Huyền thoại đèo “yên ngựa”
Con đèo Mã Yên Sơn hệt như chiếc yên ngựa nối vùng đất Bảo Hà với Yên Sơn, Phố Ràng, huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) mà đỉnh của chiếc yên ngựa bây giờ là bản Múi 3, có độ cao hơn 600m so với mực nước biển.Lên đến đỉnh đèo, mây cuồn cuộn bay như sóng, táp vào mặt lạnh buốt, gió giật từng cơn như muốn cuốn bay tất cả. Ở đó, có 58 nóc nhà đồng bào Mông, Dao đã bao năm kiên cường bám trụ, xây dựng cuộc sống ngày phát triển.
Ông Hoàng Văn Đại, năm nay đã 97 tuổi, xã Yên Sơn, từng trải qua bao thăng trầm của lịch sử, kể lại: Xưa, mọi người vẫn truyền tai nhau câu “cọp Bảo Hà, ma Trái Hút”, ấy là nói về những năm thực dân Pháp mở đường sắt Việt- Điền, nối từ Hải Phòng- Hà Nội đến Côn Minh (Trung Quốc), dài 854 km, biết bao phu phen đã bỏ mạng ở vùng Bảo Hà, Trái Hút vì “lam sơn chướng khí” ngàn trùng, vì sốt rét rừng, rồi gấu tha cọp bắt.
Cũng chính ở hai đầu con đèo Mã Yên Sơn, ngày trước thực dân Pháp đã xây đồn bốt kiên cố ở bản Mạ, ở Bảo Hà liên thông với hệ thống đồn Phố Ràng, Phố Lu để khống chế cả một vùng biên giới Tây Bắc rộng lớn.
Để khai thông biên giới, củng cố căn cứ địa Việt Bắc, năm 1950, bộ đội ta mở chiến dịch Biên giới thu đông và Lê Hồng Phong, với những trận công đồn Phố Ràng, Phố Lu, Yên Sơn thắng lợi, đã đập tan hệ thống đồn bốt, mở toang cánh cửa biên giới, làm tiền đề cho chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng…
“Ngày ấy, tôi cùng mấy chục trai làng người Tày, người Dao, người Thái ở Yên Sơn, Bảo Hà xung phong làm dân công hỏa tuyến, ngày đêm thồ gạo, tải đạn, phát rừng mở đường, bảo đảm hậu cần cho bộ đội ta chiến đấu và chiến thắng ở Điện Biên Phủ. Chúng tôi thồ bằng xe đạp và gánh gạo, thực phẩm sấy khô qua đèo Mã Yên Sơn dốc đứng, rậm rịt gai rừng, tự mở lối mà đi; vượt qua cổng trời Khau Co sang đất Lai Châu, rồi từ đó qua Sơn La đến Điện Biên. Mỗi chuyến đi ròng rã hàng tháng trời; đói thì ăn rau tàu bay, củ nâu, măng rừng tuyệt không hao hụt một chén gạo, lạng thịt…”, ông Đại kể.
Xưa, đất đai ở đây trơ cằn, dốc cao khe sâu, khí hậu khắc nghiệt nên những năm 80 của thế kỷ trước, mới có vài hộ người Mông ở huyện Bắc Hà đến đây khai phá, định cư, rồi đông dần lên, đến năm 2016, mới lập tên bản mới Múi 3, ở ngay chính giữa đỉnh đèo, bốn mùa mây phủ này.
Giờ đây, đứng trên đỉnh đèo, phóng tầm mắt là những cánh rừng trẩu xanh ngút ngàn, phía dưới là ruộng đồng với những nếp nhà sàn người Tày, những hàng cọ xòe ô xanh đón nắng mới cảm nhận được sự chuyển mình mạnh mẽ của vùng đất này.
Đổi thay ở Mã Yên Sơn
Ở chân đèo, đầu bản Lúc 1, xã Bảo Hà chúng tôi gặp gỡ thương binh hạng 2/4 Phạm Thanh Xuân, người được mệnh danh “vua ong”. Hiện ông Xuân là Giám đốc Công ty TNHH phát triển ong miền núi Thanh Xuân.
