Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

"Chia lửa" với đồng bào Khơ Mú ở Chăm Puông

Thanh Nguyễn - 20:55, 18/07/2021

Dịch bệnh Covid-19 "đã gõ" cửa vùng “thâm sơn” Chăm Puông, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương (Nghệ An), khiến 21 người dân tộc Khơ Mú trở thành F0, buộc phải cách ly theo Chỉ thị 16. Cùng bà con Chăm Puông chống dịch, đã có nhiều tấn hàng hóa được các tổ chức, đoàn thể quyên góp chuyển đến; những thầy cô nơi huyện vùng cao 30a Tương Dương cũng đã xếp giáo án đến “chia lửa” cùng người dân Chăm Puông…

Người dân Chăm Puông được lấy mẫu xét nghiệm
Người dân Chăm Puông được lấy mẫu xét nghiệm

Khó khăn từ Chăm Puông

Người dân ở bản Chăm Puông chủ yếu là dân tộc Khơ Mú, sống chủ yếu dựa vào nương rẫy, chăn nuôi gia súc gia cầm và nguồn kinh phí do những người lao động ly hương gửi về. Toàn bản có 214 người dân đang đi làm việc trong và ngoài nước, hầu hết là lao động phổ thông, nên thu nhập cũng không cao. 

Chăm Puông là bản cách xa trung tâm xã Lượng Minh, việc đi lại hết sức khó khăn. Từ trung tâm xã Lượng Minh đến bản Chăm Puông phải đi qua chừng 15km đồi núi quanh co; còn từ xã Lượng Minh đến trung tâm huyện Tương Dương cũng chừng 20km.

Cả bản Chăm Puông có 195 hộ, với 978 nhân khẩu nhưng trên 75% là hộ nghèo. Cuộc sống đồng bào Khơ mú thường ngày vốn đã khó khăn, sống chủ yếu dựa vào rừng, rẫy, nay gặp phải dịch bệnh càng trở nên túng quẫn.

Ông Vi Đình Phúc, Chủ tịch UBND xã Lượng Minh, huyện Tương Dương tâm tư: Lo nhất vẫn là thiếu đói. Mong các cấp, các ngành tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ để người dân Chăm Puông chiến thắng dịch bệnh.

Sau 5 ngày phát hiện những ca nhiễm đầu tiên (13/7), 3 cụm dân cư bám theo 3 nhánh khe ở bản Chăm Puông giờ đây là vùng đất biệt lập, ngăn cách với bên ngoài bởi những dây chăng, biển cấm… để phòng chống dịch bệnh. Quãng đường vận chuyển nhu yếu phẩm hỗ trợ bà con vùng dịch đang rất khó khăn do “vướng” cây cầu treo, bắt buộc phải hạ tải để tăng bo. 

Ông Phan Đức Sơn, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương nêu thực tế: Quan điểm của huyện, là không thể để dân đói vì dịch. Huyện cũng đang nỗ lực kêu gọi hỗ trợ, giúp đỡ người dân các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.

Sống xa trung tâm, đời sống khó khăn, còn nhiều tập tục lạc hậu nên nhận thức của người dân nơi đây về phòng, chống dịch còn nhiều hạn chế. Điều rất đặc biệt, người dân Chăm Puông đa phần nói tiếng Khơ Mú nên khả năng nói tiếng phổ thông hạn chế. Đó là thực tế đầy khó khăn trong công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh.

Trong những ngày qua, song song với việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, huyện Tương Dương đã dùng xe chuyên dụng của Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông để tuyên truyền, vận động cũng như thông báo cho người dân bằng tiếng dân tộc Khơ Mú giúp bà con dễ hiểu, tiếp nhận thông tin nhanh và chính xác hơn.

Huyện Tương Dương cũng đã chia thành nhiều tổ, với đầy đủ các lực lượng như cán bộ công an, y tế và cán bộ bản (những người biết thông thạo tiếng Khơ Mú) đến tận từng nhà dân để tuyên truyền, vận động người dân.

Lực lượng chống dịch phun khử khuẩn ở Chăm Puông
Lực lượng chống dịch phun khử khuẩn ở Chăm Puông

Có lẽ, với những lực lượng tuyến đầu chống dịch, thì việc phải vượt qua bao núi cao, bao con suối, bao ngõ nhà quanh co bên sườn dốc… là những kỷ niệm không thể quên. Theo thông tin chúng tôi có được, cả bản đã có 131 trường hợp F1, 152 trường hợp F2. Công tác xét nghiệm, lấy mẫu vẫn đang tiến hành rất khẩn trương. 

