Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Diện mạo mới dưới chân đèo Tằng Quái

Trương Hữu Thiêm - 09:19, 30/01/2022

Dưới chân đèo Tằng Quái, cùng với hoa cà phê lòng người cũng rạo rực “đơm hương”, không khí hân hoan tràn ngập khắp các bản làng, thị trấn khi huyện lị đang trên đường đổi mới và trên những nương đồi bát ngát, tiếng hát “Inh lả ơi” làm xao xuyến trái tim những ai từng gắn bó máu thịt với vùng đất “Mường Khoe” này...

Một góc thị trấn Mường Ảng dưới chân đèo Tằng Quái
Một góc thị trấn Mường Ảng dưới chân đèo Tằng Quái

Như hẹn, chúng tôi có mặt tại trụ sở các cơ quan khối Đảng huyện Mường Ảng (tỉnh Điện Biên). Mặc dù đang là thời điểm cuối năm, các đơn vị, ban ngành đang rất bận, song ông Nguyễn Tiến Đạt - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy - vẫn dành cho anh em báo chí gần 2 giờ làm việc cuối buổi chiều.

Sau khi dẫn chúng tôi đi thăm một số công trình văn hóa - xã hội trong khu vực các cơ quan đầu não của huyện, ông Nguyễn Tiến Đạt nói như chia vui với chúng tôi: Để thiết thực chào mừng 15 năm thành lập huyện, trên địa bàn thị trấn huyện có một số công trình đã hoàn thành, tiêu biểu là công trình chợ trung tâm thị trấn và công trình nâng cấp đường nội thị trục 42m-27m nối với quốc lộ 279; Công trình Trung tâm Hội nghị - Văn hóa huyện mới được khởi công và đang trong quá trình xây dựng, với tổng mức đầu tư trên 30 tỷ đồng... Cũng nhờ hiểu được ý nghĩa tinh thần và tầm quan trọng của các công trình dân sinh, nên 100% hộ dân có tuyến đường đi qua đã tự nguyện hiến đất, tạo điều kiện cho đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ.

Là người gắn bó với Mường Ảng từ những ngày đầu thành lập huyện, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Việc triển khai các chương trình giảm nghèo đã góp phần nâng cao mức sống của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh hằng năm.

Những năm gần đây, không chỉ các nhà quản lý và các nhà chuyên môn, mà hầu hết chúng ta ai cũng quen với các cụm từ đã trở thành lời ăn tiếng nói hằng ngày: Chương trình 135, Chương trình 159, Chương trình 134, Nghị quyết 30a/CP... .. Đi cùng với đó là tổng nguồn vốn đầu tư phát triển trong kế hoạch tăng đều, cho phép Mường Ảng dần có tích luỹ và bước vào cuộc tân kiến tạo điện - đường - trường - trạm...

Nói về cuộc “tân kiến tạo điện - đường - trường - trạm”, dẫn chứng cụ thể và rõ nhất, là việc khánh thành và đưa vào vận hành hồ thủy lợi Ẳng Cang, sau nhiều năm trì trệ, liên tục lỡ hẹn hoàn thành. Tại thời điểm này, hồ thủy lợi Ẳng Cang có quy mô lớn nhất trên địa bàn huyện với mục tiêu cấp nước tưới cho 400ha lúa của xã Ẳng Cang; cấp nước tưới cho khoảng 1.000ha cà phê trên địa bàn các xã: Ẳng Nưa, Ẳng Tở, Ẳng Cang và thị trấn Mường Ảng (trong đó phát triển trồng mới 600ha); cấp nước sinh hoạt cho khoảng 10.000 người thuộc khu vực các xã: Ẳng Nưa, Ẳng Cang và thị trấn Mường Ảng.

