Ngồi trên sàn nhà, mắt chăm chú, lưng thẳng, chân duỗi dài cố định cùng bộ khung dệt, đôi tay nhanh thoăn thoắt dệt vải, bà Alăng thị Đhướt (73 tuổi), thôn Pơ Ning có kỹ thuật dệt giỏi nhất nơi đây kể: Từ nhỏ bà đã được mẹ và bà chỉ dạy nghề dệt thổ cẩm. Mỗi ngày đều được chỉ dạy rồi lại hướng dẫn các chị em trong làng các công đoạn, kỹ thuật của quá trình dệt thổ cẩm truyền thống. "Giờ tôi cũng chỉ mong các cháu gái trong làng yêu thích và thành thạo với nghề dệt để góp phần gìn giữ nghề của cha ông", bà Alăng thị Đhướt cho biết.
Theo lời bà Alăng Thị Đhướt, trong các công đoạn của quá trình dệt thổ cẩm truyền thống Cơ Tu, căng sợi là công việc đầu tiên và có ý nghĩa rất quan trọng nên chỉ những người nào sành sỏi với nghề dệt mới có thể làm được. Trước khi biết đến các loại trang phục bằng bông vải, người Cơ Tu sử dụng vỏ cây để che thân. Sau này, bông bắt đầu được sử dụng và được nhuộm tự nhiên bằng màu của vỏ cây tà râm, cây ma rớt, củ nâu,…để tạo ra các màu đỏ, vàng, tím, màu đen (màu xanh chàm) từ sợi đơn sắc truyền thống riêng có của người Cơ Tu. Do vậy, qua năm tháng, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Cơ Tu vẫn bảo toàn, giữ được nét tự nhiên đó.
Qua tìm hiểu, khi nói đến văn hóa của dân tộc Cơ Tu, người ta thường nhớ đến bộ trang phục với màu sắc rực rỡ, nét hoa văn riêng biệt, nổi bật. Thổ cẩm của dân tộc Cơ Tu ở xã Lăng được làm hoàn toàn thủ công và khép kín, từ quy trình chế suất, nhuộm sợi, xe sợi, dệt vải, tạo hoa văn, dàn cườm trên tấm thổ cẩm cho đến công đoạn may thành sản phẩm. Hiện nay, các sản phẩm cũng bắt đầu có những thay đổi để đáp ứng theo thị hiếu của khách hàng.
Mỗi sản phẩm dệt của phụ nữ Cơ Tu nơi đây, không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, mà còn hàm chứa triết lý nhân sinh; cũng như gửi gắm những ước mơ về một cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy qua các biểu tượng hoa văn trang trí. Họ sáng tạo thêm các sản phẩm truyền thống như: váy ngắn, váy dài, tấm choàng, khố, áo ngắn tay, võng, tấm điệu trẻ, dây thắt lưng, đến các sản phẩm mới như: túi xách, khăn trải bàn, ví, khăn quàng cổ,…
Điều đáng mừng ở xã Lăng là có sự chuyển giao mạnh mẽ giữa các thế hệ, ngày càng nhiều người trẻ tham gia gìn giữ nghề. Hiện nay, xã Lăng hiện có trên 300 hộ biết dệt, tham gia dệt thổ cẩm truyền thống. Đi tới gia đình nào cũng thấy khung dệt với những thanh gỗ dài, nhẵn lớn nhỏ khác nhau được căng sẵn các sợi chỉ cố định bằng chính đôi chân của người dệt.
Chị Bríu Thị Dung (32 tuổi), thôn Nal, xã Lăng kể: Tôi làm quen với khung dệt từ lúc 14 - 15 tuổi. Chúng tôi dệt thổ cẩm không chỉ bởi mục đích kinh tế mà còn bằng tình yêu của mình với nghề truyền thống của quê hương. Tuỳ từng sản phẩm mà thời gian dệt từ 5 đến 20 ngày, giá trị sản phẩm bán được từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng.
"Chúng tôi cũng biết, mình cần phải cố gắng nhiều để vừa có thể thay đổi, sáng tạo hơn cho ra những sản phẩm hiện đại, thời trang nhưng vẫn giữ được hồn cốt văn hoá Cơ Tu. Mong ước của chúng tôi, là nghề dệt thổ cẩm ngày càng phát triển, địa phương mở được các điểm trưng bày quảng cáo sản phẩm ở các đô thị lớn, gắn với du lịch", chị Thị Dung bộc bạch.
Ông Bling Miên, Chủ tịch UBND xã Lăng cho biết: Những năm qua, ngoài việc đã chú trọng khuyến khích các nghệ nhân truyền nghề, dạy nghề cho chị em, mở lớp truyền dạy kỹ thuật dệt để từ đó thắp lửa tình yêu với nghề truyền thống của dân tộc mình, biết trân quý nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Cơ Tu, biết cách bảo tồn và làm giàu từ di sản mà ông cha để lại..., địa phương cũng đã quyết tâm bảo tồn, phát huy yếu tố truyền thống của nghề, làng nghề; trong đó chú trọng phát triển sản phẩm thủ công tiêu biểu đang là thế mạnh của địa phương có giá trị kinh tế cao, như dệt thổ cẩm, gắn sản xuất làng nghề với hoạt động du lịch, văn hóa, lễ hội truyền thống.
Chia tay vùng cao xã Lăng, trên con đường về thấp thoáng khói lam chiều trong không khí bình yên quen thuộc của miền sơn cước, chúng tôi vẫn còn nguyên ấn tượng và mến phục những con người với tính cách chân chất, nhưng có được những suy nghĩ về tương lai, bằng tình yêu văn hóa dân tộc, mà ngày ngày vẫn miệt mài bên những khung dệt để giữ gìn và phát huy giá trị nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.