Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Phóng sự

Láo Vàng mùa Xuân này…

Trọng Bảo - 17:02, 07/02/2022

Những ngày cuối năm, vượt qua các cung đường với bạt ngàn hoa đào, hoa mận đang khoe sắc, chúng tôi lên thôn Láo Vàng, là thôn xa nhất của xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát (Lào Cai) nhưng được chính quyền địa phương đánh giá là thôn khá nhất, giàu nhất của xã.

Sắc Xuân đang về trên bản người Dao ở Láo Vàng
Sắc Xuân đang về trên bản người Dao ở Láo Vàng

Đổi thay Láo Vàng

Trong ngôi nhà sàn của đồng bào Dao, Trưởng thôn Chảo Duần Phấu hồ hởi kể không dứt những chuyện về mảnh đất, con người, về chuyện làm ăn của bà con nơi đây. Theo Trưởng thôn Phấu, từ năm 2019, hai thôn Láo Vàng và Khú Trù được sáp nhập và lấy tên là Láo Vàng. Hiện nay thôn có gần 100 hộ và đều là dân tộc Dao.

Dù ở nơi xa xôi, khó khăn nhất xã, nhưng đồng bào Dao ở đây rất năng động, sáng tạo, chịu khó học hỏi làm ăn, không cam chịu cuộc sống đói nghèo. Điều đó đã giúp cho Láo Vàng trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội ở Phìn Ngan, vượt trội hơn cả một số thôn ở vùng thấp của xã.

“Bây giờ vào nhà bà con nào trong thôn cũng ngô, lúa xếp đầy nhà, ăn cả năm không hết. Có hộ thu hoạch từ 4 - 5 tấn thóc mỗi năm như các ông Chảo Duần Vảng, Vàng Thông Sinh, Vàng Láo Ú,… còn hộ nào ít thóc nhất cũng có khoảng 2 tấn. Từ xưa, đồng bào Dao đã tích cực khai mở ruộng bậc thang để trồng lúa, nên bây giờ cả thôn có gần 30ha ruộng bậc thang và là “vựa lúa” của xã”, Trưởng thôn Phấu cho biết.

Bên cạnh việc phát triển lúa nước, thì chăn nuôi đại gia súc cũng được bà con ở đây chú trọng; bình quân hiện nay, mỗi nhà trong thôn cũng có hai con trâu, bò. Những năm gần đây, khi huyện Bát Xát triển khai dự án nuôi ngựa theo mô hình bán chăn thả, nhiều hộ dân hồ hởi đăng ký vay tiền mua ngựa, đưa đàn ngựa của thôn lên tới 26 con. Điển hình cho phong trào nuôi ngựa có gia đình ông Vàng Láo San với 8 con, Vàng Thông Vầy 5 con...

“Ngựa là loài chịu lạnh tốt, ít bệnh tật, sinh sản nhanh nên rất phù hợp với điều kiện khí hậu ở Láo Vàng. Hiện nay, bà con đang tích cực trồng cỏ voi làm nguồn thức ăn ổn định cho đàn trâu, đàn ngựa. Với tình hình đàn ngựa phát triển tốt như hiện nay, chỉ vài năm nữa sẽ có nhiều hộ giàu lên từ mô hình này”, Trưởng thôn Phấu quả quyết.

Sự cần cù chịu khó thay đổi tư duy trong lao động sản xuất chính là yếu tố quan trọng để Láo Vàng - thôn cao và xa nhất xã nhưng hết năm 2021, chỉ còn 10 hộ nghèo và từ Xuân này, thôn đã được xã chọn xây dựng thôn NTM.