Hiện cả bản vẫn còn khoảng 40 trường hợp đang lên nương rẫy xa, chưa được xét nghiệm. Vậy là, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch huyện Tương Dương đã phải cử đoàn công tác lên núi mời 40 người này xuống khu vực ở gần bản, lấy mẫu test nhanh và yêu cầu ký cam kết thực hiện cách ly tại các chòi trên nương rẫy 21 ngày, tạm thời không về bản để phòng, chống dịch.

Nỗ lực chống dịch

Đã bước sang ngày thứ 6, kể từ khi 3 ca nhiễm Covid-19 ở bản Chăm Puông được phát hiện ngày 13/7. Chăm Puông hiện đã có 21 người mắc bệnh Covid-19, tương đương với 5% dân số của bản.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An, gần 7 tấn hàng gồm 3 tấn gạo, 100kg lạc nhân, 120 thùng mì tôm, 500 chai và 195 can nước mắm, 20 thùng sữa tươi Vinamilk, 100 hộp khẩu trang y tế; 100 tấm kính chống giọt bắn… trị giá gần 100 triệu đồng đã được chở lên huyện Tương Dương, cùng "chia lửa" với đồng bào ở Chăm Puông.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại bản Chăm Puông, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh, của huyện Tương Dương đã vào cuộc rất khẩn trương, quyết liệt. Những trường hợp là F0, F1, F2 đã được cách li y tế. 

Đồng thời, huyện Tương Dương cũng đã mở rộng điều tra truy vết, tìm kiếm người liên quan ở 2 bản liền kề của xã Lượng Minh là bản Minh Thành, Minh Tiến và cả 2 trường hợp ở thị trấn Hòa Bình.

Để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, huyện Tương Dương đã thành lập 4 chốt kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19 phong tỏa, chốt chặn tại bản Chăm Puông và xã Lượng Minh... Toàn huyện Tương Dương cũng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15; riêng xã Lượng Minh (trong đó có bản Chăm Puông) thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16.

Trước thực tế nhiều khó khăn ở ổ dịch Chăm Puông, nhiều giáo viên các trường học trên địa bàn Tương Dương cũng đã viết đơn tình nguyện lên tuyến đầu hỗ trợ công tác chống dịch. Các địa phương còn lại của huyện 30a này cũng đã bằng nhiều việc làm, hành động… hướng về Chăm Puông với tinh thần sẻ chia gian khó.

Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Phan Đức Sơn (Áo đỏ) kiểm tra bếp ăn phục vụ khu cách ly
Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Phan Đức Sơn (Áo đỏ) kiểm tra bếp ăn phục vụ khu cách ly

Ông Phan Đức Sơn, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho hay: Huyện đã kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm 4 tại chỗ, duy trì hoạt động có hiệu quả tổ truy vết (do Công an làm tổ trưởng), tổ lấy mẫu, tổ Covid cộng đồng gắn với đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu, chấp hành các quy định về phòng, chống dịch và tránh tình trạng người dân quá bi quan, lo lắng... Hiện tại, huyện đã thực hiện lấy mẫu xét nghiệm lần 2 đối với các trường hợp nghi ngờ.

Tính đến 6h ngày 18/7, tại khu cách ly huyện Tương Dương đang tiếp nhận 151 công dân; trong đó, nam có 74, nữ có 77 người. Trong số này có 71 trẻ em dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai 2 người, người già trên 60 tuổi là 4 người.

Hiện tại, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của huyện đã thiết lập sở chỉ huy chống dịch, đặt tại bản Chăm Puông do một đồng chí Phó Chủ tịch huyện làm trưởng ban, có sự tham gia của lãnh đạo công an, ban chỉ huy quân sự huyện. 

Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Phan Đức Sơn nói: Huyện đã và đang thực hiện tốt phương châm “Nhà cách ly với nhà, người cách ly với người, bản cách ly với bản”; vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ";  cung cấp đầy đủ lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân trong khu phong tỏa và khu cách ly.  "Nỗ lực cao nhất mà huyện đang quyết liệt thực hiện là ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh, không để người dân thiếu đói".

(Nội dung thông tin, truyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.