Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Quảng Nam: Chú trọng công tác tuyên truyền vận động để phát huy hiệu quả chính sách dân tộc

T.Nhân - H.Trường - 05:57, 23/11/2023

Khu vực miền núi Quảng Nam gồm 9 huyện: Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn. Đây là nơi tập trung sinh sống lâu đời của nhiều đồng bào DTTS. Những năm qua, tỉnh Quảng Nam tích cực triển khai các chính sách dân tộc, làm thay đổi tích cực diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Ban Dân tộc tỉnh thường xuyên phối hợp địa phương tổ chức các hội nghị tuyên truyền chính sách đến với người dân.
Ban Dân tộc tỉnh thường xuyên phối hợp địa phương tổ chức các hội nghị tuyên truyền chính sách đến với người dân.

Nỗ lực tuyên truyền chính sách đến vùng khó khăn

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), Quảng Nam chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách dân tộc đến các xã vùng III, các thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Việc tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức, từ trực tiếp đến thông qua các phóng sự, các bản tin tuyên truyền, pano…và đến nay đã đạt được những kết quả nhất định.

Tỉnh Quảng Nam hiện có 58 xã khu vực III, 3 xã khu vực II và 9 xã khu vực I, có 230 thôn ĐBKK. Trong đó, 211 thôn ở xã khu vực III, 11 thôn ở xã khu vực II, 6 thôn ở xã khu vực I và 2 thôn ở xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi. Bên cạnh việc hỗ trợ người dân phát triển về kinh tế, tỉnh Quảng Nam cũng đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền chính sách đến người dân.

Năm 2023, UBND tỉnh Quảng Nam đã phân bổ kinh phí để thực hiện Quyết định 1898/QĐ-TTg về việc triển khai tuyên truyền, tập huấn cho đối tượng là tuyên truyền viên cấp cơ sở về bình đẳng giới. Các cấp, ngành đã tổ chức nhiều đợt hội nghị tuyên truyền giới thiệu, hướng dẫn, triển khai thực hiện các đề án; cung cấp những thông tin, số liệu, kiến thức cơ bản về chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới,...; tác hại của định kiến giới, phân biệt đối xử về giới; Hướng dẫn các kỹ năng tư vấn, tuyên truyền về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới ở vùng DTTS tại các thôn đặc biệt khó khăn; in ấn và cấp phát gần 4.000 tờ gấp để tuyên truyền nội dung này.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam đã phân bổ kinh phí  thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền chính sách dân tộc đến người dân, nhất là người dân vùng DTTS và miền núi, vùng biên giới về các nội dung cơ bản của Luật Hôn nhân và Gia đình, những hệ lụy của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, các quy định về xử lý hành chính, hình sự trong tảo hôn và hôn nhân cận huyến thống, giải pháp để góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng này.

Cụ thể, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với một số sở, ban, ngành, chính quyền địa phương tổ chức 14 hội nghị tuyên truyền tại các thôn đặc biệt khó khăn; thực hiện nhiều pano tuyên truyền; bên cạnh đó còn phối hợp với các đài phát thanh tổ chức phát sóng các chuyên mục về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh đã hỗ trợ 7 trường phổ thông trên địa bàn huyện tổ chức tuyên truyền, hội thi về phổ biến pháp luật. Các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh cũng đã in ấn và cấp phát hàng chục ngàn tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền pháp luật.

Ông Hồ Văn Thành, Phó Trưởng phòng Chính sách và Tuyên truyền (Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam), cho biết: Tỉnh Quảng Nam rất quan tâm đến vấn đề tuyên truyền chính sách đến người dân ở vùng đồng bào DTTS. Từ khi triển khai các dự án thuộc Chương trình MTQG 1719, việc này càng được chú trọng. Theo đó, đối với thực hiện Dự án 8 Chương trình MTQG, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 10 lớp tập huấn trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho Người có uy tín, già làng, trưởng thôn, các đoàn thể ở thôn…; in ấn 1.000 sổ tay và 7.870 tờ gấp để cấp phát cho người dân ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn.

Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách được Quảng Nam chú trọng đẩy mạnh thực hiện.
Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách được Quảng Nam chú trọng đẩy mạnh thực hiện.

Riêng đối với Tiểu dự án 2 Dự án 9 Chương trình MTQG, trong năm 2023, Ban đã tổ chức 11 hội nghị tuyên truyền tại thôn cho nhóm vị thành niên, thanh niên là người DTTS chưa kết hôn; các cặp vợ chồng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; phụ huynh học sinh; cha, mẹ của nam, nữ thanh niên trong độ tuổi vị thành niên; phụ nữ, nam giới người DTTS; cán bộ cơ sở tham gia tuyên truyền; các tổ chức đoàn thể; già làng, bí thư chi bộ, trưởng thôn, Người có uy tín trong đồng bào DTTS và người dân vùng DTTS; tổ chức 3 lớp tập huấn cho cán bộ, công chức công tác dân tộc, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền pháp luật; in ấn 230 cuốn sổ tay tuyên truyền.

Chú trọng tính hiệu quả

Ông A Lăng Mai, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam cho biết: Việc tuyên truyền các chính sách dân tộc cần phải chú trọng tính hiệu quả. Vì thế, Ban thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn đến lãnh đạo các huyện, xã về tuyên truyền chính sách, cũng như phổ biến giáo dục pháp luật đến người dân. Ngoài ra, còn tổ chức các lớp nâng cao năng lực cộng đồng cho các thôn, nhất là các thôn đặc biệt khó khăn.

Hiện nay, Ban Dân tộc tỉnh đang triển khai thêm chương trình nâng cao năng lực cho cộng đồng. Theo đó, việc triển khai tuyên truyền chính sách được phổ biến đến từng xã, thôn để thuận tiện hơn trong việc phổ biến đến người dân. Quá trình tuyên truyền, cán bộ cũng phổ biến cho người dân về việc đồng hành cùng chung tay thực hiện các chính sách.

Công tác tuyên truyền cũng được đưa vào các trường học thôn qua các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật.
Công tác tuyên truyền cũng được đưa vào các trường học thông qua các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật.

Cũng theo ông Mai, để nâng cao công tác tuyên truyền chính sách đến với người dân thì vai trò của báo cáo viên, tuyên truyền viên rất quan trọng. Ban thường xuyên kết hợp với phía các trường đại học, các sở, ngành, các chuyên gia am hiểu về công tác dân tộc để tuyên truyền đạt hiệu quả hơn. “Ví dụ, liên quan đến vấn đề phổ biến giáo dục pháp luật thì Ban mời chuyên gia về lĩnh vực pháp luật. Còn đối với lĩnh vực dân số thì mời chuyên gia lĩnh vực dân số, đối với những vấn đề cần tuyên truyền về an ninh trật tự thì có thể mời cán bộ Công an; về phụ nữ thì Ban phối hợp và mời đại diện Hội Phụ nữ… Qua đó, giúp cho bà con nhận thức được những tập tục không còn phù hợp để thay đổi”, ông Mai chia sẻ thêm.

Bên cạnh những thuận lợi, hiện nay, việc tuyên truyền chính sách dân tộc từ các cơ quan ban ngành đến với người dân ở vùng ĐBKK ở Quảng Nam cũng còn một số khó khăn. Theo đó, một số người dân chưa thành thạo tiếng phổ thông, đường xá còn khó khăn cho việc đi lại, các phương tiện tuyên truyền chưa được đầu tư đúng mức nên việc tiếp thu kiến thức còn một số hạn chế. Hơn nữa, báo cáo viên thực hiện chưa được đào tạo tập huấn chuyên sâu, bài bản cũng ảnh hưởng một phần nào đến chất lượng tuyên truyền. Mặc dù vậy, Ban Dân tộc tỉnh, cũng như các cấp, sở, ban, ngành ở tỉnh Quảng Nam đang tiếp tục nỗ lực để phổ biến các chính sách, phổ biến pháp luật đến với người dân ở vùng DTTS và miền núi, nhất là ở các xã, thôn vùng ĐBKK.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.