Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Triết lý “ăn chung”

Uông Thái Biểu - 17:33, 14/11/2019

Giọng có chút ngậm ngùi, anh Thào Hùng Khải nhớ lại: “Ngày đầu từ Nguyên Bình (Cao Bằng) đến với đất Bảo Lâm (Lâm Đồng) hơn 20 năm trước, người Mông bản anh chỉ mang theo cái bồng vải trên lưng mấy nắm hạt giống, vài ba cái lưỡi cuốc, lưỡi cày. Tài sản người Mông di cư từ vùng núi đá phía Bắc đến cao nguyên đất đỏ phía Nam chỉ vậy, không có gì khác ngoài cái đói, cái nghèo và khao khát đổi đời”.

Sống giữa núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, đồng bào các dân tộc anh em nơi đây luôn thắm tình đoàn kết, sẻ chia trong cuộc sống. (Trong ảnh: Đồng bào các dân tộc chung vui trong ngày hội của buôn làng)
Sống giữa núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, đồng bào các dân tộc anh em nơi đây luôn thắm tình đoàn kết, sẻ chia trong cuộc sống. (Trong ảnh: Đồng bào các dân tộc chung vui trong ngày hội của buôn làng)

Nơi Khải cùng bản Mông của anh tìm đến lập cư là vùng rừng sâu, quê hương của đồng bào Cơ-ho. Người miền núi nơi này cũng nghèo, cũng khổ không hơn gì những người anh em từ phương xa đến. Chỉ khác chăng là họ đã sinh sống gắn bó, là “chủ cũ” lâu đời giữa đại ngàn Tây Nguyên…

Anh Thào Hùng Khải kể mà ánh mắt như có ngấn nước: “Rồi người Mông cũng tìm được nơi lập bản mới giữa rừng sâu Lâm Đồng. Dù đó là vùng xa xôi heo hút nhất nhưng đất ruộng, đất nương hầu như đều đã có chủ. Người Mông trên quê mới càng thêm phần lo lắng, hoang mang cho cuộc mưu sinh phía trước khi chưa biết cách nào tìm ra chỗ trồng tỉa”. 

Đã qua mấy ngày chặt cây lợp lán, người trẻ người già đang mệt mỏi rã rời sau cuộc hành trình dài, thì bản Mông có khách đến thăm. Khách của họ là già làng K’Gíp và những người đàn ông, đàn bà Cơ-ho ở buôn kế bên. Quà mà khách mang đến là một ché lớn rượu cần, một nửa con thú săn mấy bữa trước, những mớ rau rừng vừa hái, những gùi bắp bẻ vội từ nương. 

Những chàng trai, cô gái Mông tham gia trò chơi dân gian ném Pao tại chợ phiên xã Đăk Som, huyện Đăk G’Long, tỉnh Đăk Nông.
Những chàng trai, cô gái Mông tham gia trò chơi dân gian ném Pao tại chợ phiên xã Đăk Som, huyện Đăk G’Long, tỉnh Đăk Nông.

Khi những chiếc gùi được đặt xuống từ lưng những người phụ nữ thì bữa tiệc kết giao liền đó cũng được mở ra giữa bãi cỏ bên suối. Phụ nữ nướng thịt, đàn ông khui rượu. Giọng nói, tiếng cười rộn rã, lẫn lộn tiếng Mông, tiếng Cơ-ho. Ngà ngà say, già làng K’Gíp chém tay xuống đất và nói: “Là Bắc hay Nam thì anh em chúng ta cũng là người gắn bó máu thịt với rừng. Sống ở rừng, cứ tuân theo luật của rừng mà ứng xử. Có chỗ đất tốt thì nhường cho nhau vài thửa, có miếng thịt, mớ rau thì san sẻ cho nhau một ít. Của rừng thì cùng ăn chung mà!”. 

Ai cũng biết, người Mông vốn săn bắn giỏi. Đàn ông Mông đã mang ná vào rừng là có thú dính vào mũi tên, đã đặt bẫy là có thú bị sập. Người Mông đến lập cư trên quê mới cũng coi việc săn bắn là sở thích và nghề mưu sinh. Bẫy đặt giữa rừng sâu, lâu lâu chủ mới ghé thăm. Nếu bắt được thú to thì kêu cả bản khiêng về, xẻ thịt ăn chung. Nhiều người bạn kể rằng, người Mông thường khiêm nhường nói với họ: “Gặp bẫy của người Mông ta giữa rừng có thú bị sập cứ lấy về ăn, đừng phá hư cái bẫy là được. Của rừng thì cùng ăn chung mà!”.

Một bản người Mông ở Tây Nguyên.
Một bản người Mông ở Tây Nguyên.

Những “chủ rừng” cũ ở Tây Nguyên như người Cơ-ho, người Mạ, người X’Tiêng, người Mnông cũng nói với người Mông, người Thái, người Tày, người Nùng mới di cư đến: “Qua rẫy của ta, nếu vợ con anh ở nhà đói thì cứ bẻ bắp, suốt lúa đưa về mà ăn. À mà chọn cái bắp già, đừng bẻ bắp non mà đau cái cây. Lúa cũng vậy, đừng suốt hạt lúa khi còn ngậm sữa, Yàng Koi phạt đấy”. 

Sống trên cao, những tộc người xứ núi không biết đến ngôn ngữ màu mè, họ không có nhiều lời để giải thích những việc mình làm. Họ chỉ biết nghĩ rằng, cha ông làm sao thì mình làm vậy. 

Hấp thu minh triết của rừng, các dân tộc anh em đã ứng xử với nhau bằng một đạo lý sẻ chia nguồn sống một cách tự nhiên. Luật không thành văn của những dân tộc cùng nhau sinh tồn giữa đại ngàn có nguồn gốc từ nhân tình vốn có, bình thường mà cao cả. Sự cộng cảm qua triết lý ăn chung của họ làm cho núi rừng thêm hùng vĩ, thiêng liêng.

Tin cùng chuyên mục
Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã và đang phát huy hiệu quả trên nhiều lĩnh vực về đời sống kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Cà Mau. Minh chứng như việc triển khai hiệu quả Dự án 1 của Chương trình, đã góp phần giải quyết cơ bản việc thiếu đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt trong vùng đồng bào DTTS ở địa bàn khó khăn.