Ở Láo Vàng, nhà nào cũng đầy ngô, đầy lúa
Ở Láo Vàng, nhà nào cũng đầy ngô, đầy lúa

Những hướng đi mới

Qua câu chuyện phát triển kinh tế của người Dao ở Láo Vàng, cho tôi cảm nhận rõ hơn về sự đổi thay trong suy nghĩ, học hỏi cái mới, dám nghĩ, dám làm của nhiều hộ dân ở đây. Ví dụ như, với đặc điểm về địa lý, Láo Vàng có được lợi thế về nguồn nước sạch từ rừng già chảy ra rất phù hợp để nuôi cá nước lạnh. Từ năm 2016 trở lại đây, một số hộ dân đã mạnh dạn lên thượng nguồn suối Láo Vàng đào ao nuôi cá hồi, cá tầm mở ra triển vọng mới.

Tiên phong như hộ anh Vàng Láo Sử. Hiện nay, anh gia đình anh Sử có 5 ao nuôi cá hồi, cá tầm. Anh Sử kể lại câu chuyện những ngày đầu thực hiện mô hình. Lúc ấy, thấy anh đào ao nuôi cá ai cũng gàn bảo, chỉ đổ công, đổ tiền xuống suối chảy đi mà thôi. Nhưng qua những lần vượt núi đi học hỏi mô hình nuôi cá nước lạnh ở Bản Khoang, Tả Giàng Phìn (Sa Pa), khiến anh càng quyết tâm hơn.

Bây giờ vào nhà bà con nào trong thôn cũng ngô lúa xếp đầy nhà ăn cả năm không hết. Có hộ thu hoạch từ 4 - 5 tấn thóc mỗi năm như các ông Chảo Duần Vảng, Vàng Thông Sinh, Vàng Láo Ú,… còn hộ nào ít thóc nhất cũng có khoảng 2 tấn. Từ xưa, đồng bào Dao đỏ đã tích cực khai mở ruộng bậc thang để trồng lúa, nên bây giờ cả thôn có gần 30ha ruộng bậc thang và là “vựa lúa” của xã”.

Trưởng thôn Chảo Duần Phấu

“Năm đầu mình nuôi một ao thành công và cho thu nhập khá; tuy nhiên, năm thứ hai do mua cá giống không bảo đảm, nên cá chết nhiều, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Không nản chí, mình tiếp tục đào thêm ao mở rộng quy mô nuôi cá và vụ cá năm 2019 thắng lớn thu lãi hơn 300 triệu đồng. Hai năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên giá cá hồi giảm, tuy không lãi nhiều như trước, nhưng vẫn có thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa, trồng ngô. Sau này, khi đường sá thuận lợi, cùng với nuôi cá nước lạnh, mình sẽ mở Homestay phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm…”, anh Sử chia sẻ.

Từ mô hình của gia đình anh Sử, đến nay, dọc theo suối Láo Vàng có khoảng chục hộ dân đầu tư nuôi cá nước lạnh, với tổng diện tích mặt nước khoảng 2.000m2.

Rời Láo Vàng, còn nhớ nét mặt phấn khởi của Trưởng thôn Chảo Duần Phấu khi thông tin, tới đây, khi tuyến đường từ xã Pa Cheo sang xã Phìn Ngan hoàn thành, Láo Vàng sẽ không còn là “thôn cụt” nữa. Xe chở hàng của thương lái có thể lên tận đỉnh núi này mua cá, thì chắc chắn diện tích nuôi cá nước lạnh sẽ được mở rộng thêm, đời sống của đồng bào từ đây sẽ phát triển…

Tin cùng chuyên mục
Nguyên Bình - Nơi sáng lên tình dân tộc, nghĩa đồng bào

Nguyên Bình - Nơi sáng lên tình dân tộc, nghĩa đồng bào

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ ngày 7 - 10/9, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, mưa lớn kéo dài liên tục, xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt trên diện rộng, đặc biệt ở huyện Nguyên Bình có 3 điểm sạt lở tại các xóm Khuổi Ngọa, Lũng Lỳ, xã Ca Thành và xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc, làm chết, bị thương và mất tích nhiều người. Ngay khi mưa lũ xảy ra, các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn đã nhanh chóng tiếp cận hiện trường, triển khai công tác ứng cứu.