Mới đây, một chiều cuối năm 2021, chúng tôi may mắn khi được chứng kiến lễ thả gần 1 tấn cá giống nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản tại hồ chứa nước Ẳng Cang, do Ban quản lý Dự án các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Điện Biên tài trợ. Gặp nhau bên bờ hồ, kỹ sư Nguyễn Việt Phương - Trưởng Ban quản lý Dự án các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Điện Biên - vui vẻ chia sẻ: Đây là hoạt động góp phần ổn định môi trường sinh thái, phục hồi, tái tạo các nguồn lợi thủy sản đang bị suy giảm. Ngoài ra, mục tiêu giàu chất nhân văn và rất thiết thực là tạo sinh kế cho người dân trong vùng, phát triển kinh tế thủy sản gắn với hoạt động văn hóa - du lịch của địa phương.

Diện mạo mới của bản Thái dưới chân đèo Tằng Quái
Diện mạo mới của bản Thái dưới chân đèo Tằng Quái

Chúng ta đều biết huyện Mường Ảng nằm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh Điện Biên, là vùng trọng điểm phát triển cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả và phát triển ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm; nằm trong trục kinh tế động lực quốc lộ 279 của tỉnh và có vị trí chiến lược trong khu vực phòng thủ của tỉnh. Tuy nhiên, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn còn nhiều khó khăn, các nguồn lực đầu tư cho phát triển tuy đã được quan tâm nhưng nhìn chung dàn trải và chưa đáp ứng so với yêu cầu thực tiễn. Liên kết sản xuất trong nông nghiệp chưa phát triển, tiêu thụ sản phẩm nông sản gặp nhiều khó khăn; thời tiết khí hậu, dịch bệnh bất thường đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của huyện. Mặt khác, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội về ma túy còn diễn biến phức tạp, tỷ lệ hộ nghèo cao; trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cấp trên giao.

Thực tế cho thấy vào thời điểm hiện tại nhiều nguồn vốn cho đường, cho điện, cho nước, cho trường học và trạm y tế khu dân cư mới đã và đang được tiếp tục khởi động. Cùng với huyện Nậm Pồ, huyện Mường Ảng là một trong hai người em “sinh sau đẻ muộn” trong số 10 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh, đang rộn rã cuộc đổi thay để có thể phô ra những nét tươi mới trong sắc thắm núi rừng. Dưới chân đèo Tằng Quái, nếu cây cà phê được xác định là cây kinh tế mũi nhọn của tỉnh, thì huyện Mường Ảng đang “nắm giữ” loại cây mũi nhọn ấy như “nắm giữ” những bí quyết của sự no ấm, phồn vinh...

Trên đường trở về thành phố Điện Biên Phủ, chúng tôi dừng lại ở một quán giải khát lưng đèo Tằng Quái. Độ rày hoa cà phê trái vụ đang nở rộ, cả thung lũng chân đèo một màu trắng rưng rức thật vui mắt. Bất giác chúng tôi nhớ lại lời ông Kiều Xuân Hoàng - Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện: Dựa vào điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp, những năm qua Mường Ảng tích cực khai thác các thế mạnh và trở thành vùng cà phê trọng điểm của tỉnh. Đó là tín hiệu của việc đầu tư đúng hướng, tận dụng được những ưu thế đất đai của địa phương. Cùng với các chương trình, dự án thuộc nhiều lĩnh vực của Chính phủ, cây cà phê đã và đang là “cứu cánh” cho rất nhiều hộ nông dân Mường Ảng trong khát vọng đổi đời.

Cũng đồng đất ấy mà giờ một diện mạo mới đang “khoe” ra dưới thung lũng chân đèo Tằng Quái. Công bằng mà nói Mường Ảng chưa giàu, thậm chí vẫn là một trong số những huyện khó khăn trên địa bàn miền núi cả nước. Song hãy nhìn lại quá khứ mà tự hào, nhìn về tương lai mà vững tin phấn đấu. Đó là tâm nguyện của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Mường Ảng trước thềm năm mới Nhâm Dần.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.