Học ngoại ngữ để quảng bá sản phẩmNăm 2013, Thào Thị Sùng cất công tìm đến nhiều nơi, nhiều người thêu thổ cẩm lão luyện để học hỏi nâng cao tay nghề, hiểu thêm về các nét văn hóa; cũng như tìm hiểu mô hình sản xuất hàng thổ cẩm. Sau đó, chị Sùng đầu tư xây dựng căn nhà nhỏ và trang bị khung cửi dệt lanh trên diện tích 250m2 với vốn đầu tư ban đầu 120 triệu đồng. Đồng thời, chị vận động người dân địa phương thành lập câu lạc bộ (CLB) Thổ cẩm số 1 thôn Can Ngài (xã Tả Phìn).
Chị Sùng cho biết, xuất phát từ mong muốn giúp bà con có tay nghề may vá, thêu thùa làm ra các sản phẩm thủ công đặc sắc để kiếm sống, thoát nghèo chị quyết tâm tập hợp chị em để thành lập bằng được CLB này. “Nhiều phụ nữ địu con sau lưng hay các em bé chân trần mặt lấm lem đi theo khách du lịch ở Sa Pa mời mua hàng lưu niệm vừa vất vả vừa làm mất hình ảnh thương hiệu. Mình thương lắm, nhiều đêm không ngủ được”, chị Sùng bộc bạch. Chị Sùng chia sẻ thêm, thành lập CLB để có nơi tập trung sản xuất và trưng bày sản phẩm để đảm bảo chất lượng và hiệu quả kinh tế, tránh bị hàng chợ, hàng nhái ảnh hưởng gây mất uy tín.
Sản phẩm của CLB hoàn toàn được làm thủ công và sử dụng nguyên vật liệu tự nhiên từ sợi lanh, màu nhuộm bằng vỏ, lá cây. Bên cạnh những sản phẩm truyền thống (trang phục, khăn, mũ) chị Sùng không ngừng tìm tòi, tham khảo để tạo ra nhiều mẫu mã đa dạng như túi đựng laptop, ipad, máy ảnh; khăn trải bàn, vỏ chăn, gối, ba lô, túi xách, bìa đựng sổ… được khách du lịch trong và nước ngoài ưa chuộng. “Nhờ học nghề dệt thổ cẩm kết hợp với phát triển dịch vụ du lịch sinh thái tại bản, giờ đây chị em không phải đi theo khách để bán hàng. Khách vào tận nhà xem mặt hàng, hàng thổ cẩm đẹp, độc đáo, chất liệu thân thiện với môi trường nên rất nhiều người mua”, chị Sùng chia sẻ.
Để quảng bá và bán được sản phẩm thủ công tới du khách nước ngoài, Thào Thị Sùng đều đặn xuống thị trấn Sa Pa học tiếng Anh suốt ba tháng, rồi về dạy lại cho các thành viên trong CLB và mọi người trong bản. “Không biết tiếng Anh thì không thể giới thiệu được văn hóa, sản phẩm thủ công truyền thống của dân tộc Mông và bán sản phẩm khi có khách nước ngoài đến thăm quan”, chị Sùng nói.
Truyền nghềSinh ra trên mảnh đất Tả Phìn, Thào Thị Sùng từ nhỏ đã gắn liền với phong tục văn hóa của dân tộc Mông, sớm làm quen với nghề dệt thủ công. Chị Sùng bảo: “Trước đây, con gái Mông 7 tuổi bắt đầu học se lanh, dệt thêu, 13 tuổi phải thành thạo làm ra váy áo, khăn mũ, nếu không rất khó lấy chồng. Hiện nay, việc thêu dệt giỏi là để giữ gìn, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc Mông và tạo thêm việc làm thu nhập những lúc nông nhàn”. Bên cạnh việc tạo việc làm cho người dân địa phương, chị Sùng còn tích cực tham gia dạy miễn phí nghề thêu, dệt thủ công cho học sinh ở Tả Phìn.
Đều đặn các ngày trong tuần, chị Sùng lại đến trường hướng dẫn các em học sinh thêu sợi chỉ, giới thiệu về nguyên liệu, quy trình sản xuất sợi, ý nghĩa các loại hoa văn trong văn hóa phong tục dân tộc Mông; cùng lên ý tưởng mẫu mã, sản phẩm… từ đó khơi dậy tình yêu với nghề cho bọn trẻ.
Vì những nỗ lực và thành tích trong quảng bá nghề dệt thủ công và tạo ra sản phẩm thổ cẩm cho doanh thu lớn, Thào Thị Sùng được T.Ư Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2016 cho những thanh niên có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh và ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
KIM DUNG