Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đồng lòng cùng đẩy lùi cái nghèo ở Phước Sơn

T.Nhân - H.Trường - 08:03, 20/08/2024

Trong thời gian qua, nhờ sự trợ giúp từ các Chương trình MTQG và một số chính sách khác, đồng bào DTTS trên địa bàn huyện miền núi Phước Sơn (Quảng Nam) có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng rất tích cực đầu tư và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả. Nhờ đó, ngày càng nhiều hộ dân làm ăn khá giả, diện mạo của huyện miền núi ngày càng tươi sáng hơn.

Mô hình chăn nuôi hiệu quả giúp chị Đồng Thị Hằng có kinh tế ổn định
Mô hình chăn nuôi hiệu quả giúp chị Đồng Thị Hằng có kinh tế ổn định

Chúng tôi đến thăm gia đình chị Đồng Thị Hằng, một trong những hộ điển hình về phát triển kinh tế ở xã Phước Năng, huyện Phước Sơn. Trời chiều cuối hè, nắng như đổ lửa, thế nhưng, chị Hằng vẫn tất bật đội nón đi cắt cỏ voi, lá sắn cho bò ăn. Đàn bò chị nuôi trên mảnh đất rẫy cách nhà vài chục mét, với khoảng hơn chục con. “Hồi mới vào đây lập nghiệp, cuộc sống gia đình gặp muôn vàn khó khăn. Nhưng nhờ kiếm được cái này thì đầu tư cái kia, mỗi chỗ một chút nên giờ thì thoát được cái nghèo rồi”, chị Hằng nói.

Gia đình chị Hằng quê ở Lạng Sơn, vào Phước Sơn lập nghiệp từ khoảng giữa năm 2001. Thời điểm đó, vợ chồng chị chủ yếu làm nông với mấy sào ruộng và rẫy sắn, nuôi thêm mấy con gà, dù chăm chỉ nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Quyết không cam chịu cảnh nghèo khó, chị Hằng bàn với chồng vay vốn để làm ăn. Từ số tiền gần 30 triệu đồng vay được, cùng với ít vốn tích lũy được từ nhiều năm qua, chị cải tạo đất đồi để nuôi bò và trồng keo.

Nghĩ là sẽ thuận lợi, nhưng khi bắt tay vào làm, vợ chồng chị cũng nhiều đêm mất ngủ vì gặp trắc trở, nhất là thiếu kinh nghiệm về chăn nuôi. Không bỏ cuộc, chị tham gia một số khóa tập huấn do chính quyền tổ chức, từ đó có thêm kinh nghiệm về chăn nuôi. Bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ, từ 3 con bò ban đầu, đến nay vợ chồng chị đã sở hữu 10 con bò và vườn keo rộng, mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Có được thu nhập ổn định từ bò và cây keo, vợ chồng chị mạnh dạn đầu tư để mở thêm trang trại gà và nuôi heo sinh sản. Hiện nay, các nguồn thu từ các mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định, giúp gia đình chị có của ăn, của để, xây dựng được nhà cửa khang trang. Ngoài việc tập trung làm kinh tế hộ gia đình, chị Hằng cũng hỗ trợ một số chị em trong xã về kỹ thuật chăn nuôi bò, heo, hướng dẫn họ tham gia một số lớp tập huấn của Hội Nông dân xã để có thêm kinh nghiệm trong sản xuất.

Nhiều người dân thoát nghèo bằng các mô hình kinh tế hiệu quả
Nhiều người dân thoát nghèo bằng các mô hình kinh tế hiệu quả

“Đầu tiên chọn nuôi bò vì bò ít bị bệnh tật, thức ăn lại dễ kiếm. Nếu chọn được con giống tốt, thì hiệu quả càng cao hơn. Nguồn thu từ lợn sinh sản cũng ổn định, mỗi năm khoảng 20-30 triệu đồng. Diện tích keo cũng bằng đầu cho thu nhập, hứa hẹn sẽ giúp tăng thu nhập đáng kể. Trong thời gian tới, vợ chồng tôi dự định sẽ đầu tư trồng cây ăn trái để có thêm thu nhập” chị Hằng chia sẻ.

