Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

“Làm để bà con làm theo”

Phạm Việt Thắng - 23:40, 24/01/2021

Về hưu, thay vì nghỉ ngơi, ông lại say sưa tìm hiểu các mô hình kinh tế hiệu quả để áp dụng vào sản xuất. “Không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình, mà ta phải làm để bà con làm theo”, ông Vi Văn Phong, nguyên Phó Bí thư Đảng uỷ xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, Nghệ An chia sẻ.

Ông Vi Văn Phong: “Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, mà ta còn phải làm để bà con làm theo”
Ông Vi Văn Phong: “Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, mà ta còn phải làm để bà con làm theo”

Ngọc Lâm là xã mới thành lập của huyện Thanh Chương để đón bà con dân tộc Thái từ xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương về tái định cư, nhường đất để xây dựng thủy điện Bản Vẽ. Bà con về nơi ở mới rất bỡ ngỡ với cách thức làm ăn, sinh hoạt mới, nhất là đất đai không có nhiều, khai thác lâm sản phụ không thuận lợi như ở quê cũ. Có một thời, bà con thi nhau bỏ về quê cũ để sinh sống. Ngặt là chốn cũ không đường, không điện, không trạm xá, nhất là không có trường cho con trẻ đi học. Chính quyền đã tốn không ít công sức để vận động bà con yên tâm tái định cư.

Những ngày đó, ông Vi Văn Phong là Phó Bí thư Đảng uỷ xã Ngọc Lâm đã phải lăn lộn không biết bao nhiêu chuyến ngược xuôi, từ khu tái định cư đến quê cũ để tuyên truyền, vận động bà con quay về nơi ở mới. “Thật là khó, vì những ngày đầu, bà con chưa được chia đất sản xuất, vả lại nhiều người cứ quen cách làm ăn cũ nên khó hoà nhập được với cuộc sống mới”, ông Phong cho hay.

Cùng với sự vận động tích cực của xã, các hội đoàn cũng đã vào cuộc, nhất là tập huấn cho bà con về các mô hình kinh tế. Ông Phong nhớ lại: Hội Phụ nữ huyện còn phải tập huấn cả việc trồng rau, trồng chuối… cho bà con. Theo ông Phong, chỉ có phát triển kinh tế, thì tư tưởng của bà con mới ổn định, an ninh trật tự, đoàn kết bản làng mới giữ vững.

Vườn chè của ông Vi Văn Phong, mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng
Vườn chè của ông Vi Văn Phong, mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng

Năm 2015, được nghỉ hưu, ông Phong đã khăn gói đi tìm hiểu xem mô hình kinh tế nào phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở xã Ngọc Lâm. Cam, bưởi thì không thể sánh với vùng Thanh Đức. Trồng cây keo lai ư? Phải mất những 5 năm mới cho thu hoạch, vả lại với diện tích đất không lấy gì làm nhiều của mỗi hộ dân thì trồng keo không mang lại hiệu quả cao. 

Cuối cùng, ông đã nhận ra cây chè xanh là thích hợp nhất. Nhưng, những người dân ở đây, từ bao đời nay đã biết gì về cây chè đâu, chưa nói đến kỹ thuật trồng và chăm sóc. “Phải học thôi”, ông Phong nói. Thế là ông tự mình tìm kiếm các hộ trồng chè trong huyện để theo học. Ban đầu là cách đánh luống, làm đất, tiếp đến là chọn cây giống, rồi kỹ thuật chăm sóc, và cuối cùng mới học cách thu hái… 

Cũng trong thời gian theo học, ông Phong đã có một phát hiện mới là, khi đánh luống phải để đất ải càng lâu càng tốt, vừa tránh được sâu bệnh, vừa có nhiều dinh dưỡng để nuôi cây chè. Vì thế mà vườn chè nhà ông không có một cây nào bị chết qua đợt nắng tàn khốc năm 2020.

Chỉ có một ha đất thôi, nhưng ông Phong đã cho trồng đến 2 loại chè, chè xanh có, chè công nghiệp có, và tất cả đều nói không với thuốc bảo vệ thực vật, kích thích. Ông nói, chỉ có sản phẩm sạch thì mới bền vững, vừa được khách hàng đánh giá cao, vừa bảo vệ tốt môi trường, mà giá bán cũng cao hơn. “Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, mà ta phải làm để bà con làm theo, từng bước xoá đói, giảm nghèo”, ông Phong nói.

Khi vườn chè của ông Phong đã mướt xanh, bà con thi nhau đến học. Ngay tại thực địa, ông hướng dẫn tỉ mỉ để bà con vừa được nghe vừa được thấy tận mắt các công đoạn canh tác. Nhà ai cần, ông đến tận vườn cầm tay chỉ việc luôn. Theo tính toán của ông, thì chè được thu hoạch thành 6 vụ trong năm, như vườn nhà ônng, mỗi vụ thu hoạch được hơn 10 triệu đồng, mỗi năm từ chè, gia đình ông thu về gần 100 triệu đồng. Đó là chưa kể 6 con bò, và một ao cá khá rộng.

Đánh giá về hiệu quả từ việc trồng chè, ông Lô Huy Hùng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm, nói: Từ mô hình thành công của ông Vi Văn Phong, đến nay cả xã đã phát triển được 250 ha chè. Đời sống của bà con đã được cải thiện rất nhiều, không còn tình trạng người dân bỏ về quê cũ nữa.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.