Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tiếng đàn đá bên suối Đăk Kar

PV - 10:11, 13/08/2019

Đàn đá là loại nhạc cụ được UNESCO xếp vào danh sách các nhạc cụ độc đáo trong Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Từ xa xưa, dòng suối Đăk Kar đã gắn liền với đời sống của bà con bon Bu Bir, xã Quảng Tín, huyện Đăk R’lấp, tỉnh Đăk Nông. Đồng bào M’nông vẫn truyền tai nhau huyền thoại về đàn đá (goong lú-chiêng đá) và tìm được nhiều bộ đàn đá âm thanh trong ngần trong dòng suối này. Các nhà khảo cổ đã thẩm định những báu vật này được chế tác từ hàng nghìn năm trước.

Bên dòng suối Đăk Kar

Trong một chuyến công tác Đăk Nông, chúng tôi được về bon Bu Bir, xã Quảng Tín xem các nghệ nhân diễn tấu đàn đá và nghe huyền thoại về dòng suối Đăk Kar. Khi âm thanh bộ đàn đá cất lên nghe như tiếng núi rừng ngàn xưa vọng lại.

đàn đá Nghệ nhân bon Bu Bir biểu diễn đàn đá.

Theo chân anh Điểu Phương, một người dân mê sưu tầm đàn đá và là chủ nhân nhiều bộ đàn đá ở bon Bu Bir đến suối Đăk Kar, nơi đồng bào M’nông đã tìm thấy hàng chục bộ đàn đá cổ xưa, từ xa chúng tôi đã nghe tiếng ầm ào của dòng nước lẫn trong tiếng xào xạc của những dãy tre lồ ô. Anh Điểu Phương cho biết, suối Đăk Kar là nguồn sống của bon làng, đi làm về là mọi người lại dừng chân bên suối nghỉ mát, tắm gội, con suối này chưa bao giờ cạn nước, người dân trong buôn vẫn lấy nước suối về dùng. Dòng suối này là nơi anh Điểu Phương tìm được bộ đàn đá cổ xưa rồi bén duyên với đàn đá như một cái duyên định mệnh.

Theo anh Điểu Phương chia sẻ, thuở nhỏ anh nghe người già trong bon đánh đàn, kể sự tích đàn đá bên dòng suối Đăk Kar rất nhiều lần. Năm 2001, trong một chuyến đi chơi cùng bạn ở suối Đăk Kar, anh vô tình dẫm phải thanh đá có hình dáng rất đẹp, gõ kêu, anh mang về hỏi các nghệ nhân lớn tuổi và được xác định là đàn đá. Tiếp tục tìm kiếm, anh đã có bộ đàn đá hoàn chỉnh đầu tiên. Mê đàn đá nên Điểu Phương thường xuyên ra suối tìm đá kêu, được viên nào anh vui mừng mang về mời nghệ nhân thẩm định viên đó và sắp xếp đúng trình tự một dàn hoàn chỉnh. Đến nay, anh đã sở hữu ngót chục bộ đàn đá.

Huyền thoại về đàn đá

Còn những người già trong bon kể, hơn nửa thế kỷ trước, trong một lần đi rẫy, đào đất, dựng lều gần khu vực suối Đăk Kar, các cụ đã phát hiện 3 thanh đá kêu. Gõ thử nghe hay, họ mang về đêm đêm tấu cùng chiêng đồng phục vụ bà con. Nhưng chiến tranh loạn lạc, bộ đá kêu bị thất lạc. Năm 1985, khi giăng lưới bắt cá ở suối Đăk Kar, ông Điểu Bang vô tình phát hiện đá kêu. Ông xuống suối mò thêm được 2 thanh khác. Xếp 3 thanh thành một bộ, ông gõ cho mọi người cùng nghe những khi nghỉ trưa ở rẫy.

Nhà trưng bày đàn đá Đăk Nông. Nhà trưng bày đàn đá Đăk Nông.

Đúng thời gian này, trong bon xảy ra dịch bệnh làm chết nhiều người, nghĩ rằng, do không cúng thần linh khi lấy đá nên trời phạt, ông Điểu Bang mang đá trả về chỗ cũ. Sau này, cán bộ ngành Văn hóa nài nỉ ông mới chỉ chỗ để vớt chiêng đá lên.

“Tổ tiên người M’nông đã sử dụng bộ chiêng đá 3 thanh từ nhiều đời trước, khi diễu tấu mỗi người một thanh, có thể diễu tấu cùng dàn chiêng đồng cổ 3 chiếc hoặc trình diễn độc lập. Khi đánh lên, âm thanh vang rộn như hồn người Tây Nguyên gửi vào đá”, ông Điểu Bang chia sẻ.

Năm 1993, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đăk Nông phối hợp Viện Văn hóa Dân gian, Bảo tàng Lịch sử lập Hội đồng Nghiên cứu thẩm định bộ đàn đá Đăk Kar mà năm 1985 ông Điểu Bang tìm thấy. Hội đồng xác định 3 thanh đá đều có thang âm của âm nhạc thời cổ đại, có niên đại trước Công nguyên. Hiện, bộ đàn này được lưu giữ tại Bảo tàng Đăk Nông.

Hàng chục năm nay, thanh niên trong bon Bu Bir và các bon lân cận vẫn lặn lội xuống dòng suối tìm hàng chục bộ đàn đá. Sau gần 10 năm tìm kiếm, anh Điểu Chôi cũng có được 3 bộ đàn đá, trong đó có một bộ hoàn chỉnh với 6 thanh đá. Những năm gần đây, huyện Đăk R’lấp cũng đã tổ chức nhiều lớp dạy đánh đàn đá, cồng chiêng... cho thanh niên của các bon làng trong huyện để giữ gìn nét văn hoá truyền thống của dân tộc.

Thiếu nữ Tây Nguyên đánh đàn đá. Ảnh TL Thiếu nữ Tây Nguyên đánh đàn đá. Ảnh TL

Ở Đăk Nông hiện nay, bon Bu Bir được xem là bon giàu có về văn hóa truyền thống, lưu giữ nhiều bộ đàn đá nhất. Mỗi khi địa phương tổ chức sự kiện quan trọng đều không thể thiếu tiết mục hòa tấu đàn đá của nghệ nhân Bu Bir. Bon đã thành lập một đội văn nghệ dân gian thu hút đông đảo thanh thiếu niên. Nhờ đó, những bài chiêng cổ, lời hát ru, nhịp đàn đá, điệu múa xoang… vang khắp bon.

Mới đây, UBND tỉnh Đăk Nông vừa tổ chức Lễ khánh thành nhà trưng bày đàn đá tại bon Đăk R’Moan, xã Đăk R’Moan, thị xã Gia Nghĩa. Nhà trưng bày đàn đá có 57 loại nhạc cụ của các dân tộc trên thế giới, các loại đàn đá của người đồng bào M’nông. Các loại nhạc cụ này được làm từ một số loại đá và xương động vật.

LÊ HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.