Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Tín dụng chính sách giúp vùng biên viễn Tây Giang thoát nghèo

Tiêu Dao - Thúy Hiền - 05:31, 21/11/2023

Ở miền biên viễn với đa phần dân cư là đồng bào DTTS sinh sống, việc phát triển kinh tế để giảm nghèo là vô cùng khó khăn, nếu không có trợ lực từ những chính sách hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, trong đó có chính sách tín dụng ưu đãi. Những năm qua, nhờ phát huy hiệu quả chính sách tín dụng đã giúp cho vùng biên Tây Giang, tỉnh Quảng Nam từng bước thoát nghèo.

Từ nguồn vốn vay, nhiều hộ nông dân Tây Giang mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế
Từ nguồn vốn vay, nhiều hộ nông dân Tây Giang mạnh dạn đàu tư phát triển kinh tế

Chính sách sát với nhu cầu thực tế

Trong 20 năm qua, huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam) có gần 20.000 hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), nguồn vốn tín dụng đã góp phần giúp hơn 11.000 hộ nghèo, cận nghèo vượt qua ngưỡng nghèo. Sức mạnh của những chương trình trợ vốn, trợ lực giúp người dân thoát nghèo đến từ những chính sách tín dụng hợp lý, nhanh chóng đã giúp kinh tế vùng biên ít nhiều đổi thay tích cực hơn.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc triển khai nguồn vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong thời gian qua, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tây Giang đã tiếp cận tới tất cả các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong toàn huyện. Nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp nông dân chủ động nguồn tài chính để làm nhà ở, mua trâu, mua bò, heo cỏ và các giống cây dược liệu, trồng Đẳng Sâm, Ba kích, Quế… Qua đó, từng bước góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Những năm gần đây, việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp, hoạt động tín dụng CSXH trên địa bàn huyện Tây Giang đã có bước phát triển cả nguồn vốn giải ngân cũng như hiệu quả sử dụng vốn. Trong thời gian qua, với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tây Giang đã triển khai hiệu quả các nguồn vốn ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Từ nguồn vốn vay nhiều hộ nghèo Tây Giang mua bò phát triển kinh tế
Từ nguồn vốn vay nhiều hộ nghèo Tây Giang mua bò phát triển kinh tế

Nguồn vốn đang phát huy được hiệu quả tích cực, từng bước nâng cao điều kiện sống, góp phần không nhỏ vào công cuộc giảm nghèo bền vững của địa phương. Theo thống kê, nguồn tín dụng chính sách đã giúp hơn 11.000 hộ nghèo, cận nghèo vượt qua ngưỡng nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo từ 87,46 (năm 2004), đến nay còn 29,2% (theo tiêu chí cũ) bình quân hàng năm giảm 3,2%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 1,13%. Trên 174 học sinh sinh viên nghèo, khó khăn được vay vốn để học tập; 2.642 lao động có việc làm ổn định; gần 620 ha rừng được trồng mới; 836 ngôi nhà cho người nghèo được xây dựng, 3.049 hộ ở vùng khó khăn được vay vốn sản xuất kinh doanh.

Theo ông Vũ Định - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Tây Giang, các tổ chức chính trị, xã hội ở huyện và xã xây dựng mạng lưới Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) để cùng với ngân hàng chuyển tải nguồn vốn đến tận tay người thụ hưởng một cách nhanh chóng, bảo đảm công khai, dân chủ theo phương châm “dân biết, dân làm, dân kiểm tra”. Lấy vai trò Trưởng thôn trong việc tham gia chứng kiến việc bình xét đối tượng cho vay từ cơ sở, giám sát quá trình sử dụng vốn của người vay, phối hợp cùng với các tổ chức chính trị, xã hội và Ban Quản lý Tổ TK&VV xử lý các tồn tại, vướng mắc tại cơ sở... góp phần rất lớn vào hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn.

Toàn huyện có 103 Tổ TK&VV, đã giúp ngân hàng làm tốt công tác bình xét cho vay đúng đối tượng, giám sát hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, được ủy nhiệm thu lãi, thu tiết kiệm, tham gia xử lý nợ tồn đọng, nợ bị rủi ro. Mạng lưới tổ vay vốn đã trở thành cánh tay đắc lực, là cầu nối hữu hiệu giữa ngân hàng và người vay. Điển hình như các Tổ TK&VV của anh Bríu Trường, ông Hốih Mia, anh Alăng Len...

Vợ chồng anh Zơ râm Bhéh và chị Zơ râm Thị Bên nhờ nguồn vốn vay nay đã có thu nhập gần 200 triệu đồng/năm
Vợ chồng anh Zơ râm Bhéh và chị Zơ râm Thị Bên nhờ nguồn vốn vay nay đã có thu nhập gần 200 triệu đồng/năm

Ngân hàng CSXH huyện tổ chức triển khai cho vay quay vòng nhanh chóng không để vốn bị tồn đọng, đáp ứng kịp thời cho các đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi đang cần vốn. Ngân hàng CSXH huyện Tây Giang đã thực sự trở thành địa chỉ tin cậy của người nghèo và các đối tượng CSXH trên địa bàn vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu. Các hộ gia đình mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế mang lại hiệu quả, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Có thể nói, tín dụng CSXH đã thực sự làm tốt vai trò là ‘‘bà đỡ” hỗ trợ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách thoát khỏi nghèo từng bước vươn lên làm giàu điển hình như như hộ Hốih Tèo, Ating Thị Vai, Cơlâu Thái Ngọc, Zơ râm Bhéh, Arất Đen, Alăng Rích, Abinh Dưới, Bríu Thị Bích..., đã góp phần cùng địa phương giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm 3,2%.

