Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Dân vận khéo làm đổi thay thôn, bản miền núi

Quỳnh Trâm - 21:53, 20/12/2021

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) như một luồng gió mới làm thay đổi diện mạo của nhiều thôn, bản ở miền núi. Để có được sự đồng thuận, chung tay của người dân, có vai trò quan trọng của công tác dân vận.

Diện mạo mới khang trang ở một số bản NTM trên địa bàn huyện Quan Hóa. (Trong ảnh: Một góc bản Hang, xã Phú Lệ)
Diện mạo mới khang trang ở một số bản NTM trên địa bàn huyện Quan Hóa. (Trong ảnh: Một góc bản Hang, xã Phú Lệ)

Cuối năm 2021, chúng tôi có dịp trở lại bản Chăm, xã Phú Nghiêm, huyện vùng cao Quan Hóa (Thanh Hóa). So với cách đây 5 năm, bản Chăm hoàn toàn đã “thay da đổi thịt”, mang trên mình một diện mạo mới.

Giữa màu xanh ngút ngàn của núi rừng là bản làng trù phú với những nóc nhà sàn kiên cố xen lẫn những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi. Rồi các công trình trường học, trạm y tế, công sở xã, nhà văn hóa bản... được xây dựng khang trang.

Nói về sự đổi thay của bản, ông Hà Văn Huyến, Trưởng ban Công tác Mặt trận bản Chăm không khỏi tự hào. Ông cho biết, bản Chăm vốn có xuất phát điểm thấp, nên thiếu thốn trăm bề, nhất là các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống, sinh hoạt của bà con. “Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, Chi bộ bản Chăm luôn lấy dân vận khéo làm phương thức khơi dậy nguồn lực to lớn trong Nhân dân để đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình dân sinh”, ông Huyến nói.

Được tuyên truyền, vận động của cán bộ, đảng viên, Nhân dân nhận thức rõ được ý nghĩa, vai trò của xây dựng NTM, từ đó tự nguyện hiến  đất và 1.350 cây trồng lâm nghiệp để mở rộng, bê tông hóa 5 tuyến đường giao thông nội bản, với chiều dài hơn 2,2 km. Không những vậy, bà con còn đóng góp hàng trăm triệu đồng làm đường vào khu sản xuất, nâng cấp hệ thống điện chiếu sáng, xây dựng các công trình nước sinh hoạt, lò đốt rác gia đình, sửa chữa nhà văn hóa cộng đồng...

Nhờ sức dân, con đường đất thường xuyên lầy lội gây khó khăn trong đi lại trước kia đã được thay bằng con đường bê tông trải dài kiên cố.

Chia tay bản Chăm, chúng tôi xuôi về huyện Cẩm Thủy, đến thăm thôn Quý Thanh, một trong những thôn đầu tiên của xã Cẩm Quý về đích NTM.

Toàn thôn có 190 hộ dân, với 840 nhân khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc Mường chiếm hơn 89%. Ông Cao Xuân Tuyên, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Quý Thanh cho biết, năm 2014, Đảng ủy xã giao nhiệm vụ cho Chi bộ thôn là xây dựng Quý Thanh trở thành thôn NTM.

Hiện khu vực miền núi Thanh Hóa có 715 thôn, bản đạt chuẩn NTM, trong số đó, có nhiều thôn, bản trở thành thôn NTM kiểu mẫu
Hiện khu vực miền núi Thanh Hóa có 715 thôn, bản đạt chuẩn NTM, trong số đó, có nhiều thôn, bản trở thành thôn NTM kiểu mẫu

Bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ mới, với quan điểm người dân là chủ thể trong xây dựng NTM, Chi bộ thôn tổ chức nhiều cuộc họp để tuyên truyền cho bà con hiểu được trách nhiệm của mình, cũng như những lợi ích lâu dài khi quê hương đổi mới. Cùng với việc nêu gương “đi trước, làm trước” của cán bộ, đảng viên, chi bộ thôn còn phát huy vai trò của Người có uy tín trong cộng đồng để nói cho dân hiểu.

Qua đó, người dân Quý Thanh đã đồng thuận, chung tay cùng với Chi bộ xây dựng bê tông hóa toàn bộ các tuyến đường nội thôn. Từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và Nhân dân đóng góp, thôn đã bê tông hóa 3,7 km đường giao thông, với tổng số tiền là 931,6 triệu đồng. Những con đường đất, nhỏ hẹp, thường lầy lội trước đây, giờ đã được thay bằng những con đường bê tông kiên cố.

“Với phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, Chi bộ thôn đã và đang tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con đóng góp “sức người, sức của” để xây dựng thôn sớm “về đích NTM kiểu mẫu”, ông Tuyên phấn khởi nói.

Song song với việc xây dựng hạ tầng, Chi bộ thôn Quý Thanh còn tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Sau khi khảo sát thực địa, đánh giá hiện trạng sử dụng đất và tình hình sản xuất của người dân, Chi bộ thôn đã họp bàn và thống nhất việc cần phải làm là tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp, xây dựng các mô hình sản xuất mới. Qua đó, vận động bà con chuyển đổi 12,91 ha đất 1 vụ lúa sang trồng mía nguyên liệu. Ngoài ra, tiến hành cải tạo vườn tạp, bố trí lại vườn hộ để xây dựng các mô hình trồng bí xanh, củ đậu, sắn dây, ớt xuất khẩu. 

Hiện nay, tổng diện tích các mô hình sản xuất mới của thôn là 16,35 ha. Nhờ phát triển sản xuất mà thu nhập bình quân của người dân trong thôn được nâng lên 45 triệu đồng vào cuối năm 2020 và Quý Thanh cũng không còn hộ nghèo.

Những năm qua, nhờ làm tốt công tác dân vận, mà tới nay chỉ riêng ở khu vực miền núi của tỉnh đã có 715 thôn, bản đạt chuẩn NTM. Trong số đó, có nhiều thôn, bản trở thành thôn NTM kiểu mẫu và trở thành những vùng quê đáng sống.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.