Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

"Già làng" tuổi 30

T.Nhân - H.Trường - 15:30, 19/10/2024

Mặc dù chỉ mới 30 tuổi, nhưng anh Phạm Xuân Nghĩa, ở xã Trà Ka, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam rất được dân làng yêu quý gọi thân mật là “già làng”. Anh Nghĩa là một tấm gương sáng về phát triển kinh tế và giúp đỡ bà con cùng vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, anh còn là người “truyền lửa”, khơi dậy tình yêu văn hoá cồng chiêng cho những bạn trẻ người Ca Dong.

Già làng “trẻ” Phạm Xuân Nghĩa (bên phải, ngoài cùng) trình diễn cồng chiêng tại lễ hội ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ảnh TL
Già làng “trẻ” Phạm Xuân Nghĩa (bên phải, ngoài cùng) trình diễn cồng chiêng tại lễ hội ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ảnh TL

Vượt khó làm giàu

Xuất thân trong gia đình khó khăn ở vùng cao Bắc Trà My, ngay từ nhỏ anh Nghĩa đã luôn cố gắng học hành và phụ giúp gia đình trong việc đồng áng, phụ cha mẹ nuôi các em ăn học đến nơi đến chốn. Sau khi rời ghế nhà trường, anh tham gia vào lực lượng dân quân địa phương. Bằng nhiệt huyết tuổi trẻ, sự năng nổ và trách nhiệm trong công việc, anh đã vinh dự được kết nạp Đảng khi ở tuổi 19.

Sau khi lập gia đình vào năm 2017, là hộ thuộc diện khó khăn, nhưng với tinh thần của người đảng viên, với nghị lực và ý chí của mình, vợ chồng anh từng bước gây dựng cơ nghiệp. “Ban đầu vợ chồng tôi trồng keo trên đất rẫy, sau đó mới nghĩ đến chăn nuôi để phát triển kinh tế. Chăn nuôi bò là khởi đầu của vợ chồng tôi, sau đó đến nuôi gà và trồng thêm quế. Hiện nay, diện tích quế sắp đến mùa thu hoạch, còn bò, heo khoảng hơn 50 con. Lấy ngắn nuôi dài, vợ chồng tôi dần dần mở rộng mô hình chăn nuôi”, anh Nghĩa nói.

Dù tuổi còn trẻ, nhưng anh Nghĩa vừa là già làng, trưởng bản, trưởng thôn, được người dân địa phương yêu mến. Ngoài việc động viên, giúp đỡ bà con trong trong thôn như chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, chia sẻ cây giống, con giống, anh Nghĩa còn tham gia các hoạt động về tuyên truyền đường lối, chính sách đến với người dân”.

Ông Hồ Văn Trần, Chủ tịch UBND xã Trà Ka

Cũng theo anh Nghĩa, sau 5 năm quyết tâm làm kinh tế, đến nay vợ chồng anh đã sở hữu trong tay 4 con bò sinh sản, 10 con dê, 40 con heo đen và đàn gà hơn 100 con. Thu nhập từ các nguồn trên khoảng hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Riêng đối với diện tích trồng keo và quế khoảng 3ha hứa hẹn sẽ cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi đợt.

Anh Nghĩa cho biết: Vợ chồng anh dự tính mở rộng mô hình nuôi gà, heo để có thêm thu nhập. Heo dễ nuôi, dễ bán, đầu ra cũng dễ nên vợ chồng anh đang làm thêm chuồng trại để thả nuôi.

Ngoài làm nông nghiệp, anh Nghĩa còn tự mày mò học nghề thợ nề, rồi giúp cho một số thanh niên trong làng cùng làm để cải thiện cuộc sống. Hiện nay, nhóm của anh Nghĩa được bà con địa phương tin tưởng, nên mỗi khi có gia đình cần làm nhà, sửa nhà đều liên hệ đến anh. 

“Một số công việc như sửa ống nước, điện hư hỏng thì nhóm giúp đỡ, không lấy tiền công. Còn về làm công trình, thì nhóm nhận với giá cả hợp lý”, anh Nghĩa chia sẻ.

Khơi dậy tình yêu văn hoá

Không những làm kinh tế giỏi, anh Nghĩa còn là hạt nhân trong phong trào văn nghệ ở địa phương. Vốn là người yêu nhạc cụ truyền thống, từ nhỏ anh Nghĩa đã tìm hiểu và tập đánh trống, đánh chiêng rất điêu luyện. Hiện tại, thôn 2 có đội văn nghệ gồm 25 thành viên, anh Nghĩa là một trong những người cốt cán.

Anh Nghĩa tâm sự: Mình tham gia hầu hết các phong trào từ thôn, xã, huyện. Nhất là đợt có lễ hội, tôi vận động anh em trong đội dành thời gian để tập và biểu diễn làm sao để tiết mục hay nhất. Thế mạnh của tôi là gõ trống và cồng chiêng, tôi cũng dành thời gian để hỗ trợ các bạn trẻ trong thôn tập luyện, giữ gìn nét đẹp văn hóa người Ca Dong.

Ngoài năng nổ trong các hoạt động phong trào, “già làng” Phạm Xuân Nghĩa còn là tấm gương điển hình về sản xuất kinh tế
Ngoài năng nổ trong các hoạt động phong trào, “già làng” Phạm Xuân Nghĩa còn là tấm gương điển hình về sản xuất kinh tế

7 năm làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 2, anh Nghĩa luôn hoàn thành chức trách của mình. Ngoài việc tuyên truyền các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, anh còn năng nổ trong việc vận động bà con vươn lên làm kinh tế, thoát nghèo, đồng thời góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền bà con đoàn kết, tránh xa các tệ nạn, đoàn kết xây dựng đời sống văn minh, bản làng phát triển.

Chia sẻ thêm về điều này, anh Nghĩa nói: Trước đây, đời sống của người dân trong thôn gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng và đường sá cũng thiếu thốn. 

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành, nhất là các chính sách, chương trình đầu tư cho vùng đồng bào DTTS, nhờ đó đời sống của bà con Nhân dân được cải thiện rất nhiều. 

“Bà con được hỗ trợ bò, heo từ các chương trình để phát triển kinh tế. Các mô hình sinh kế mới đang dần hình thành, bà con mình cũng mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để làm kinh tế. Người dân được cấp bò, heo để ổn định sinh kế, thoát nghèo”, anh Nghĩa nói.

Ông Hồ Văn Trần, Chủ tịch UBND xã Trà Ka chia sẻ: Ở địa phương, đảng viên Phạm Xuân Nghĩa là người rất năng nổ, có trách nhiệm và tâm huyết trong công việc cũng như trong làm ăn phát triển kinh tế, là tấm gương để mọi người noi theo. Ngoài ra, trong các hoạt động phong trào, anh Nghĩa rất tâm huyết, vận động lớp trẻ tham gia các phong trào từ thôn, xã, đến huyện và tỉnh. 

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.