Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Gặp nghệ nhân từng thức thâu đêm dệt áo tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Lê Hường - 12:26, 11/08/2024

Được đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm và làm việc năm 2011, là một vinh dự lớn của chính quyền, đồng bào các dân tộc xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Riêng với Nghệ nhân H’Yam Bkrông, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông ở buôn Tơng Jú, niềm vinh dự ấy càng lớn lao hơn khi được tự tay dệt, may chiếc áo truyền thống tặng Tổng Bí thư. Đó là kỷ niệm nữ Nghệ nhân mãi trân quý.

Nghệ nhân H’Yam Bkrông chia sẻ kỷ niệm gặp được chụp ảnh cùng cốTổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Nghệ nhân H’Yam Bkrông chia sẻ kỷ niệm được chụp ảnh cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiếc áo già làng

Mang tấm hình được chụp chung với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giới thiệu với phóng viên, Nghệ nhân H’Yam bồi hồi xúc động, “tôi may mắn được gặp Tổng Bí thư 2 lần và lần nào cũng được chụp hình chung với bác. Bác gần gũi, tình cảm lắm!”.

Thời điểm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm, làm việc và kiểm tra thực tế tại buôn Tơng Jú, xã Ea Kao năm 2011, lúc đó Nghệ nhân H’Yam là Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Dệt thổ cẩm Tơng Bông, được giao trọng trách dệt chiếc áo thổ cẩm truyền thống để tặng bác. Bà đã chọn mẫu áo già làng và tự tay làm tất cả các khâu để có được một chiếc áo ưng ý nhất dành tặng bác Trọng.

“Chiếc áo già làng truyền thống của người Ê Đê khác với áo thường ở chỗ ngực áo có màu đỏ, thể hiện bản lĩnh, sự hùng dũng của người có vị trí quan trọng trong cộng đồng. Vì vậy, khi dệt áo già làng sẽ tốn nhiều công, mất nhiều thời gian hơn”, Nghệ nhân H’Yam chia sẻ.

Nghệ nhân H’Yam kể lại: Để dệt, may chiếc áo già làng bằng thổ cẩm, thông thường phải mất khoảng gần 1 tháng, nhưng từ khi nhận được tin đến ngày bác Trọng vào, chỉ còn 1 tuần. Thời gian gấp, việc dệt, may trang phục truyền thống qua rất nhiều khâu từ kéo sợi, sắp sợi, phối màu, đến dệt, rồi cắt may. Vì muốn tự tay hoàn thiện chiếc áo tặng bác, tôi đã thức xuyên đêm để hoàn thành chiếc áo đúng thời gian. Khi mặc áo bác khen áo rất đẹp khiến tôi vô cùng xúc động. Điều đó tiếp thêm động lực để tôi và hội viên HTX Thổ cẩm Tơng Bông phấn đấu, nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh và quảng bá sản phẩm.

Nhớ lời căn dặn của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nghệ nhân H’Yam Bkrông nỗ lực vận động bà con bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế từ vốn quý của dân tộc
Nhớ lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nghệ nhân H’Yam Bkrông nỗ lực vận động bà con bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững

Bảo tồn văn hóa truyền thống

Năm 2017, Nghệ nhân H’Yam một lần nữa vinh dự được gặp, nhận quà từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ tuyên dương Người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân tiêu biểu đồng bào dân tộc thiểu số, tổ chức tại Hà Nội.  

Nhớ lời căn dặn của bác về tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực, vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, Nghệ nhân H’Yam tích cực vận động chị em phụ nữ trong buôn tích cực bảo tồn, phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống. HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông do bà quản lý cũng đi đầu trong việc vận động thành viên giữ gìn nghề dệt. 

Đến nay, HTX đã có 45 thành viên, tất cả đều là người Ê Đê trong xã. Các xã viên vẫn làm nông nghiệp, tranh thủ thời gian nhàn dệt tại nhà, với mức thu nhập trung bình khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, HTX còn tạo công ăn việc làm thời vụ cho khoảng 100 phụ nữ có thu nhập thêm.

"Tự hào nhất là sản phẩm của HTX được lựa chọn, là 1 trong 36 sản phẩm trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Không chỉ giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống mà HTX còn giúp các xã viên có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Khi tham gia HTX đa phần xã viên là hộ nghèo, thì nay số xã viên thuộc hộ nghèo chỉ còn 1-2 hộ”, Nghệ nhân H’Yam cho hay.

Đường vào buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP.Buôn Ma Thuột được thảm nhựa, đi lại thuận lợi
Đường vào buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP.Buôn Ma Thuột được thảm nhựa, đi lại thuận lợi

Không chỉ là điểm sáng trong công tác bảo tồn nghề dệt thổ cẩm của tỉnh Đắk Lắk, bà H’Yam còn tiên phong làm du lịch cộng đồng. Hiện nay, gia đình bà đang sở hữu Homstay Hnoh Ea Kao hội tụ rất nhiều tinh hoa văn hóa của dân tộc Ê Đê, như kiến trúc nhà dài, nghề dệt thổ cẩm, làm rượu cần, nghệ thuật tạc tượng, ẩm thực và là nơi phục dựng chợ truyền thống, các lễ tục của người Ê Đê… Vào những lúc cao điểm, mỗi tháng Hnoh Ea Kao đón khoảng 100 đoàn khách du lịch trong và ngoài nước ghé thăm, trải nghiệm.

Nghệ nhân H’Yam cũng tích cực vận động bà con giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống để làm du lịch cộng đồng, phát triển kinh tế. Trong 2 năm qua, buôn Tơng Jú đã có thêm 4 ngôi nhà dài nâng tổng số lên 15 nhà truyền thống, 18 hộ dân trong buôn liên kết phát triển du lịch cộng đồng. Đến nay, buôn Tơng Jú được UBND tỉnh chọn là điểm phát triển du lịch cộng đồng kiểu mẫu của thành phố, đồng bào dân tộc Ê Đê có thêm cơ hội phát triển kinh tế.

Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ea Kao - Nguyễn Hữu Quang chia sẻ: Khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghé thăm buôn làng đã căn dặn chính quyền và Nhân dân xã xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh Tổ quốc. Ghi nhớ lời căn dặn của bác, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Ea Kao đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, đoàn kết cùng nhau vượt qua khó khăn, xây dựng buôn làng phát triển. Xã Ea Kao là một trong những xã đầu tiên về đích nông thôn mới của TP. Buôn Ma Thuột năm 2014.

Tin cùng chuyên mục
Trường PTDTNT THPT Ninh Thuận: Chăm lo đào tạo nguồn nhân lực vùng DTTS

Trường PTDTNT THPT Ninh Thuận: Chăm lo đào tạo nguồn nhân lực vùng DTTS

Trường PTDTNT THPT Ninh Thuận là một trong những cơ sở giáo dục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Từ ngày thành lập đến nay, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đã huy động các nguồn lực xã hội chăm lo dạy tốt, động viên học sinh thi đua học tốt. Nhiều học sinh tốt nghiệp từ Trường PTDTNT THPT Ninh Thuận tiếp tục học lên đại học, các bậc học cao hơn và trở thành cán bộ chủ chốt các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh.