Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phước Sơn (Quảng Nam): Người có uy tín đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình

T.NHÂN-H.TRƯỜNG - 14:47, 20/10/2024

Những năm qua, đội ngũ Người có uy tín của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Phước Sơn đã phát huy vai trò nòng cốt trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, nhất là về phát triển kinh tế. Qua đó, góp phần xây dựng bản làng ngày càng đẹp hơn, nông thôn mới ngày càng được phát huy.

Người có uy tín tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Người có uy tín tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) có 54 Người có uy tín, trong đó có 14 già làng, 5 trưởng thôn, 3 cán bộ hưu trí và 32 thành phần khác. Họ là một trong những lực lượng tiên phong trong phát triển kinh tế hộ gia đình, là cầu nối tuyên truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước đến với cộng đồng người dân địa phương. Với vai trò của mình, lực lượng Người có uy tín đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

Trong những năm qua, Người có uy tín ở Phước Sơn đã tích cực hưởng ứng các chính sách của Đảng và Nhà nước. Họ mạnh dạn trong thay đổi cách nghĩ cách làm, để phát triển kinh tế cho gia đình. Nói về làm kinh tế, không thể không nhắc đến Người có uy tín Hồ Văn Lắm (dân tộc Gié-Triêng, 44 tuổi, ở thôn 2, xã Phước Mỹ).

Từ một gia đình khó khăn, chật vật với kinh tế, anh Lắm đã mạnh dạn vay vốn làm ăn, phát nương rẫy, để sản xuất, đến nay, gia đình anh thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm, nhờ đó, các con được ăn học đầy đủ, gia đình bước sang trang mới.

Người có uy tín Hồ Văn Lắm là một trong những hạt nhân tích cực trong việc làm kinh tế, tuyên truyền chính sách đến với người dân.
Người có uy tín Hồ Văn Lắm là một trong những hạt nhân tích cực trong việc làm kinh tế, tuyên truyền chính sách đến với người dân

Anh Lắm chia sẻ: Chỉ có làm kinh tế tốt thì mới thoát được cái nghèo, cái khó. Từ suy nghĩ đó, vợ chồng anh đã mạnh dạn khai hoang đất để trồng keo, dổi. Với diện tích keo hơn 7ha như hiện nay, mỗi đợt thu hoạch, vợ chồng anh “bỏ túi” từ 500-600 triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, anh đầu tư nuôi bò, ban đầu từ 2 con, sau thời gian chăm bẵm tốt, vợ chồng anh nay đã có đàn bò khoảng 30 con. Bên cạnh trồng keo, nuôi bò, gia đình anh còn mở rộng diện tích trồng lúa tím than, hiện đang cho thu nhập tốt.

“Làm một loại thì lâu có thu nhập, do đó, vợ chồng mình có gắng xen canh nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Trồng keo, nuôi bò, nuôi gà là những “món” chủ lực, bên cạnh đó, vợ chồng đang tính mở rộng diện tích trồng dổi, trong thời gian tới tiếp tục phát cỏ, phát cây bụi, để trồng thêm một số loại cây ăn trái. Kinh tế mình vững, thì mới tuyên truyền được người khác nghe, từ đó việc tuyên truyền mới đi vào hiệu quả”, anh Lắm nói thêm.

Để minh chứng lời chia sẻ của mình, anh Lắm dùng chiếc xe máy chở chúng tôi một vòng quanh khu đất rẫy rộng gần chục hecta của gia đình. Trên đất rẫy, anh cho trồng nhiều diện tích keo, những cây keo hơn 2 năm tuổi xanh tốt. Cùng với đó, đàn bò được thả rong dọc theo những khu đất rẫy được vợ chồng anh chăm bẵm khéo. Những hàng dổi dài trải dọc cánh rừng sum suê trái, hứa hẹn mang về thu nhập thêm cho gia đình. Gặp vợ anh Lắm đang phát bụi rậm gần đó, chị nói,  làm rẫy nuôi bò thì cũng vất vả thật đấy, nhưng miễn làm được gì có thu nhập là vợ chồng không quản khó khăn.

Ở Phước Sơn, Người có uy tín làm kinh tế tốt như anh Lắm không hiếm. Đơn cử như anh Hồ Văn Chương, ngụ xã Phước Mỹ cũng là một điển hình về phát triển kinh tế, và tích cực tuyên truyền vận động người dân vươn lên làm kinh tế thoát nghèo.

 Anh Chương cho biết, phát huy vai trò của Người có uy tín ở địa phương, trong những năm qua, gia đình anh không ngừng nâng cao sản xuất, làm giàu cho gia đình, đồng thời hỗ trợ cho người dân địa phương cùng vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, gia đình anh trồng khoảng 5ha keo và đàn bò 10 con. Với thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm, gia đình anh đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng keo và nuôi thêm gà.

Không những làm kinh tế giỏi, anh Hồ Văn Chương còn là hạt nhân trong việc tuyên truyền người dân phát triển sản xuất, tuyên truyền cộng đồng về phòng chống tảo hôn, và tránh xa các hủ tục lạc hậu. Theo anh Chương, trước đây người dân còn ỷ lại vào trợ cấp, không lo làm ăn để cải thiện kinh tế gia đình. Anh cùng với lực lượng chức trách ở thôn thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn vay vốn làm ăn. Không những thế, với những kiến nghị của người dân về hỗ trợ cây giống, con giống đều được anh tiếp thu và báo cáo với cấp trên trong những cuộc họp, nhờ đó, những đề xuất của người dân nhanh chóng đến được với các cấp.

Những năm trước đây, tình trạng tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống ở Phước Sơn còn cao. Anh Chương và một số Người có uy tín ở địa phương cũng là cầu nối của chính quyền tuyên truyền đến người dân những hệ lụy cũng như cách phòng chống. 

“Trước đây, mấy đứa nhỏ nhỏ cứ thích nhau là lấy nhau. Mà lấy nhau về thì khổ lắm, không biết dựa vào đâu, trong khi ba mẹ cũng khổ. Tảo hôn còn làm đánh mất cơ hội học tập, việc làm trong tương lai của các em, nên mình đứng ra tuyên truyền cho họ hiểu, để tránh xa”, anh Chương nói.

Ông Nguyễn Văn Bằng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Phước Sơn, cho biết: Lực lượng Người có uy tín ở địa phương, gồm nhiều thành phần dân tộc khác nhau, khu vực sinh sống khác nhau, nhưng trong thời gian qua, họ đã thể hiện rất tốt vai trò của mình. Họ là hạt nhân trong sự phát triển của cộng đồng, góp phần vào sự khởi sắc của địa phương. Lực lượng này không những tuyên truyền chính sách đến cộng đồng, mà còn là những người đi đầu về phát triển kinh tế gia đình, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương. 

"Họ tích cực động viên, hướng dẫn con cháu, vận động Nhân dân trong thôn, tổ dân phố tham gia phát triển kinh tế; chịu khó nghiên cứu, sáng tạo, học hỏi cách làm hay, xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu”, ông Bằng, cho biết thêm.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.