Từ chuyện của “bố Sách”…
Mỗi khi nhắc đến ông Trần Đình Sách, sinh năm 1943, ở Tổ dân phố (TDP) 3, thị trấn Khâm Đức, Phước Sơn, thì nhiều người không khỏi thán phục bởi những đóng góp của ông đối với cộng đồng. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng ông Sách vẫn tích cực làm kinh tế, vươn lên làm giàu. Hiện nay, gia đình ông đang sở hữu vườn chè rộng lớn gần 1.000m2, mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Cùng với đó, ông nuôi gà và đào ao nuôi cá, để cải thiện cuộc sống. Ngoài ra, ông còn trồng hàng chục gốc mai, vừa để thoả đam mê với cây cảnh, đồng thời để kiếm thêm kinh tế mỗi đợt Tết đến Xuân về.
Là Người có uy tín nhiều năm trên địa bàn, ông Sách luôn sát sao, đi sâu vào từng ngõ ngách, để tuyên truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người dân, trong đó chú trọng tuyên truyền những cách làm ăn hay, vận động người dân thay đổi cách nghĩ cách làm, từ đó vươn lên thoát nghèo bền vững. Ở địa phương, người dân vẫn quen gọi ông một cách trìu mến “Bố Sách”.
Bố Sách vốn quê ở huyện Hiệp Đức (Quảng Nam), lên lập nghiệp ở Phước Sơn từ 56 năm trước. Từ những chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, cùng với sự phấn đấu của gia đình, đến nay, ông đã có cho mình một cơ ngơi khá. “Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, lực lượng Người có uy tín ở địa phương cũng dần phát huy tốt vai trò của mình. Để việc tuyên truyền, vận động được tốt, trước hết mình phải tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân. Từ đó, có những cách tuyên truyền hay, hiệu quả”, ông Sách nói.
Đơn cử như, mới đây, Nhà nước đầu tư kinh phí, để mở rộng đường bê tông liên thôn, ông đã đứng ra vận động bà con trong Tổ dân phố hiến đất để cùng chung tay thực hiện. Ban đầu, việc vận động gặp nhiều khó khăn, vì đa số bà con cũng mong muốn được hỗ trợ đền bù. Trước việc này, ông đã bàn với gia đình và quyết định hiến gần 160m2 đất, tiên phong trong việc thực hiện chủ trương của Nhà nước.
“Để vận động người dân, mình phải đi đầu trong việc thực hiện. Khi mọi người đồng lòng, thì việc khó cũng thành dễ. Nhờ đó, đến nay, đường bê tông lớn, sạch đẹp đã được hoàn thiện, đáp ứng việc đi lại của người dân dễ dàng”, ông Sách chia sẻ.
Ngoài ra, ông Sách cũng là một trong những Người có uy tín ở địa phương, đóng góp vai trò quan trọng về việc tuyên truyền nhằm xóa bỏ các tập tục lạc hậu, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Theo ông Sách, trước đây ở địa phương có xảy ra một số trường hợp như người dân bị đau ốm thay vì đưa tới bệnh viện, thì người dân tổ chức cúng bái. Hay có trường hợp, người nhà của người bệnh còn đâm trâu, để cúng.
“Chúng tôi kiên trì vận động, để người dân nâng cao nhận thức, không còn tin vào những chuyện viễn vông như thế nữa. Người có bệnh thì nên đưa đến bệnh viện để bác sỹ chuẩn đoán và chữa trị. Chưa có cơ sở nào để nói rằng cúng bái sẽ hết bệnh, không những thế, cúng bái rất tốn kém”, ông Sách chia sẻ thêm.
…đến điểm tựa của thôn, làng
Mới đây, chúng tôi có dịp theo chân cán bộ Phòng Dân tộc huyện Phước Sơn về thăm các thôn làng, mới thấy được những công việc mà lực lượng Người có uy tín trên địa bàn đã và đang làm trong suốt những năm qua. Họ xứng đáng là những hạt nhân tích cực trong việc khơi gợi, vận động, định hướng cho người dân trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; Đặc biệt, những năm qua, là việc tuyên truyền, vận động toàn dân trong việc chung tay thực hiện các chương trình MTQG.
Anh Võ Văn Tường, cán bộ Phòng Dân tộc huyện Phước Sơn, cho biết: Trong thực hiện các chương trình MTQG ở địa phương, Người có uy tín, già làng, trưởng thôn đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Họ là những người đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thấy được quyền lợi cũng như trách nhiệm của mình trong quá trình tham gia thực hiện. Dù ở vị trí khác nhau, nhưng với tinh thần của Người có uy tín, họ đã rất năng nổ và nhiệt huyết trong công việc.
