Trong Lễ hội ăn than, người được cử đi đốt than phải đội chiếc mũ làm bằng lá của cây thuộc họ lồ ô, gọi là long kliă klao. Lá của cây này có cọng dài, lá mỏng, màu sáng hơi trắng và chắc bền, không dễ bị rách. Phía trước mũ tạo hình chóp như mỏ chim và phía sau tạo tua rua. Theo quan niệm của đồng bào Gié Triêng, chiếc mũ chính là lễ vật kết nối con người với thần linh.
Khi thực hành nghi lễ, thanh niên trai tráng, khỏe mạnh cõng những người đi đốt than lên nhà Rông để ăn mừng. Sau khi già làng cầu khấn thì những người đi lấy than đồng loạt ném chiếc mũ hình chim lên trên mái nhà, nơi đặt các sọ thú. Khi những chiếc mũ ấy trúng đích, vành mũ treo vào chiếc sừng tức là lời khấn đã linh ứng, mọi người đều toại nguyện, hứa hẹn mùa rẫy mới bội thu, ngô, lúa đầy kho, cuộc sống dân làng no ấm.
Nét khác lạ trong trang phục truyền thống dân tộc Gié Triêng so với các dân tộc khác thể hiện ở tấm áo khoác thổ cẩm. Tấm áo khoác được đồng bào sử dụng khá phổ biến trong cuộc sống hằng ngày cũng như trong các sinh hoạt lễ hội.
Phụ nữ khoác tấm áo choàng lên vai, thả dài xuống lưng, buộc cố định về trước ngực. Tấm áo choàng vào thân người, tạo nên nét dịu dàng, nữ tính của các cô gái Gié Triêng. Khi múa, tấm áo khoác nhẹ nhàng chuyển động theo nhịp điệu nhún nhảy, tạo thành “dòng suối” thổ cẩm tươi tắn sắc màu.
Một điều đặc biệt nữa trong phục sức của người Gié Triêng là khi thổi đinh tút - một loại nhạc cụ làm bằng ống nứa, thường được sử dụng trong Lễ cúng lúa thì người thổi phải cải trang. Chỉ có cánh mày râu mới được biểu diễn loại nhạc cụ này. Dẫu già hay trẻ họ đều phải cải trang thành phụ nữ. Theo quan niệm của đồng bào, âm thanh của đinh tút có thể mời gọi hồn lúa từ nương rẫy về với buôn làng. Nữ thần lúa là một cô gái hồn nhiên, xinh đẹp nhưng rất yếu đuối và nhút nhát. Nếu thấy bóng dáng đàn ông, thần lúa sẽ xấu hổ, bỏ chạy, không về với buôn làng nữa. Cho nên khi thổi nhạc cụ đinh tút, đàn ông dứt khoát phải mặc trang phục của phụ nữ!
Đặc biệt, trước Lễ hội cúng lúa trăm, bà chủ nhà cùng một số người đi hái lá, hoa tươi để bó lại thành hoa cúng và trang trí lên ché rượu cần. Chủ nhà cùng 12 cô gái (đều là chủ bếp) tham gia lễ cúng đều có 2 bó hoa, 1 bó để cài lên đầu, 1 bó cầm trên tay nhằm thực hiện nghi thức cúng. Mọi người ngồi xung quanh mâm cúng và ché rượu cần để thực hiện Lễ cúng mời gọi thần lúa.