Tiếp tục phát huy hiệu quả

Là hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chị Bríu Thị Bích (thôn Nal, xã Lăng, huyện Tây Giang) được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế, thoát nghèo và dần ổn định cuộc sống. Được vay 50 triệu đồng, chị sử dụng mua 2 con bò giống sinh sản. Từ 2 con bò giống, vợ chồng chị rất phấn khởi, việc đầu tiên là tiến hành làm chuồng trại, chăm sóc, chăn dắt, không thả rông, siêng năng cắt cỏ và kiếm thêm nhiều nguồn thức ăn khác. 2 con bò giống ngày càng lớn nhanh, khỏe mạnh, phát triển, sau 4 năm đã cho 5 con bò con.

“Đầu năm 2020, tôi bán 2 con bò đã trả hết nợ Ngân hàng và tiếp tục xin vay 100 triệu đồng chương trình cho vay giải quyết việc làm theo Nghị định 28 để trồng 4 ha cây keo. Tính đến thời điểm hiện tại, gia đình tôi có 1 đàn bò gồm 14 con và 4 ha keo đang phát triển tốt”, chị Bích phấn khởi nói.

 Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tây Giang giải ngân cho người dân vay vốn
Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tây Giang giải ngân cho người dân vay vốn

Tương tự, vợ chồng anh Zơ râm Bhéh và chị Zơ râm Thị Bên (thôn Agriih, xã A Xan huyện Tây Giang) vay Ngân hàng CSXH huyện 50 triệu đồng. Anh đầu tư mua 2 cặp bò giống và 9 con dê, sửa chữa chuồng trại, trích ra số tiền nhỏ đi tham quan học tập thực tế tại các mô hình gia trại bò, dê ở các huyện như Đông Giang, Nam Giang, ai có trang trại lớn cũng đều đến thăm và học cách chăn nuôi.

Kết hợp chăn nuôi, anh còn đầu tư trồng hơn 3 ha cây Quế, cam, bưởi. Tận dụng quỹ đất sẵn có và nguồn phân bò dư thừa, đào ao nuôi thêm cá. Nhờ có sự chăm sóc và đầu tư tốt, mỗi năm anh xuất bán 4 - 5 con bò, hơn 10 con dê, thêm cá, gà, vịt, ngan với nguồn thu 150 - 180 triệu đồng. Hiện gia, đình anh là hộ tiêu biểu về thoát nghèo, có nguồn thu nhập khá ổn định mà nhiều người thầm mơ ước.

Ông Vũ Định - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tây Giang cho biết, với hoạt động tín dụng chủ yếu ủy thác cho vay thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội, gồm: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên đã giúp cho việc chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách được triển khai đồng bộ, nhanh, hiệu quả đến đúng các đối tượng thụ hưởng. Tính đến cuối năm 2022, doanh số cho vay thông qua Hội đoàn thể trên 202,9 tỷ đồng, chiếm 100% trên tổng dư nợ tăng so cùng kỳ năm trước 41,3 tỷ đồng, với 103 tổ tiết kiệm và vay vốn, 4.088 số hộ vay.

“Trong năm 2023, chúng tôi tiếp tục tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp để tham mưu tốt cho cấp uỷ Đảng, chính quyền, phối hợp tốt với các ngành liên quan, đặc biệt là 4 tổ chức Hội nhận ủy thác để triển khai hiệu quả hơn nữa các chương trình tín dụng chính sách tại địa phương, đặc biệt là các chương trình cho vay mới để nguồn vốn tín dụng chính sách thực sự phát huy hiệu quả góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn”, ông Vũ Định chia sẻ.

 Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tây Giang giải ngân cho người dân vay vốn
Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tây Giang giải ngân cho người dân vay vốn

Để phát huy những kết quả đạt được, năm 2023, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng CSXH. Động viên, khích lệ, phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm, tạo tâm lý tự tin, ý chí thoát nghèo để người nghèo, đối tượng chính sách mạnh dạn tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi, nâng cao ý thức trách nhiệm trong sử dụng vốn, hoàn trả vốn vay.

Theo ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện Tây Giang, huyện có mức thu nhập bình quân đầu người vẫn còn thấp, nhiều hộ mới thoát nghèo, nhưng chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo rất cao. “Với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận, các ban ngành đoàn thể, cùng sự cần cù, vượt khó vươn lên đời sống của người dân ngày càng khởi sắc. Kết quả đó có sự đóng góp rất lớn của nhiều nguồn lực huy động từ xã hội, trong đó phải kể đến nguồn vốn tín dụng chính sách Chính Phủ cho vay thông qua Ngân hàng CSXH huyện trong những năm qua, là một kênh tín dụng đem lại hiệu quả thiết thực nhất cho người dân vùng cao Tây Giang”, ông Arất Blúi khẳng định.

Có thể khẳng định, các chương trình tín dụng ưu đãi mà Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tây Giang triển khai thực hiện đã và đang phát huy được hiệu quả tích cực, có tác động mạnh mẽ đến đời sống người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, tạo điều kiện để họ cải thiện, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương.


Tin cùng chuyên mục
Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Ngày 28/12, tại Tp. Kon Tum (Kon Tum), Ủy Ban Dân tộc tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”. Ông Đào Xuân Quy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy Ban Dân tộc) và ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành của 5 tỉnh Tây Nguyên.