi kg, sau khi xây dựng thương hiệu (2015), giá tăng lên 60 nghìn đồng. Đến nay, chè bản Ven ổn định cả về chất lượng, sản lượng và giá thành.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.