“Đốt, cốt, trỉa” đi vào dĩ vãng
Từ đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, rẽ vào con đường gồ ghề đang thi công, đưa chúng tôi về với bản người Chứt. Bản Hà, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) nằm lọt thỏm trong một thung lũng vùng biên.
Đã gần 12h, những mảng sương trắng xóa vẫn ôm lấy các đỉnh núi cao vời vợi. Dưới thung lũng, bản Hà bồng bềnh trong làn sương, rồi hiện ra mỗi lúc một gần hơn. Những ruộng lúa đang vào độ đẻ nhánh, xanh mướt. Thoai thoải bên sườn núi, những rẫy sắn cũng đã kịp đâm ra lá non để đón nắng…
Người Chứt ở bản Hà đã thay đổi, không những định canh định cư, mà họ đã và đang hướng tới thâm canh trên đồng đất của bản làng. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt của đất nước, người Chứt đã hòa nhịp và từng bước áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi để làm giàu chính đáng.
Cùng với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đưa máy móc vào khai hoang cải tạo và những đôi tay cần mẫn của người Chứt, bản Hà đã có 12ha đất trồng lúa, lạc, ngô và 50ha đất trồng rừng. Có đất để định canh và an cư, người Chứt lại mạnh dạn sử dụng nhiều giống lúa mới cho năng suất cao hơn để bảo đảm lương thực.
Năm 2021, năng suất lúa ở bản Hà đạt 3 tạ/sào (500 m2). Cùng với sắn, lạc và nhiều loại cây hoa màu khác, bản Hà đã không còn hộ thiếu đói. Như một nấc thang, từng bước đi vững chắc người Chứt một lần nữa làm cuộc “cách mạng” trong lao động sản xuất. Toàn bộ những giống cây trồng vật nuôi kém hiệu quả được thay thế sang các loại cây, con có hiệu quả hơn. Chuồng trại được xây dựng kiên cố, xa nhà ở để nuôi trâu, bò, lợn, gà bảo đảm vệ sinh.
Là Người có uy tín và từng làm trưởng bản hơn 30 năm, ông Đinh Văn Tính tâm sự: “Trước đây, đời sống của người dân bản Hà rất khó khăn. Bà con sống du canh du cư, tập quán canh tác chủ yếu là phát, đốt, cốt, trỉa. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, bà con đã định cư ổn định và chăm lo phát triển kinh tế gia đình. Các cháu có điều kiện đến trường để học con chữ. Cảnh bà con dắt díu nhau đi từ đồi này đến núi khác để phát, đốt, cốt trỉa đã đi vào dĩ vãng.
An cư, xây dựng bản văn hóa
Sau nhiều năm định canh, an cư và sự lao động cần mẫn của người Chứt, bản Hà đã khoác lên mình “tấm áo” mới, khang trang hơn. Vui hơn, năm 2019, bản Hà được công nhận là Bản văn hóa. Đây cũng là bản đầu tiên và duy nhất cho đến nay, đạt danh hiệu này ở huyện vùng biên Tuyên Hóa.
Không chỉ thâm canh, làm chủ được lương thực, người Chứt còn phát triển chăn nuôi rất mạnh. Nổi lên như một điểm sáng về phát triển kinh tế hộ gia đình. Hằng năm, từ nguồn bán trâu thịt và trâu sinh sản, nhiều gia đình đã có thu nhập hàng trăn triệu đồng mỗi năm. Nhờ đó đồng bào có điều kiện đầu tư xây dựng lại nhà cửa khang trang, cho con cái học hành đầy đủ.
Trong tâm thế của người trẻ đầy nhiệt huyết và năng động, Trưởng bản Đinh Minh Tâm cho biết, phong trào lao động sản xuất kinh tế hộ gia đình ngày càng phát triển, nhà nhà nuôi trâu, trồng lúa. Ngoài ra, đồng bào còn phát triển mạnh về trồng keo… Khi đời sống được cải thiện, kinh tế hộ gia đình khá lên, ai cũng có tinh thần trách nhiệm xây dựng bản làng ngày càng khang trang.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, như thêm một luồng gió mới, làm bản Hà thay đổi toàn diện. Hơn 9 km đường nội bản được bê tông hóa, nhiều đoạn có cả hệ thống chiếu sáng. Thu nhập bình quân đầu người không ngừng được tăng lên, hiện đạt 37 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu đến cuối năm 2021 chỉ còn 7,7%. Đó là những hình ảnh không dễ gặp, ít người nghĩ tới trên dải Trường Sơn.
Từ kinh tế hộ gia đình “hạt nhân” của bản phát triển, dân bản ai cũng thi đua lao động sản xuất, từ đủ ăn rồi đến kiến thiết. Đến nay, bản Hà đã không còn nhà tạm, nhà dột nát. Chuồng trại chăn nuôi gia súc được xây dựng kiên cố, xa nhà ở, hợp vệ sinh môi trường. Đời sống đã tăng lên, dân bản Hà lại đoàn kết, góp tiền, góp sức xây dựng nhà văn hóa cộng đồng khang trang.
Niềm vui lớn hơn đang dần được hiện hữu với đồng bào bản Hà. Con đường từ đường mòn Hồ Chí Minh đi vào bản, đã được UBND tỉnh Quảng Bình đầu tư xây dựng, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong năm nay. Rồi đây, bản Hà sẽ được thông thương, đời sống người dân sẽ được phát triển thêm một bậc.
Chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Nguyễn Hữu Tâm, Chủ tịch UBND xã Thanh Hóa không dấu nổi niềm vui: Những thay đổi ở bản Hà, là minh chứng rõ nét nhất cho những nỗ lực, phấn đấu của người dân. Không những làm cho bản Hà thay đổi diện mạo toàn diện, dân bản còn giữ vững danh hiệu Bản văn hóa 3 năm liên tục. Đó là một sự nỗ lực rất lớn của mỗi người dân. Đặc biệt, là đồng bào đã có được thay đổi rất lớn về tư duy.
Từ điểm xuất phát thấp, tập tục du canh du cư và lối canh tác “phát, đốt, cốt, trỉa”...bằng sự cần mẫn, ý chí tự lực để vươn lên, đồng bào Chứt ở bản Hà đã làm được cuộc “cách mạng”. Không chỉ định canh, người Chứt còn an cư và xây dựng bản Hà trở thành điểm sáng ở huyện miền núi Tuyên Hóa.