Lũ quét tại đèo Phú Gia
Thông tin từ UBND xã Lộc Tiến (huyện Phú Lộc) cho biết, mưa lớn nhiều ngày qua đã làm sạt lở kèm lũ quét ở núi Phú Gia khiến địa phương phải di dời khẩn cấp 14 hộ dân với 56 người đến nơi an toàn.
Cụ thể, sau nhiều ngày mưa dầm, đến sáng 26/12 tại khu vực núi Phú Gia xuất hiện đợt lũ quét với dòng chảy lớn kéo theo đất đá đổ về phía chân núi, chảy xuống tràn vào ruộng vườn nhà dân. Một số nơi, vách núi lở ngay trước mặt nhà dân tạo thành bức tường cao như chực chờ đổ sập xuống. Bùn đất bủa vây khắp nơi làm hư hại nhà cửa, hoa màu, vật nuôi của người dân.
Đến 12 giờ trưa cùng ngày, UBND xã tổ chức di dời khẩn cấp 14 hộ dân gồm 56 nhân khẩu tại khu vực này đến nơi an toàn. Tạm thời họ đang ở xen ghép tại nhà người dân trong các khu dân cư gần đó.
Tại khu vực tuyến đường này, Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các hạt quản lý đường bộ bố trí đầy đủ hệ thống rào chắn, biển báo, biển cảnh báo; đồng thời triển khai nhân lực, thiết bị để trực gác, phân luồng đảm bảo giao thông.
Hiện nay, UBND tỉnh đã bố trí kinh phí cho Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh để thực hiện đánh giá hiện trạng, tình hình địa chất, xu hướng phát triển của vết nứt hiện có tại sườn núi Phú Gia và lên phương án xây dựng khu tái định cư cho những hộ dân này.
Ông Phan Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến cho biết tình trạng sạt lở đất diễn ra phức tạp tại đèo Phú Gia trong nhiều năm nay, những hộ dân sống dưới khu vực chân đèo luôn thấp thỏm mỗi khi mùa mưa bão đến. Trong trận lũ lịch sử năm 1999, khu vực này từng xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng. Những năm tiếp theo, tình trạng sạt lở đất vẫn tiếp diễn gây thiệt hại nhiều hoa màu, tài sản của người dân.
Nguyên nhân, do người dân trồng keo tràm (khu vực này khoảng 50 ha), khi khai thác phải mở đường, tác động lên địa chất khu vực. Ngoài ra, những năm trước cây keo tràm còn nhiều, vừa qua, các hộ dân tiến hành khai thác hết và trồng cây mới nên khi gặp mưa lớn thì sạt trượt.
Ông Cường thông tin, qua nhiều cuộc họp, vừa rồi Nhà nước đã thống nhất bố trí tái định cư, hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ theo quyết định của Chính phủ về việc di dân ở vùng thiên tai, sạt lở. Nhưng những hộ dân này chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, điều kiện khó khăn vì thế họ chưa di dời. Những lúc mưa bão, chính quyền xã luôn vận động, hỗ trợ người dân đến nơi ở an toàn. Vừa rồi, UBND tỉnh có chủ trương khảo sát, tiến hành đền bù tài sản để đưa dân đến nơi ở mới. UBND xã đang chờ quyết định phân bổ vốn để tiến hành đưa bà con đến nơi tái định cư”, ông Cường nói.
Ngoài ra, tại các khu vực đường vào khu Laguna (Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc) trong những ngày qua cũng đã bị sạt lở một số vị trí và có nguy cơ tiếp tục sạt, chính quyền địa phương đã tổ chức cảnh báo, thông báo cho người dân và các phương tiện hạn chế đi lại qua vị trí này.
Lũ muộn gây ngập ở Quảng Điền
Cùng với lũ quét xảy ra ở huyện Phú Lộc, tại huyện Quảng Điền mưa lớn kéo dài cũng gây ngập lũ nhiều vùng dân cư thấp trũng tại các xã Quảng Phước, Quảng Phú, Quảng An, Quảng Thành và TT. Sịa. Tại các xã này có hơn 61 ha lúa vừa gieo sạ bị ngập úng từ ngập 0,3-0,5m; lượng giống đã ngâm ủ chưa gieo 33,3 tấn. Tại xã Quảng Điền, nước lũ cũng đã gây ngập nhiều địa bàn, nhiều tuyến đường giao thông, người dân đi lại rất khó khăn. Tại xã Điền Lộc, huyện Phong Điền, diện tích hoa màu bị thiệt hại là hơn 16 ha.