Cũng theo anh Tường, để phát huy vai trò của đội ngũ Người có uy tín ở địa phương, trong thời gian qua, Phòng Dân tộc cũng như các cấp hết sức quan tâm, đưa đi tham quan, học hỏi nhiều mô hình kinh tế hay. Bởi hơn ai hết, họ chính là các “sứ giả’ để chuyển tải những mô hình hay đến với cộng đồng mình. “Cũng nhờ đó, trong thời qua, tại địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới, góp phần vào sự phát triển chung của huyện”, anh Tường nói thêm.
Ông Hồ Văn Ly, 70 tuổi, ở xã Phước Mỹ là một trong những Người có uy tín mẫu mực ở thôn Kông Ta Năng. Nhắc đến ông Ly, nhiều người không khỏi thán phục, bởi những cống hiến mà ông đã dành cho cộng đồng trong suốt thời gian qua. Ông kể, được sự hỗ trợ từ các chính sách dân tộc, lực lượng Người có uy tín như ông có cơ hội được tham quan, học hỏi nhiều mô hình sản xuất hay từ các tỉnh, thành phố và các huyện miền núi có điều kiện tương đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Sau khi được học hỏi kinh nghiệm, ông tuyên truyền đến người dân để cùng thực hiện.
“Người dân mình lâu nay chỉ quen với cái nương, cái rẫy, thu nhập không nhiều. Muốn khá hơn phải thay đổi cách làm, thay đổi mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Cũng là làm nông nghiệp, nhưng một số hộ ở Tây Nguyên, Bình Phước, hoặc gần đây như ở Đông Giang (Quảng Nam), một số hộ trồng cây ăn trái, kết hợp nuôi hưu sao, hiệu quả kinh tế đem lại rất cao. Do đó, sau khi học hỏi mô hình chăn nuôi ở một số địa phương, tôi đã tuyên truyền đến người dân, đến nay một số hộ đã áp dụng và có kết quả khả quan”, già Ly kể.
Theo già Ly, để tuyên truyền, vận động người dân hiệu quả, việc đầu tiên là phải phát huy vai trò nêu gương. Thật vậy, từ 3 con bò được hỗ trợ từ chương trình MTQG, đến nay gia đình ông đã sở hữu đàn bò đến 15 con, trị giá hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, gia đình ông còn phát rẫy, trồng được 5ha keo, nuôi hơn 100 con gà, với thu nhập mỗi đợt thu hoạch từ 400-500 triệu đồng. Sắp tới, ông dự định sẽ trồng thử nghiệm sầu riêng trên đất rẫy.
“Trong vận động xóa đói giảm nghèo, chúng tôi cũng rất sâu sát. Quê mình chủ yếu gắn với nông nghiệp, nên mình tuyên truyền cho dân về chăn nuôi, trồng trọt. Nhưng biết trồng cỏ để dự trữ cho mùa đông, biết phát hiện dịch bệnh sớm, để phòng bệnh”, ông Ly, tâm sự.
Nhờ sự khéo léo trong giao tiếp, ứng xử, các phong trào hoạt động do già Ly phát động như làm đường bê tông nội thôn, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc... đều được bà con trong thôn đồng thuận, tích cực hưởng ứng. Mặc dù tuổi cao nhưng mọi lời nói, ý kiến của già khi tham gia hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong thôn đều được mọi người tôn trọng, lắng nghe và làm theo.
Ông Nguyễn Văn Bằng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Phước Sơn, cho biết: Người có uy tín ở địa phương đã thể hiện được vai trò là chỗ dựa tinh thần vững chắc, để người dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng chính đáng tới các cấp ủy, chính quyền. Họ còn là lực lượng tham gia đóng góp nhiều ý kiến thiết thực cho chương trình phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng tại địa phương kịp thời, có chất lượng. Qua đó, giúp cho tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thôn, khối, xã, thị trấn được đảm bảo giữ vững; các thiết chế, bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp dân tộc được phát huy, niềm tin của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện vào Đảng, Nhà nước ngày càng nâng lên.
“Lực lượng này còn là nhân tố tích cực trong việc tuyên truyền vận động người dân xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thồng văn hóa tốt đẹp; góp phần quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng tại địa phương”, ông Bằng nói.