Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Triển khai nhiều giải pháp đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nơi vùng biên xứ Thanh

Quỳnh Trâm - 11:09, 31/10/2024

Sau những nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT) ở vùng đồng DTTS và miền núi của tỉnh Thanh Hóa, đến nay đã chấm dứt tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Tuy nhiên, tỷ lệ tảo hôn giảm nhưng không đáng kể, đặc biệt tình trạng này đang xảy ra chủ yếu tại khu vực các huyện biên giới đặc biệt khó khăn, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Mường Lát là địa phương có nhiều cặp vợ chồng kết hôn ở tuổi vị thành niên
Mường Lát là địa phương có nhiều cặp vợ chồng kết hôn ở tuổi vị thành niên

Dai dẳng tình trạng tảo hôn

Điển hình như trường hợp em Thao Thị Dua, ở bản Khằm 1, xã Trung Lý, huyện biên giới Mường Lát kết hôn khi mới 14 tuổi. Đến nay, ở tuổi 16, Dua đã là mẹ của một bé trai hơn 1 tuổi. Dua không được đi học nên không biết chữ, còn chồng Dua cũng mới chỉ học hết lớp 7. Không trình độ, không học vấn, lại kết hôn khi còn quá trẻ, nên cuộc sống của hai vợ chồng hết sức khó khăn.

Tính đến nay, trên địa bàn huyện Mường Lát có tới cả trăm cặp vợ chồng kết hôn ở tuổi vị thành niên như vợ chồng Thao Thị Dua. Thực trạng này đang gây ra hệ quả nghiêm trọng đến sức khỏe, chất lượng nòi giống, là trở ngại lớn đối với công tác giảm nghèo và  phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Để từng bước đẩy lùi tình trạng TH&HNCHT, những năm qua, huyện Mường Lát đã thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025". Theo đó, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung đẩy mạnh và đa dạng hóa hình thức công tác tuyên truyền, vận động; xây dựng các mô hình điểm tại xã Nhi Sơn và Trung Lý; thường xuyên kiểm tra, giám sát tình trạng hôn nhân trên địa bàn.

Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tình trạng TH&HNCHT tại Mường Lát đã giảm đáng kể. Năm 2021, tỷ lệ tảo hôn của huyện chiếm 19,2%, tỷ lệ hôn nhân cận huyết chiếm 0,18% trong tổng số các cặp kết hôn, thì đến hết năm 2023, tỷ lệ tảo hôn đã giảm xuống còn 12%; tình trạng hôn nhân cận huyết được chấm dứt.

Trên địa bàn tỉnhThanh Hóa, nếu như năm 2020 có 125 cặp tảo hôn/6.306 cặp kết hôn, chiếm tỷ lệ 1,98% thì đến cuối năm 2023, số cặp tảo hôn là 101 cặp/6.036 cặp kết hôn, tỷ lệ tảo hôn giảm còn 1,67%. 

Mặc dù tỷ lệ tảo hôn có giảm nhưng không đáng kể. Nguyên nhân được cho là do nhiều địa phương còn chưa chủ động, đổi mới trong công tác tuyên truyền, vận động. Các trường hợp TH&HNCHT nhiều nơi chưa bị xử lý nghiêm. Đặc biệt tại các vùng biên giới, phong tục hứa hôn hiện đang còn xảy ra, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành để tiến tới xóa bỏ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống một cách bền vững.

Từ nguồn vốn chương trình MTQG, Thanh Hóa đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền về kiến thức pháp luật cho đồng bào DTTS
Từ nguồn vốn chương trình MTQG, Thanh Hóa đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền về kiến thức pháp luật cho đồng bào DTTS

Nhiều giải pháp được triển khai tích cực

Thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trong giai đoạn 2021-2025", giai đoạn 2021- 2023, Ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với các bên liên quan tổ chức được 12 hội nghị tập huấn, tuyên truyền cho hơn 2.000 đại biểu là các báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp huyện, xã, thôn, bản và người dân về các vấn đề giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT.

Tổ chức biên soạn, in ấn, phát hành các sản phẩm truyền thông và cấp phát đến 174 xã, 21 thôn, bản vùng DTTS&MN của tỉnh với số lượng 9.015 cuốn sổ tay, 14.340 tờ áp phích, 44.970 tờ gấp; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa, Báo Dân tộc và Phát triển và nhiều bài viết tuyên truyền trên Trang Thông tin điện tử của cơ quan Ban Dân tộc và các cơ quan khác.

Ngoài ra, Ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với UBND 2 huyện Như Thanh và Thạch Thành tổ chức thành công 2 hội thi tìm hiểu pháp luật đối với học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS của 2 huyện Thạch Thành và Như Thanh về “Phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS”, trong đó có nội dung liên quan đến TH&HNCHT.

Bên cạnh đó, các huyện đã tổ chức được 16 hội nghị tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền; 230 hội nghị tuyên truyền cho người dân tại cơ sở; tổ chức 13 hội thi rung chuông vàng, 19 buổi nói chuyện chuyên đề, ngoại khóa, 9 cuộc thi sân khấu hóa tại các trường học, 1 cuộc thi sân khấu hóa cấp huyện. In ấn, cấp phát 28 pa nô, 45 băng rôn, 12.700 tờ rơi tuyên truyền... Các huyện đã xây dựng 27 mô hình điểm để tập trung, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền liên quan đến TH&HNCHT.

Huyện Mường Lát tổ chức hội thi tuyên truyền nhằm giảm thiểu nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (Ảnh: Hồ Thủy).
Huyện Mường Lát tổ chức hội thi tuyên truyền nhằm giảm thiểu nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. (Ảnh: Hồ Thủy)

Theo ông Cầm Bá Tường, Phó trưởng Ban Dân tộc Thanh Hóa, để ngăn chặn, từng bước đẩy lùi giảm thiểu TH&HNCHT, công tác tuyên truyền có vai trò rất quan trọng, tác động đến nhận thức, hành động của người dân. Do vậy, chúng ta, cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như: Đẩy mạnh các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng truyền thông cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở; các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho người dân trên địa bàn vùng DTTS&MN, tập trung vào các dân tộc, địa bàn có tỷ lệ tảo hôn cao và còn xảy ra tình trạng hoặc có nguy cơ cao HNCHT; phát huy vai trò của đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS trong việc tham gia tuyên truyền trong cộng đồng.

Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền đến nhiều đối tượng; đặc biệt là đối tượng trẻ vị thành niên, thanh niên trước độ tuổi kết hôn. Đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức đoàn thể, các trường học phối hợp chặt chẽ với hoạt động của chính quyền các địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao hiệu quả tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh xã, thôn bản; biên soạn các tài liệu dễ nhớ, dễ hiểu đối với người dân vùng DTTS&MN...

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình điểm tuyên truyền giảm thiểu TH&HNCHT, chú trọng mô hình tại các trường học, các xã, thôn bản còn tỷ lệ TH&HNCHT cao, từ đó nhân rộng ra các địa phương khác. 

"Đặc biệt, các địa phương cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về TH&HNCHT để làm gương cho những trường hợp có nguy cơ TH&HNCHT", ông Cầm Bá Tường nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.