Hiện nay, ở Phước Sơn, những mô hình làm kinh tế hay như chị Đồng Thị Hằng không hiếm. Qua thống kê, sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện lần thứ III, có hàng nghìn hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm bình quân 6,25%.

Như chị Triệu Thị Thảo (ngụ xã Phước Đức), với quyết tâm thoát nghèo, chị đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng để mở trang trại gà thả vườn. Giai đoạn đầu, chị cũng gặp khó vì gà hay bị dịch bệnh và chết. Không nản lòng, chị học hỏi thêm trên mạng xã hội, một số hộ chăn nuôi gia cầm, và tham gia tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do Hội Nông dân huyện tổ chức. Có kiến thức, chị tiếp tục đầu tư, ngoài nuôi gà thịt, chị cho thả 100 gà mái ấp trứng.

Mỗi tháng, trại gà ấp nở được 1.000-1.200 gà con. Sau khi bán những con gà giống này, chị Thảo thu nhập được 14-15 triệu đồng/đợt. Có tiền, chị tiếp tục đầu tư nuôi heo rừng lai, nuôi vịt giống, và trồng keo. Đầu ra gà giống, heo thịt và heo giống ổn định, cùng với việc nuôi trùn quế đang cho thu nhập tốt, mỗi năm gia đình chị thu nhập trên 200 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí.

Bắt đầu từ hai bàn tay trắng để có được cơ ngơi hôm nay, chị Thảo hiểu được những khó khăn trong việc khởi nghiệp, làm kinh tế của nhiều người. Do đó, chị sẵn sàng hỗ trợ kinh nghiệm, chia sẻ những bí quyết mà mình biết được, để giúp đỡ những bà con muốn cải thiện sinh kế. Trong thời gian qua, trại gà của gia đình chị trở thành điểm đến của nhiều bà con trong vùng để cùng nhau bàn chuyện làm ăn, phát triển kinh tế.

Người dân mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế. (Trong hình, người dân ở Phước Mỹ chuyển đổi trồng keo sang trồng cam Vinh bước đầu cho thu nhập khá)
Người dân mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế. (Trong hình, người dân ở Phước Mỹ chuyển đổi trồng keo sang trồng cam Vinh bước đầu cho thu nhập khá)

Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, cho biết: Tỷ lệ hộ nghèo bình quân trong 3 năm qua giảm 6,25%/năm, huyện phấn đấu đến năm 2025 giảm xuống còn khoảng 17%. Để làm được điều đó, bên cạnh việc triển khai hiệu quả các nguồn lực được phân bổ, địa phương cũng triển khai nhiều mô hình sản xuất phù hợp cho người dân, trong đó ưu tiên hỗ trợ những cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương.

“Huyện triển khai 9 dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để giúp người dân ổn định đầu ra, cũng như an tâm sản xuất. Bên cạnh đó, địa phương cũng phối hợp tổ chức các lớp học nghề; tập huấn, hướng dẫn người dân về cách làm, cách chăm sóc cây trồng, con vật nuôi hiệu quả. Nhờ đó, nhiều hộ dân đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp, chuyển đổi mô hình sản xuất mới, xây dựng các nhóm hộ liên kết sản xuất để hỗ trợ nhau phát triển kinh tế”, ông Trung chia sẻ.

Cũng theo ông Trung, qua 3 năm triển khai, từ nguồn vốn phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Phước Sơn đã hỗ trợ người dân 179 con trâu, 2.259 con bò, 998 con heo và hàng nghìn giống cây trồng như,  dược liệu và cây ăn trái khác. Các mô hình này đang phát huy hiệu quả, mở ra nhiều hướng sản xuất mới cho người dân địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.