Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phước Sơn (Quảng Nam) nỗ lực kéo giảm tình trạng tảo hôn: Tay ẵm tay bồng ru con bên cánh nôi buồn…(Bài 1)

T.Nhân – H.Trường - 18:35, 28/10/2024

Mặc dù được kéo giảm, song tình trạng tảo hôn vẫn đang là bài toán nan giải ở huyện nghèo Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Thay vì được đến trường như những bạn bè cùng trang lứa, nhiều em đang ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, nhưng phải tay ẵm tay bồng ru con bên cánh nôi buồn…

Vấn nạn tảo hôn vẫn còn âm ỉ ở vùng cao Quảng Nam.
Vấn nạn tảo hôn vẫn còn âm ỉ ở vùng cao Quảng Nam

Còn đó những lời ru buồn

Sinh năm 2008, Trần Thị T. (Tổ Dân phố 1, thị trấn Khâm Đức) nay mới tròn 16 tuổi, nhưng đã sinh con cách đây gần một năm. Con của T. nay cũng sắp tròn 5 tháng, còn “chồng” em hiện đang ở huyện Bắc Trà My, Quảng Nam. “Hồi khoảng lớp 7, lớp 8 gì đó, em quen với anh ấy và chỉ nghĩ là quen biết bạn bè vậy thôi, chứ không ngờ như thế này. Lúc mang thai, em cũng không biết. Đến khi thai lớn, gia đình đưa đi siêu âm thì …chuyện đã rồi”, T. nhớ lại.

Mang thai sớm khi tuổi còn ăn học, mọi công việc đối với T. bây giờ hoàn toàn như một giấc mơ buồn. T. bảo, em rất hối hận và thấy mình sai rất nhiều. Nếu lúc đó không dại dột yêu đương sớm, thì giờ có lẽ đang trên ghế nhà trường cùng bạn bè, và sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn nhiều. Chồng T. sinh năm 2003, đến nay cũng chưa có việc làm ổn định.

Rồi em lấy gì nuôi con? – Tôi hỏi. Ngập ngừng một vài phút, đưa đôi mắt dõi về phía đứa con, T. nói: Trước đây ở trường, thầy cô cũng hay tuyên truyền về phòng chống tảo hôn, cũng như tác hại của nó. Tuy nhiên, lúc đó em còn ham chơi, chưa nghĩ được hậu quả. Giờ, mọi thứ của em đều phụ thuộc vào gia đình.

“Em dự tính, khi nào con cứng cáp thì em sẽ tiếp tục học nghề. Em sẽ nộp hồ sơ vào công ty may, để vừa làm, vừa học nghề. Còn chuyện cưới xin thì em cũng chưa nghĩ tới”, T. chia sẻ. Thấy chúng tôi cầm máy ảnh, T. nói “các anh có chụp ảnh, quay phìm thì để em vào thay đồ cho đẹp, lên hình cho đẹp, chứ đồ này cũ và hơi cụt nên lên hình sẽ xấu”. Câu nói hồn nhiên của người mẹ tuổi 16 khiến tất cả chúng tôi không khỏi chạnh lòng.

Hay với trường hợp của em Hồ Thị Kim H. (SN 2006). Quen nhau qua mạng từ thời còn đi học, H. không nghĩ cuộc sống của mình giờ lại vất vả như thế. Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà tuềnh toàng nằm ở gần cuối đường, em không khỏi giấu đi vẻ e thẹn.

“Hồi đó học lớp 8, lớp 9 thì có quen anh người yêu ở Nam Giang. Sau thời gian quen nhau, rồi nảy sinh yêu đương, sau đó, em mang bầu và nghỉ học. Hai tụi em mới đám hỏi, chưa biết khi nào cưới. Em mới sinh con được mấy tháng, giờ mọi thứ phụ thuộc vào gia đình”, H. chia sẻ.

Cũng theo H., hai bên gia đình cũng không khá giả gì. Chồng em nay 23 tuổi, đang phụ gia đình làm nông ở bên Nam Giang. Còn em mới sinh nên không đi làm được gì, đợi con lớn mới xin đi làm keo lấy công. Gia đình em cũng quanh năm làm nương rẫy, cuộc sống vô cùng khó khăn.

