Hôm qua 25/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu đã đi kiểm tra thực tế và làm việc với các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My về vấn đề này.
Ghi ở Trà Bui
Tại khu tái định cư (TĐC) thôn 5 xã Trà Bui (Bắc Trà My), cả 60 hộ dân đã ổn định cuộc sống sau gần 3 năm chuyển từ những khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đến nơi ở mới. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, nhân dân bỏ công sức chăm lo cho chỗ ở mới ngày càng đẹp hơn. Mỗi căn nhà được đắp đất xung quanh, đá sông được người dân ngày đêm vận chuyển về chất thành bờ giữ cho đất quanh nhà ổn định.
Ông Nguyễn Hồng Đoàn, người dân khu TĐC thôn 5 nói: “Trước đây chúng tôi sống rải rác khắp các nơi, chỗ ngập lụt, chỗ sạt lở. Khi được về chỗ ở mới ổn định bà con rất vui. Như nhà tôi ngày xưa hay bị ngập vào mùa mưa, nên lúc cán bộ đến nói được di dời, gia đình tôi mừng lắm!
Nhà nước cho tiền di dời nhà, người dân bỏ công sức làm nhà cho mình và giúp người dân trong làng cùng dựng nhà. Làm xong thì chất bờ đá quanh nhà giữ đất để mưa khỏi trôi đi. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân chung góp công làm đường bê tông trong làng đi đến tận từng ngõ nhà dân, nên sạch sẽ lắm”.
Xã Trà Bui mùa mưa này có nỗi lo lớn nhất là người dân ở làng Nước Lía (thôn 6) đứng trước nguy cơ sạt lở. Địa phương đã chọn được nơi mới để di dời làng. Làng Nước Lía có 56 hộ đều thuộc diện phải di dời, trong đó có 32 hộ ở sát chân núi cần được di dời trước.
Theo như lời ông Đinh Văn Rương, người dân làng Nước Lía, thì bà con rất đồng thuận trong việc di dời. Ông Rương kể: “Mùa mưa bão năm trước, ngọn núi phía sau làng đã có những tiếng nổ, kèm theo đó là các vết nứt, nước và đất đá theo đó chảy xuống làng. Khi núi nổ, dân làng kéo nhau chạy về hướng nhà cộng đồng thôn để trú tránh, thanh niên thì giúp người già, rồi lấy xe máy chạy đi. Khi nghe xã nói sẽ di dời, người dân rất mừng và cũng mong được di dời sớm. Chỉ cần cán bộ nói đi thì người dân sẽ đồng thuận đi đến nơi ở mới, sẵn sàng góp công sức cùng Nhà nước chuẩn bị chỗ ở mới”.
Chủ động ứng phó
Theo báo cáo của UBND huyện Bắc Trà My, giai đoạn 2017 - 2020 địa phương đã tiến hành sắp xếp, di dời 1.147 hộ dân ở vùng nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở, ngập lụt đến nơi an toàn, tổng vốn thực hiện hơn 58,2 tỷ đồng.
Riêng trong năm 2021 đến nay đã sắp xếp, di dời 58 hộ dân về nơi ở mới. Đối với việc xây dựng cơ sở hạ tầng các điểm TĐC tập trung, Bắc Trà My đã hoàn thành 4 dự án ổn định dân cư tập trung, quy mô bố trí 124 hộ, với tổng kinh phí đầu tư hơn 18,7 tỷ đồng.
Lãnh đạo UBND huyện Bắc Trà My cho biết, huyện đã yêu cầu tất cả phòng, ban, xã, thị trấn phải có phương án ứng phó với thiên tai trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 phức tạp, không loại trừ khả năng đến mùa mưa vẫn chưa khống chế được dịch bệnh.
Đối với những hộ dân bị trôi nhà, mất nhà trong mùa mưa bão năm 2020, huyện đã hỗ trợ làm nhà từ nhiều nguồn: Ngân sách Nhà nước và xã hội hóa... Hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở nhưng chưa thể di dời vì chưa có mặt bằng mới, đều được phổ biến những kiến thức cần thiết về nhận diện nguy cơ, sơ tán ngay khi có lệnh.
Ông Thái Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My nói: “Đối với các tổ cộng đồng thôn, khối phố, trước mùa mưa bão năm nay phải cùng lúc thực hiện 2 nhiệm vụ, vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa tuyên truyền trong nhân dân về phòng chống thiên tai. Các đội xung kích cộng đồng ở xã đã được thành lập, với quy mô mỗi đội từ 70 người trở lên. Nhằm đáp ứng phương châm “4 tại chỗ”, huyện sẽ tổng hợp nhu cầu trang bị phương tiện cứu nạn cứu hộ, lương thực hỗ trợ nhân dân lúc khẩn cấp... để bổ sung cho các địa phương”.
Tại huyện Nam Trà My, sau mùa mưa bão năm 2020, có 79 nhà bị trôi, sập hoàn toàn đã được huyện hỗ trợ di dời, làm nhà mới và sẽ có nhà ở ổn định trước mùa mưa 2021. Đến nay toàn huyện đã sắp xếp, di dời chỗ ở cho 1.991 hộ ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, huyện đã xây dựng phương án chủ động “4 tại chỗ” để ứng phó thiên tai và dịch bệnh. Lực lượng tại chỗ nòng cốt là đội xung kích và dân quân. Địa phương bố trí lực lượng ứng trực, trưng dụng các phương tiện của doanh nghiệp ứng cứu kể cả các doanh nghiệp thủy điện tại các điểm xung yếu, phân công địa bàn ứng trực để chủ động đảm bảo giao thông và tổ chức di dời dân ra khỏi vùng sạt lở.
Những việc cần ứng phó có sơ tán dân ra khỏi vùng lũ quét đến nơi an toàn, lập danh sách đối tượng sơ tán, sơ đồ sơ tán, bố trí nơi tránh trú đảm bảo các điều kiện thuận lợi nhất về giao thông tiếp ứng lương thực, nhu yếu phẩm, chăm sóc y tế. Huyện đã thành lập Sở chỉ huy tiền phương để chỉ huy các lực lượng tham gia ứng phó tại hiện trường và thực hiện cứu hộ, cứu nạn đối với người, công trình, cơ sở hạ tầng... Tất cả phương án đã được huyện chuẩn bị để không rơi vào thế bị động khi xảy ra sự cố.
Làm việc với 2 huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu các địa phương phải chuẩn bị kỹ càng, chu đáo kịch bản thực hiện “nhiệm vụ kép”. Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, Nam - Bắc Trà My nói riêng và các huyện miền núi nói chung phải nâng cao cảnh giác với dịch bệnh khi mùa mưa bão đang đến gần.
Nếu thực sự thiên tai - dịch bệnh xảy ra cùng lúc, thì việc ứng phó sẽ rất khó khăn, nên các huyện cần chủ động phương châm “4 tại chỗ”. Phải chuẩn bị tất cả các phương án cần thiết đề phòng những tình huống xấu nhất để chủ động cứu nạn, hỗ trợ nhân dân kịp thời./.