Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Cây với người một đời chát ngọt

Phạm Việt Thắng - 16:47, 25/07/2021

Một vụ chè nữa vừa thu hoạch. Những gương mặt tươi rói là bằng chứng cho sự đủ đầy của bà con ở xã Hùng Sơn (huyện Anh Sơn – Nghệ An). Lời của ông Trần Minh Hoàn - Chủ tịch xã, rằng xưa Hùng Sơn được coi là “vùng đất chết”, làm tôi nhớ đến những câu thơ trong “Bài ca vỡ đất” của Hoàng Trung Thông: “Bàn tay lao động/ Ta gieo sự sống/ Trên từng đất khô…”.

Để làm nên thương hiệu chè Minh Sáng, thì khâu thu hái chỉ được phép làm thủ công
Để làm nên thương hiệu chè Minh Sáng, thì khâu thu hái chỉ được phép làm thủ công

Từ “vùng đất chết”

Tôi hăm hở theo chân ông Trần Minh Hoàn lên đỉnh đồi chè giữa cái nắng chang chang. Phóng tầm mắt ra xa, những đồi chè xanh mướt trập trùng đã xua đi nắng trưa đốt cháy da người. 

Vẽ một vòng giữa không trung, ông Hoàn hơi chau mày: “Ngày xưa, những quả đồi này chỉ toàn cây cỏ may. Sau đó bà con có trồng sắn nhưng năng suất cũng rất thấp. Có giai thoại rằng, con gái các xã khác thề: “Lấy chồng về mô cũng được, tuyệt đối không làm dâu Hùng Sơn”. Xưa, nói về Hùng Sơn là nói về vùng đất nghèo khó, xã bị cô lập với đường quốc lộ bởi con sông Lam, đò giang cách trở. Người Hùng Sơn quanh năm lam lũ nhưng vẫn không đủ ăn, đủ mặc.

Tìm gặp những người “không đủ ăn, đủ mặc” năm xưa, ai cũng lắc đầu ngao ngán cho cái thời “một phần cơm 3 phần sắn”. Bà Trần Thị Lý, Giám đốc HTX chè Minh Sáng chỉ vào cậu con trai mà rằng: “Năm xưa sinh nó ra, tôi không đủ sữa cho con bú, phải hoà đường vào nước cơm cho ăn. Chỉ toàn sắn với khoai thì đào đâu ra sữa cho con”. 

Dừng tay máy, ông Võ Văn Đồng – chồng bà xen vào câu chuyện của vợ: “Không nhắc đến thì thôi, đã nhắc đến là khó cầm lòng được. Thời chúng tôi, mấy đứa được đi học cấp 3 đâu, xong lớp 7 coi như là học cao lắm rồi. Đất đai ít, lại thiếu nước tưới, thế là đói quanh năm, đói truyền đời. Nhận được quả đồi thì đất cứng như đá, nhiều hôm mệt quá, đứng chống cuốc mà nước mắt cứ tuôn ra…”.

Còn ông Nguyễn Văn Nghị thì cười như mếu khi kể chuyện ngày xưa: Tôi rời quân ngũ, về đi hỏi vợ có ai thèm lấy đâu, nhà mình nghèo quá. Cũng có vài o ưng mình, nhưng ngặt là bố mẹ họ lại cấm cản. Người ta nói, về chi cái xứ chó ăn đá, gà ăn sỏi ấy. 

“Nhưng mà tui không trách chi họ cả, ngược lại, những lời chê bai ấy đã cho tui thêm nghị lực để cố gắng làm lụng” – ông Nghị đã rạng rỡ trở lại. 

Nhấp một ngụm chè xanh sóng sánh, ông Nghị cười sảng khoái: “Hùng Sơn chúng tôi đổi đời là nhờ cái anh chè xanh này đấy. Các chú uống đi rồi biết, chát trước, ngọt sau, lại ngọt lâu, như con người Hùng Sơn vậy đó”. Lại là lời ông Nghị sang sảng: Nhà bà Lý này này, ngày xưa đói như rứa mà giờ thì chi cũng có. Chè cả đấy. Chè xây nhà, chè mở xưởng, chè nuôi 3 đứa con đi học đại học…

Giám đốc HTX Minh Sáng Trần Thị Lý trực tiếp công đoạn sơ chế chè
Giám đốc HTX Minh Sáng Trần Thị Lý trực tiếp công đoạn sơ chế chè

Bà Lý nại với tôi, cũng không dễ ăn thế đâu, nhất là thời kỳ đầu, khi chưa có vốn, chưa có máy móc thì cực lắm. Hai vợ chồng sấp mặt từ sáng đến tối mới xong được nửa luống chè. 

Hồi đó, phải mang chè xuống tận nhà máy mới bán được, những gần chục cây số, lại phải qua đò. Vất vả lắm. Đó là chưa kể gặp năm nắng hạn, chè chết hàng loạt. Cứ nắng ngày nào là ruột nổ đôm đốp ngày đó. 