Bà Đinh Thị Minh, Tổ trưởng Tổ Dân phố 1, huyện Phước Sơn, cho biết: Mặc dù trong thời gian qua, chình quyền địa phương và các cấp đã nỗ lực tuyên truyền, từng bước đẩy lùi nạn tảo hôn, nhưng đến nay vẫn còn một vài trường hợp. Nhiều em quen biết qua mạng xã hội, rồi mang thai ngoài ý muốn, đến khi phát hiện thì chuyện đã muộn.

“Phần lớn các trường hợp tảo hôn đều rơi vào gia đình có kinh tế khó khăn. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền; đồng thời mong nhà trường và các bậc phụ huynh quan tâm hơn đến con em mình”, bà Minh cho biết.

Nhiều mô hình hay về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được triển khai trên địa bàn Phước Sơn.
Nhiều mô hình hay về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được triển khai trên địa bàn Phước Sơn

Đâu là nguyên nhân

Không riêng gì T. và H., ở Phước Sơn, hiện nay có khoảng 17 trường hợp như vậy. Nhìn vào bảng số liệu từ Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn cung cấp, không khỏi khiến cho nhiều người chạnh lòng. Trong số các trường hợp được liệt kê, có nhiều trường hợp các em đã làm mẹ khi mới 15 tuổi, như em Hồ Thị Minh N. (SN 2009, ở Phước Năng); em Hồ Thị L. (SN 2009, thị trấn Khâm Đức); em Hồ Thị Đ. (SN 2009, ở Phước Chánh)… cá biệt có em chỉ mới 14 tuổi như Hồ Thị Bích N. (SN 2010, xã Phước Hiệp).

Theo ông Nguyễn Văn Bằng, Trưởng phòng Dân tộc Phước Sơn: Trong những năm qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động, các trường hợp về hôn nhân cận huyết thống đã chấm dứt. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn vẫn còn diễn biến phức tạp. Trong giai đoạn trước đây, có thời điểm trên địa bàn lên đến 35 trường hợp tảo hôn, đến nay chỉ còn khoảng 17 trường hợp, trong đó nhiều nhất là ở Phước Thành, Phước Chánh.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tảo hôn, một trong đó chính là sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội, sự du nhập của văn hóa ngoại lai, lối sống thử, thiếu kinh nghiệm giới tính của các em nhỏ. Một số em học sinh vì học lực yếu, xa gia đình, tuổi mới lớn có sự quan tâm của bạn khác giới nên dễ dẫn đến việc yêu đương sớm, có một số trường hợp xảy ra mang thai ngoài ý muốn phải nghỉ học, dẫn đến tảo hôn.

 Nhận thức của bộ phận thanh, thiếu niên về hệ lụy của tảo hôn ở Phước Sơn ngày càng được nâng lên.
Nhận thức của bộ phận thanh, thiếu niên về hệ lụy của tảo hôn ở huyện Phước Sơn ngày càng được nâng lên

Sự phối hợp giữa nhà trường và các bậc phụ huynh chưa thường xuyên, một số hộ phụ huynh còn phó thác hết việc quản lý, dạy bảo con em cho nhà trường, ít quan tâm đến việc học tập cũng như nắm bắt tâm lý của các em, để động viên nhắc nhở. Một nguyên nhân nữa là, do điều kiện về kinh tế - xã hội ở một số thôn, xã còn đặc biệt khó khăn, nên ảnh hưởng đến nhận thức và cách tiếp cận thông tin của đồng bào. Nhiều người vẫn không biết tảo hôn là vi phạm pháp luật…

“Để giảm thiểu nạn tảo hôn, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Trong đó, tập trung tuyên truyền về những hệ lụy của tảo hôn, để từ đó người dân nâng cao nhận thức, chủ động phòng chống tảo hôn. Bên cạnh đó, đề nghị có chế tài nghiêm để giảm dần, tiến tới chấm dứt nạn tảo hôn”, ông Bằng cho biết thêm.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.