Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Sau mỗi mùa mưa…

Nguyễn Thanh - 12:02, 08/12/2021

Mỗi mùa mưa bão đi qua, cái đọng lại sau cùng vẫn là những hệ lụy, thiệt hại, tác động lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội. Những tổn thất, hậu quả mưa bão của năm sau thường có những diễn biến phức tạp và nặng nề hơn năm trước, nhưng bài học kinh nghiệm, phương án ứng phó, kiểm điểm trách nhiệm… thì dường như “vẫn cũ".

Huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An ngập nặng trong đợt mưa lũ năm 2021
Huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An ngập nặng trong đợt mưa lũ năm 2021

Mưa bão là quy luật của tự nhiên, và dường như hằng năm cứ đều đặn xuất hiện. Chẳng thế mà nhiều người đã nói về mùa mưa bão là “đến hẹn lại lo”...

Khắp từ Bắc đến Nam, mưa bão đã gây ra bao hệ lụy khôn lường, tác động rất lớn đến cuộc sống thường ngày của mỗi người dân. Đất nước chúng ta trải dài, có đồi núi cao, nhiều sông suối, nhiều tỉnh thành giáp ranh với biển, thế nên, mưa gây lũ lụt, sạt lở vùng miền núi và đồng bằng, bão càn quét nhiều nhất đến khu vực giáp biển… đã là câu chuyện muôn đời rồi.

Dường như mỗi lần nhắc đến hệ lụy từ mưa bão, nhiều người lại “chép miệng” một điệp khúc xưa cũ: Biết rồi, khổ lắm nói mãi! Rồi ti vi, báo đài phản ánh chỗ này nhà ngập, cầu trôi, chỗ kia núi lở, đường tắc… Còn người dân thì quay cuồng, vật lộn với bão tố.  Năm nào mưa bão cũng gây nguy hại đến đời sống của mỗi người dân.

Ừ thì vẫn biết là mưa bão đến sẽ có ngập lụt, sẽ có sạt lở đất, sẽ có thiệt hại nhiều về tài sản và hơn hết là tính mạng con người. Biết rồi, nói mãi rồi, nói nhiều đến hệ lụy rồi, nhưng sao cứ thấy xót xa. Thực tế cho thấy, mỗi mùa mưa bão đi qua, cái đọng lại sau cùng vẫn là những hệ lụy, thiệt hại, tác động lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội. 

TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên bị ngập úng ngày 30/11/2021
TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên bị ngập úng ngày 30/11/2021


Trong rất nhiều hệ quả của mưa bão, không thể không nói đến yếu tố chủ quan của con người. Không khó để tìm một dẫn chứng cho trường hợp này. Báo đài vẫn nói nhiều đến những cá nhân bất chấp khuyến cáo, nguy hiểm của mưa bão mà đánh cá, qua lại vùng bị ngập… dẫn tới đuối nước đấy thôi. Rồi cảnh những người dân chủ quan, không chịu di dời khỏi vùng sạt lở dẫn đến nhà mất, tính mạng con người bị đe dọa khi núi lở… cũng không phải là hiếm. Nhiều người dân sống vùng dễ bị ngập cũng đã có lúc, có nơi thể hiện sự chủ quan dẫn đến “nước đến chân mới nhảy”.

Nhưng, trong những hậu quả của mưa bão, cũng cần phải bàn đến yếu tố khách quan về công tác dự báo, dự đoán, khảo sát tình hình của cơ quan chuyên môn trước thiên tai, có lúc chưa thật chính xác theo từng thời điểm cụ thể. Mặt khác, mối lo lớn của nhiều cư dân vùng miền núi giáp biên, là không lường hết lũ lụt từ nước bạn chảy tràn sang, do công tác dự báo gần như gói gọn trong lãnh thổ Việt Nam.

 Chưa kể, tỷ lệ hộ dân ở vùng nguy cơ ngập lụt, sạt lở… còn rất lớn, nhưng thiếu kinh phí di dời, tu bổ các hạng mục phòng chống thiên tại. Rồi, nhân lực chuyên trách ứng phó với mưa bão cũng đang là câu chuyện dài về cơ cấu tổ chức, biên chế, kinh phí hoạt động… nếu phải bàn đến, tính đến.

Nước lũ gây ngập úng một số làng ven sông Gianh ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình
Nước lũ gây ngập úng một số làng ven sông Gianh ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình

Tôi để ý  và nhận thấy, hằng năm, các cấp chính quyền đã họp bàn nhiều cuộc, triển khai kế hoạch ứng phó mưa bão bằng rất nhiều văn bản, chỉ đạo sát sao theo diễn biến thời tiết…,nhưng thiệt hại vẫn xảy ra. Một đất nước “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa” hẳn là sẽ có rất nhiều kinh nghiệm, kế hoạch ứng phó với mưa bão, nhưng sao hậu quả để lại hàng năm vẫn thật khó lường và nặng nề hơn?

Có thể nhận thấy, những tổn thất, hậu quả của mưa bão là rất mới, và thường cao hơn năm trước cả về mức độ, quy mô và số lượng, nhưng bài học kinh nghiệm, phương án ứng phó, kiểm điểm trách nhiệm… thì dường như “vẫn cũ”. Rồi cuối cùng, điệp khúc dễ hiểu nhất mà nhiều người đoán định vẫn là: Do tình hình mưa bão khó lường, diễn biến phức tạp…

Nhưng, cho dù được “che đậy” bằng những ngôn từ gì, thì vẫn phải nhìn nhận thẳng thắn là: Công tác ứng phó với mưa bão có nơi bị động, thiếu linh hoạt; trách nhiệm của một số cá nhận được giao nhiệm vụ chưa cao; công tác nắm bắt tình hình cơ sở khi được phân công phụ trách chưa thật sự sát sao; cấp dưới có tình trạng ỉ lại, chờ chỉ đạo của cấp trên thay vì linh hoạt, quyết đoán trước tình hình thực tế của mưa bão…

An toàn trước mưa bão là vấn đề không mới nhưng chưa bao giờ cũ!

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.