Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đồng Nai: Chủ động đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người dân

Phương Linh - 10:10, 27/01/2023

Năm 2023, tỉnh Đồng Nai tiếp tục trọng tâm nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống tín dụng chính sách xã hội, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý cho vay - thu hồi nợ…

Nhiều hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vay vốn chính sách đầu tư nuôi dê, mang lại hiệu quả kinh tế cao
Nhiều hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vay vốn chính sách đầu tư nuôi dê, mang lại hiệu quả kinh tế cao

Xây dựng nhiều mục tiêu mới

Để đạt được mục tiêu này, ngay từ đầu năm 2023, hệ thống Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Đồng Nai, các tổ chức chính trị - xã hội nhận vốn ủy thác, chính quyền các cấp đã chủ động triển khai nhiều giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế.

Trong 20 năm qua, toàn tỉnh có 612,8 nghìn lượt gia đình được tiếp cận vốn chính sách. Nguồn vốn đã góp phần giúp gần 86 nghìn lượt hộ nghèo thoát ngưỡng nghèo; duy trì và tạo việc làm cho gần 122 nghìn lao động; xây dựng hơn 336 nghìn công trình nước sạch, nhà vệ sinh; giúp cho 88 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn đến trường…

Ông Lê Bá Chuyên, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đồng Nai cho biết: Năm 2022, doanh số cho vay của Chi nhánh đạt 2,63 nghìn tỷ đồng, tăng 84% so với năm 2021. Với mức vay bình quân hơn 40 triệu đồng/khách hàng/năm như hiện nay, thì hệ thống Chi nhánh sẽ phải tăng thêm 6,5 nghìn lượt khách hàng vay vốn so với năm 2022. Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách của Chi nhánh đạt trên 4 nghìn tỷ đồng, tăng 444 tỷ đồng so với năm 2021 với 114,2 nghìn khách hàng đang vay vốn. 

Đồng Nai là địa bàn công nghiệp, dịch vụ phát triển, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo còn thấp, nhu cầu vay vốn của nhóm đối tượng hộ mới thoát nghèo trên 3 năm rất lớn. Ngoài ra, hộ kinh doanh buôn bán nhỏ và các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp do đại dịch COVID-19 vừa qua, rất cần được tiếp tục được hỗ trợ vốn để duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh. Vì vậy, việc đặt mục tiêu tăng số lượng khách vay vốn chính sách vừa đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, vừa góp phần thể hiện được tính rộng khắp, bao trùm, kịp thời và gần gũi của vốn chính sách trong hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.

Nguồn vốn chính sách giúp các hộ vay vốn tỉnh Đồng Nai có điều kiện phát triển kinh tế, cuộc sống ngày một cải thiện, chất lượng hơn
Nguồn vốn chính sách giúp các hộ vay vốn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có điều kiện phát triển kinh tế, cuộc sống ngày một cải thiện, chất lượng hơn

Cùng với đó, hệ thống Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đồng Nai và 11 phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện, cũng đặt mục tiêu đưa chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xếp loại tốt. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh dưới 0,25% tổng dư nợ.

Ngoài ra, duy trì 100% đơn vị cấp xã xếp loại chất lượng tín dụng tốt, không có đơn vị xếp loại yếu. Đồng thời, hệ thống cũng phấn đấu và duy trì trên 97% Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt và khá, không có tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại yếu. Thực hiện tốt 100% phiên giao dịch xã định kỳ theo quy định. 

Để hoàn thành mục tiêu này, theo ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đồng Nai thì, phải quyết liệt, chỉ rõ địa phương, Tổ tiết kiệm và vay vốn nào hoạt động chưa tốt, điểm nghẽn ở đâu, tránh nêu nguyên nhân và giải pháp chung chung. Điều này nhằm làm căn cứ đưa ra giải pháp đối với từng trường hợp cụ thể để nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách.

Chủ động hỗ trợ người dân 

Gia đình ông Đỗ Viết Hiệu ở xã Bảo Quang, TP. Long Khánh, là một trong những hộ điển hình sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách. Ông Hiệu từng là hộ nghèo, phải ở nhà tình thương nhưng thời gian qua, ông đã nỗ lực làm ăn để vươn lên và trở thành hộ có kinh tế khá giả. Đến nay, gia đình ông đã xây sửa nhà cửa rộng rãi, khang trang; mua sắm nhiều tiện nghi, đồ dùng có giá trị trong nhà (xe máy, tivi, tủ lạnh…) và lo cho con ăn học đầy đủ.

Trước đây, vợ chồng ông không có nghề nghiệp ổn định, ai thuê gì làm nấy và được xếp vào diện hộ nghèo. Năm 2012, gia đình được tạo điều kiện cho vay 12 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH. Ông dùng số vốn đầu tư làm chuồng và mua 1 cặp dê giống về nuôi để sinh sản nhân đàn. 