Được vài ba năm nay, thời tiết tương đối thuận hoà nên cây chè phát triển tốt. Khổ thế, năm nay không hạn thì lại gặp phải dịch Covid-19, chè đạt năng suất cao nhưng giá lại xuống quá thấp.

Mồ hôi ta đổ nên đồi chè xanh

Dịch Covid-19 đang nóng ở khắp cả nước cũng không đẩy lùi được sự háo hức của chúng tôi về “vùng đất chết” đã “đứng dậy sáng loà”. Bà Lý vẫn với chất giọng nhỏ nhẹ: Gia đình tôi là hộ đầu tiên xung phong thí điểm trồng chè. Người ta nói là biết đi tắt đón đầu, nhưng thú thật là hồi đó đói quá, có chủ trương, mình tin nên làm. Năm đầu – 2003, chúng tôi trồng được 1,8 ha. Từ trồng chè, nồi cơm đã bớt độn sắn, con cái có tiền đi học… phấn khởi quá. 

Cứ thế, mỗi năm diện tích chè lại tăng thêm một ít. Chè cho thu hoạch 6 vụ một năm. Một ha chè đạt 30 tấn. Mỗi tấn ở thời điểm hiện tại có giá là 3,5 triệu đồng, còn năm trước thì giá cao hơn – 5 triệu đồng. Hiện gia đình tôi trồng được 3 ha, còn phần lớn thời gian là tập trung cho khâu chế biến.

- Nguyên cớ nào thôi thúc bà thành lập HTX, tôi hỏi?

Bà Lý hào hứng: Chè Hùng Sơn rất thơm ngon, nhưng chưa có tiếng trên thị trường. Bà con chủ yếu bán chè tươi cho các xưởng sơ chế mà không đầu tư làm chè sạch. Từ đó tôi quyết tâm thành lập HTX, mở xưởng chế biến để nâng cao giá trị cho chè Hùng Sơn. HTX chúng tôi có 7 thành viên, từ khâu trồng trọt, chăm bón, thu hái, chế biến đều làm theo đúng quy trình VietGAP, được kiểm tra và đánh giá hàng năm.

Cũng theo bà Lý, để xây dựng được xưởng chế biến chè, gia đình không chỉ đầu tư tiền của mà phải cử chồng ra tận Thái Nguyên để học nghề. 6 tháng ròng rã, tưởng “ngon lành” rồi, thế mà mất 2 năm lỗ chỏng vó mới nên hộp chè Minh Sáng như hôm nay.

Được vợ kể công, ông Đồng không ngớt nói về quãng đời “học sinh” của mình. “Nói là đi học chứ thực ra chẳng khác gì đi làm thuê, vất vả đủ đường. Nhưng, lòng cứ bảo dạ, không học sẽ không thành công nên tôi quyết tâm khổ mấy cũng chịu. Khó nhất là bí quyết làm săn búp, nước thắm màu xanh mà vẫn giữ được hương thơm đặc trưng của chè. Đây là khâu quyết định chất lượng chè xanh. Học xong, về háo hức đứng máy, nào ngờ thất bại hoàn toàn. Hai năm trời, tôi đã phải đổ đi không biết bao nhiêu là chè. Thế rồi, bí quyết cũng đã được tìm ra. Đó là nhiệt độ sấy ngay khi cho chè vào máy…” – ông Đồng chia sẻ.

Lãnh đạo xã Hùng Sơn kiểm tra đồi chè sau thu hoạch
Lãnh đạo xã Hùng Sơn kiểm tra đồi chè sau thu hoạch

Rót thêm nước cho khách, ông Đồng tiếp: Bà con chúng tôi ở đây chẳng khác gì công chức, tháng nào cũng có tiền, nhà ít nhất mỗi tháng cũng có mười triệu đồng. Trẻ con ở xã này, đứa nào cũng được học hành tử tế, không như thời chúng tôi. Lớn lên, đứa nào không đi đại học thì cũng học nghề, tệ lắm ở nhà làm chè cũng không lo bị đói. Tiền từ chè cả đấy. Chè hấp dẫn đến mức, nhiều nhà đang khai thác sớm rừng keo lai để chuyển sang trồng chè. “Không tin chú cứ hỏi ông chủ tịch xã mà coi” – vừa nói, ông Đồng vừa cười khà khà.

Ông Trần Minh Hoàn – Chủ tịch xã Hùng Sơn, xác nhận: “Anh Đồng nói không sai. Từ ngày có cây chè, đời sống bà con xã Hùng Sơn đã nâng cao rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người cao nhất toàn huyện, hơn 52 triệu đồng/người. Tới đây, đập nước Hùng Sơn được xây dựng, những quả đồi kia sẽ thành những đảo chè quyến rũ du khách muôn phương. Còn trước mắt chúng tôi đang tập trung xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, quyết tâm cuối năm nay sẽ về đích”.

Nâng li trà xanh sóng sánh, ngát thơm, tôi buột miệng: Cây với người một đời chát ngọt. Ông Đồng nghe thế, vỗ đùi đánh đét. Đúng! Đúng thế! Cây với người, chát ngọt đã từng…

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.