Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Phước Sơn (Quảng Nam): Mỗi già làng, Người có uy tín là hạt nhân tuyên truyền pháp luật

T.NHÂN-H.TRƯỜNG - 14:18, 21/10/2024

Phước Sơn là một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, có 22 thành phần DTTS sinh sống, trong đó chủ yếu là dân tộc Gié Triêng. Trong những năm qua, lực lượng Người có uy tín ở địa phương đã phát huy tốt vai trò của mình về công tác tuyên truyền pháp luật xóa bỏ các tập tục lạc hậu, xóa bỏ tảo hôn và tích trong công tác phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến cộng đồng và người dân.

Phát huy vai trò của Người có uy tín, ông Nguyễn Đình Sơn vận động và chỉ dẫn người dân không dựng nhà ở trái phép gần nơi có nguy cơ sạt lở.
Phát huy vai trò của Người có uy tín, ông Nguyễn Đình Sơn vận động và chỉ dẫn người dân không dựng nhà ở gần những nơi có nguy cơ sạt lở

Nói đi đôi với làm

Những năm qua, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nên một số tập tục lạc hậu, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, xây dựng trái phép… trong đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) dần được xóa bỏ. Một trong những nhân tố góp sức thực hiện hiệu quả điều này là những già làng, trưởng thôn, lực lượng Người có uy tín ở địa phương.

Những năm gần đây, với vai trò là Người có uy tín, Bí thư Chi bộ Tổ Dân phố (TDP) 2, thị trấn Khâm Đức, ông Nguyễn Đình Sơn (sinh năm 1947) đã luôn sâu sát với người dân, để tuyên truyền những chính sách hay, những mô hình kinh tế tốt, giúp mọi người cùng thực hiện. Ông kể, hơn chục năm trước, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, nhưng bây giờ đã tiến bộ hơn nhiều. Nhiều người đã biết chuyển đổi mô hình kinh tế, từ đó vươn lên làm giàu.

TDP 2 có 378 hộ, trong đó với nhiều thành phần dân tộc cùng chung sống. Mặc dù tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được đẩy lùi, nhưng đến nay vẫn còn. Xuất phát từ vai trò của Người có uy tín, Bí thư Chi bộ TDP, từ năm 2002 đến nay, cùng với chính quyền, ông Sơn đã đẩy mạnh tuyên truyền, qua đó nâng cao nhận thức của đại bộ phận người dân, đến nay trên địa bàn chỉ còn 2 trường hợp.

“Việc tuyên truyền phòng chống tảo hôn cũng gặp không ít khó khăn, vì nhiều người trẻ cứ quen nhau qua mạng, rồi lén lút quan hệ, đến khi phát hiện thì chuyện cũng đã rồi. Do đó, việc tuyên truyền cần phải thường xuyên, theo kiểu mưa dầm thấm lâu, để họ thay đổi nhận thức và tránh xa ”, ông Sơn nói.

Không chỉ tuyên truyền xóa bỏ các tập tục lạc hậu, ông Sơn còn là người đi đầu trong việc vận động người dân thực hiện đúng chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Trong những năm gần đây, khu vực đồi núi qua địa bàn thị trấn xuất hiện tình trạng sạt lở, đe dọa đến đời sống người dân, nhất là những hộ bất chấp xây nhà dọc tuyến đường này. Ông Sơn đã đứng ra vận động, tuyên truyền người dân không được xây dựng công trình, nhà ở khu vực này, như vậy rất nguy hiểm.

“Mình kiên trì vận động, nên phần lớn người dân đều chấp hành. Tôi đã từng xem tin tức, nhiều vụ sạt lở kinh hoàng làm hư hỏng tài sản, ảnh hưởng đến tính mạng con người. Do đó, với tinh thần là Bí thư Chi bộ, tôi cố gắng vận động và nói, để người dân hiểu, thực hiện theo đúng chủ trương của Nhà nước”, ông Sơn nói thêm.

Người uy tín ở Phước Sơn tham giai tập huấn thông tin về chính sách
Người uy tín ở Phước Sơn tham gia tập huấn thông tin về chính sách

Người "hòa giải" của cộng đồng

Ở xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn, ông Hồ Văn Lắm (Tổ 2), được xem là một trong những người hòa giải của thôn. Trong những năm qua, ông cùng với cán bộ địa phương tham gia hàng trăm vụ hòa giải, trong đó, nhiều vụ hòa giải thành công. 

“Ở địa phương cũng hay xuất hiện tình trạng nhiều người mâu thuẫn về đất đai, về trâu bò ăn lúa của nhà khác, rồi những chuyện xích mích trong gia đình. Là Người có uy tín, tôi cũng đã kịp thời nắm bắt tình hình, cùng chính quyền trong việc hòa giải, đem lại tiếng nói chung, từ đó xóa bỏ mâu thuẫn”, ông Lắm chia sẻ.

Theo ông Lắm, đối với những mâu thuẫn về đất đai trong gia đình, ông thường gặp gỡ, động viên những người trong gia đình trước hết hòa giải bằng cái tình. Nếu sự việc không được giải quyết, lúc đó thôn sẽ đứng ra hòa giải.  “Phần lớn, sau khi hòa giải, người dân đều thông cảm và bỏ qua cho nhau. Nếu không thì thực hiện theo hương ước, ví dụ như gia đình có trâu bò ăn hoa màu của nhà khác phải trả 500.000 đồng, để đền bù”, ông nói.

Ông Hồ Văn Lắm – Người “hòa giải” trong các cuộc tranh chấp tại địa phương.
Ông Hồ Văn Lắm – người “hòa giải” hiệu quả giải quyết các cuộc tranh chấp tại địa phương

Đối với một số tập tục không còn phù hợp đối với đời sống hiện nay, ông Lắm cùng với lực lượng Người có uy tín ở địa phương cũng đứng ra tuyên truyền, bãi bỏ một số tập tục này. “Trước đây, đồng bào hay đâm trâu, để cúng chữa bệnh, vừa tốn kém vừa không có kết quả. Mình đứng ra tuyên truyền, vận động người dân nên đưa người bệnh đến bệnh viện để bác sỹ chữa trị, không nên tin vào những điều mê tín”, ông Lắm chia sẻ thêm.

Ông Võ Văn Tường, cán bộ Phòng Dân tộc huyện Phước Sơn (Quảng Nam), cho biết: Người có uy tín trong đồng bào DTTS là những nhân tố tích cực làm cầu nối về việc tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia các hoạt động xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể tại địa phương.

“Có thể nói, bằng uy tín, kinh nghiệm của mình, những năm gần đây, đội ngũ Người có uy tín, già làng ở địa phương đã và đang có nhiều đóng góp tích cực về việc tuyên truyền các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước đến với người dân, xóa bỏ các tập tục đã không phù hợp, phòng chống tảo hôn. Qua đó, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương", ông Tường chia sẻ thêm.