Bên chén trà xanh nghi ngút khói, ông Xuân kể: Ông và gia đình thành lập công ty năm 1995, trải qua bao thăng trầm vất vả cũng thu được mật ngọt; giờ đây, mỗi năm trung bình ông bán ra thị trường từ 20-30 tấn mật ong chất lượng cao và các sản phẩm sữa ong chúa, phấn hoa…với doanh thu hàng chục tỷ đồng, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho trên hai chục lao động địa phương.
Câu chuyện khởi nghiệp từ con ong, từ ươm giống cây và trồng rừng của ông Xuân cũng là quá trình vượt lên, học tập và tỏa sáng lời dạy của Bác Hồ “thương binh tàn nhưng không phế”, tô đẹp thêm phẩm chất của người lính Cụ Hồ.
Ở vùng đất Mã Yên Sơn còn nổi tiếng với cây trẩu, một loại cây trồng chưa được nhiều người biết tới nhưng đây lại đang là cây xóa đói, giảm nghèo cho người dân vùng đất này. Như hộ gia đình anh Nguyễn Văn Hòa, ở bản Tắp, xã Yên Sơn tính ra mỗi năm từ bán cây trẩu giống gia đình anh có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Anh Hòa còn đứng ra thu mua trêm 20 tấn quả trẩu/năm với giá trung bình 15 nghìn đồng/kg, tạo sinh kế ổn định cho bà con trong vùng, tích cực trồng rừng, giữ màu xanh cho quê hương.
Hay như “vua rừng” Phùng Thế Tài, ở bản Tắp, xã Yên Sơn, mỗi năm anh Tài thu mua của nông dân trên 3 nghìn mét khối gỗ các loại; trong đó, chủ yếu là gỗ trẩu để sơ chế nguyên liệu xuất khẩu, bảo đảm đầu ra ổn định cho hàng trăm hộ trồng rừng ở hai đầu con đèo. Xưởng bóc ván của anh Tài giải quyết việc làm cho 40 lao động, với mức lương 10-12 triệu đồng/tháng.
Anh Phạm Hồng Thái, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Bảo Yên chia sẻ: Ở đây, cây trẩu được ví giống như cây tre, thương người Yên Sơn trên đất dốc khô cằn, nắng mưa quay quắt. nhưng dễ sống, lớn nhanh, chịu được hạn hán, nhất là chịu được rét lạnh ở vùng cao. Khả năng quang hợp của trẩu thuộc hàng đầu bảng nên không cần phân bón, chỉ cần trong 3 năm đầu, mỗi năm 2 lần phát cỏ là cây phát triển tốt, rất nhanh thành rừng, sau 5 năm trồng có thể thu hoạch quả lấy hạt, 7 năm là thu được gỗ, tạo thu nhập ổn định cho người trồng rừng.
Cây trẩu đa tác dụng, gỗ làm nguyên liệu dùng trong công nghiệp và sản xuất nấm; hạt dùng trong công nghiệp sơn, chất dẻo, da nhân tạo và thuốc chữa bệnh. Toàn huyện Bảo Yên hiện có gần 4 nghìn héc ta trẩu, vừa phủ xanh giữ sinh thủy vừa cho khai thác hạt, gỗ giúp người dân xóa nghèo, vươn lên làm giàu bền vững.
Đời sống đổi thay, người dân có điều kiện tham gia các phong trào địa phương phát động, đặc biệt là xây dựng Nông thôn mới. Năm 2015, xã yên Sơn về đích nông thôn mới, còn ở đầu bên kia con đèo, Bí thư Đảng ủy, xã Bảo Hà Hoàng Quốc Hùng khẳng định chắc nịch: “Năm nay Bảo Hà sẽ về đích nông thôn mới”.
Vâng tôi tin sự tự tin của Bí thư Hùng là có cơ sở, bởi vượt qua gian khó, mảnh đất huyền thoại hình chiếc yên ngựa hôm nay đã và đang từng ngày phát triển…