Tôi đến Ninh Thuận vào đầu tháng 12, sau thời gian dài giãn cách xã hội, đi lại khó khăn do Covid-19. Đón chúng tôi trên suốt chuyến đường di chuyển từ sân bay Cam Ranh về TP. Phan Rang - Tháp Chàm..., là cơn mưa dai dẳng và những cánh đồng hai bên đường ngập đầy nước.
Cũng may vào hôm sau thì trời nắng đẹp, tuy nhiên khi thấy tôi tỏ vẻ e ngại muốn dời lịch trình lại một vài hôm, vì lo lắng đường lên khu vực Ninh Sơn, Bác Ái sẽ khó khăn do mưa lớn đã ba ngày liên tục, thì anh bạn “thổ địa” dẫn đường cười lớn trong lúc lái xe: “Ông cứ yên tâm, Bác Ái giờ khác xưa rồi, đường nhựa, đường bê tông hết cả, xe ta cứ bon bon chạy, chỉ sợ không tìm ra được Giấc mơ Cha-pi xưa cũ của ông thôi”.
Quả thực, đây là lần đầu tiên sau hơn 15 năm, tôi mới có dịp trở lại Bác Ái. Ngày đó còn ở tuổi thanh niên sôi nổi, cũng từng khăn gói theo bạn bè văn nghệ đi tứ xứ, cũng từng say mê câu hát của nhạc sĩ Trần Tiến mà đi tìm Lá diêu bông, đi tìm giấc mơ: “Ở nơi ấy đàn dê trắng nhởn nhơ quanh đồi, một mái tranh nghèo, một nhà sàn yên vui…”.
Huyện miền núi có hơn 90% cư dân là đồng bào Raglay trong ký ức của tôi là một vùng quê nghèo yên bình, từng nằm tách biệt với các địa phương khác của tỉnh Ninh Thuận. Ngày đó, đường lên Bác Ái còn khá khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Quốc lộ 27B là tuyến đường độc đạo nối trung tâm huyện Bác Ái với huyện Ninh Sơn và tỉnh Khánh Hòa.
Tuy nhiên ngày nay, Bác Ái đã thay da đổi thịt, vẫn những mảng xanh ngút ngàn, vẫn những đàn dê, đàn bò với nụ cười những em bé Raglay hồn nhiên trong trẻo… nhưng đời sống của đồng bào đã ấm no hơn trước. Việc tập trung đầu tư cho hạ tầng và giao thông trong thời gian qua, đã giúp việc đi lại, giao thương thuận lợi, từ đó kéo theo sự phát triển của nhiều mặt về kinh tế, xã hội.
Theo thông tin từ UBND huyện Bác Ái, trong giai đoạn 2010 - 2020, từ nguồn vốn Trung ương và địa phương, huyện đã đầu tư trên 570 tỷ đồng để phát triển 168 công trình giao thông, với tổng chiều dài trên 260 km. Trong đó, có trên 35 km đường giao thông từ trung tâm huyện đến xã, bê tông hóa gần 90 km đường trục thôn và liên thôn, cứng hóa trên 115 km đường trục chính nội đồng bảo đảm vận chuyển hàng hóa quanh năm. Hiện nay, toàn huyện đã có 9/9 xã đạt tiêu chí giao thông nông thôn mới.
Chị Katơ Thị Tím, một cán bộ phong trào sống tại đây chia sẻ: “Hiện nay đi lại thuận lợi hơn nhiều, bà con có thể thuận lợi giao thương hàng hóa, vận chuyển nông sản bằng các phương tiện lớn, chuyên dụng. Bên cạnh đó, đời sống vật chất tinh thần của đồng bào cũng được cải thiện, nhà cửa khang trang hơn, tiện nghi hơn. Mừng nhất là trẻ em đã được tiếp cận tốt hơn với y tế và giáo dục”.
Anh Cao Minh Thắng một người con của Bác Ái, từng mưu sinh nhiều nơi. Nay khi quá tứ tuần, anh quyết định trở về Bác Ái, đầu tư một khu đất để làm trang trại. Anh chia sẻ: “Đi nhiều rồi đến lúc cũng phải trở về với quê nhà. Thấy quê mình đổi mới và phát triển thì mừng lắm. Nhân cơ hội có nhiều tập đoàn đang tìm nhà cung cấp nông sản sạch tại khu vực Ninh Sơn - Bác Ái trong thời gian qua, mình đã mạnh dạn đầu tư để làm trang trại. Hy vọng sẽ góp phần vào sự phát triển của quê nhà, tạo thêm việc làm cho bà con”.
Xe dừng trên đồi, thả mắt nhìn xuống đập Tân Mỹ đang thành hình và chuẩn bị đưa vào vận hành, tôi không khỏi xúc động. Có thể nói, đây là công trình thủy lợi lớn nhất khu vực miền Trung, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước và phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Ninh Thuận và vùng phía Nam TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Với một công trình trọng điểm như thế, mong rằng Bác Ái sẽ còn phát triển hơn nữa trong tương lai.
Nỗi băn khoăn duy nhất của tôi trong chuyến đi, có lẽ là việc khá khó khăn khi đi tìm lại giấc mơ và tiếng đàn Chapi trong câu hát cũ. Đời sống thay đổi cũng kéo theo nhiều giá trị văn hóa của một thời gian khó sẽ dần mất đi.
Nhưng thôi, đó là một câu chuyện khác. Còn trên hết, nhìn thấy sự khang trang, sung túc, ấm no của Bác Ái, của đồng bào Raglay ngày nay, tôi thấy đó là điều trân quý !