Bên cạnh đó, ông còn mua, bán dê giống và thu mua dê thịt để kiếm thêm thu nhập. Nhờ làm ăn hiệu quả, đã giúp gia đình có nguồn thu nhập ngày càng ổn định và nhanh chóng vươn lên thoát nghèo vào năm 2014.

Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đai, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã chủ động hơn trong cuôc sống
Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đai, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã chủ động hơn trong cuôc sống

“Nhờ được tiếp sức từ vốn vay chính sách, cuộc sống của gia đình tôi đã vươn lên tốt đẹp. Tôi thực lòng cảm ơn chính quyền đã quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ gia đình vượt lên khó khăn để có cuộc sống như hôm nay”, ông Hiệu bộc bạch.

Kể từ sau khi thoát nghèo đến nay, ông Hiệu tiếp tục được NHCSXH cho vay 2 lần, với tổng số vốn 100 triệu đồng để đầu tư mở rộng trang trại với mong muốn vươn lên làm giàu chính đáng. Hiện nay, gia đình ông Hiệu lúc nào cũng duy trì đàn dê trên 70 con trong chuồng. Nguồn thu nhập của gia đình từ nuôi dê giống và mua bán dê thịt đạt gần 200 triệu đồng/năm.

Ông Lê Bá Chuyên, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đồng Nai cho biết: Hiện nay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đảm bảo đủ nguồn vốn để cho vay 100% số hộ có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn. Riêng nhu cầu vay vốn hỗ trợ tạo việc làm hiện chưa đáp ứng được. Qua thực tế khảo sát, nhu cầu vay vốn của các đối tượng khó khăn về việc làm, hộ đã thoát nghèo trên 3 năm, lao động nông thôn sau đào tạo nghề, quân nhân xuất ngũ, tiểu thương, hộ kinh doanh nhỏ và người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp do đại dịch COVID-19 vừa qua có nhu cầu vay vốn để tổ chức sản xuất kinh doanh, tạo việc làm là rất lớn.

"Trong năm 2023, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục tận dụng nguồn vốn Trung ương, nguồn vốn địa phương, ủy thác sang Chi nhánh bổ sung cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn. Song song đó, khuyến khích khách hàng đang vay và đã từng vay vốn chính sách  duy trì gửi tiết kiệm hàng tháng để cùng tạo ra nguồn tiền đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác", ông Lê Bá Chuyên thông tin.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng, thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người dân, nhất là công nhân lao động tại các khu vực nhà trọ, sớm có nơi ở ổn định thông qua các dự án, chương trình nhà ở xã hội. Do vậy, Chi nhánh cần tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương rà soát về các dự án nhà ở xã hội, số lượng người dân có nhu cầu, đặc điểm tình hình của từng huyện, thành phố, bố trí nguồn vốn chính sách… để từ đó thực hiện tốt chương trình cho vay thuê, mua nhà ở xã hội mà hệ thống Chi nhánh NHCSXH tỉnh đang triển khai.

Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Đức Hải khen thưởng cho cá nhân, tập thể của tỉnh Đồng Nai
Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Đức Hải khen thưởng đến cá nhân, tập thể của Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đồng Nai

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cũng yêu cầu, cần tập trung thực hiện công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức về các chương trình tín dụng chính sách nhằm đưa thông tin đến với người dân. Từ đó, giúp người dân hiểu và tham gia vào các chương trình tín dụng chính sách đang được triển khai một cách có trách nhiệm.

Trước thực tế số tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại trung bình của tỉnh vẫn còn chiếm tỷ lệ cao,  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng yêu cầu, Ngân hàng Chính sách xã hội cùng các đơn vị liên quan cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc còn tồn tại để nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ này.

 Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với những chương tín dụng chính sách đang được triển khai, đảm bảo không bỏ sót đối tượng song phải đúng với các quy định. Kịp thời tuyên dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể có đóng góp tích cực trong công tác tín dụng chính sách…

Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao với dư nợ 112 tỷ đồng, đến nay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đồng Nai đã có hệ thống mạng lưới 2.406 Tổ tiết kiệm và vay vốn rộng khắp trên địa bàn tỉnh; đã triển khai cho vay 17 chương trình với tổng dư nợ cho vay đến 31/8/2022 đạt 4.793 tỷ đồng, tăng 4.682 tỷ đồng so với khi mới thành lập (tăng 42 lần), hiện có 110.620 khách hàng đang vay vốn. So với năm 2003, dư nợ bình quân hộ từ 2,9 triệu đồng/hộ tăng lên 43,3 triệu đồng/hộ (tăng 13,9 lần). Tổng doanh số cho vay giai đoạn từ 2003 - 2022 đạt 11.449 tỷ đồng với 612.796 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.