Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Người có uy tín ở Pu Hao: Góp sức bảo vệ biên giới bình yên

Thanh Thuận - 06:30, 05/05/2024

Những năm qua, ý thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ biên giới, già làng Giàng Chợ Sộng (tên thường gọi là Sộng Câu), Người có uy tín bản Pu Hao, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La đã gương mẫu đi đầu, đồng thời, vận động người dân tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ đường biên, cột mốc, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa mới…

Ông Sộng Câu (người đứng giữa) cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Mường Lạn tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc giới
Ông Sộng Câu (người đứng giữa) cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Mường Lạn tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc giới

Chung tay bảo vệ biên giới

Ông Sộng Câu sinh năm 1954, ở bản Pu Hao, xã Mường Lạn. Năm 17 tuổi, ông tham gia dân quân xã và trưởng thành với vai trò Phó Bí thư Đoàn xã Mường Lạn. Sau đó, ông là ủy viên Mặt trận Tổ quốc huyện Sốp Cộp, rồi làm Phó bản kiêm Chi Hội trưởng Chi hội Người cao tuổi, Người có uy tín bản Pu Hao.

Giai đoạn trước năm 2013, đường biên giới với nước bạn Lào chưa phân giới, cắm mốc, ông đã ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ biên giới quốc gia nên tham gia đội dân quân tự vệ, đi tuần tra biên giới cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lạn, một lòng quyết tâm gìn giữ mảnh đất biên cương.

“Ngày đó, khi chưa có đường tuần tra, mỗi lần tuần tra cùng BĐBP chúng tôi đi bộ, rồi leo lên mốc trên núi cao. Mỗi lần tuần tra sẽ mất khoảng 2 - 3 giờ. Để vào được mốc chúng tôi đều phải dùng dao phát cỏ dại trên đường đi và khu vực quanh mốc. Nhất là những hôm mưa gió, việc tuần tra gặp nhiều khó khăn do đường đi lầy lội, trơn trượt”, ông Sộng Câu kể.

Với vai trò Người có uy tín, ông Sộng Câu thường xuyên phối hợp tốt với các đoàn thể, chính quyền bản tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực thực hiện công tác bảo vệ đường biên, cột mốc, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và phòng, chống các loại tội phạm, không xâm canh, xâm cư, không qua lại biên giới trái phép.

Ông Sộng Câu cùng các lực lượng chức năng đến từng nhà tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân trong bản
Ông Sộng Câu cùng các lực lượng chức năng đến từng nhà tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân trong bản

Thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg, ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới (viết tắt là Chỉ thị 01), ông Sộng Câu đã vận động những người dân cùng họ Giàng trong bản tham gia vào mô hình “dòng họ tự quản đường biên cột mốc”, cùng bảo vệ đoạn biên giới dài 5km. Sự gương mẫu, đi đầu của ông Sộng Câu trong các phong trào bảo vệ biên giới đã góp phần tích cực cho sự bình yên trên vùng biên cương Tổ quốc.

Phát huy vai trò Người có uy tín

Còn nhớ sự việc trước kia, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhiều người dân, một số đối tượng xấu đã trà trộn, dụ dỗ, lôi kéo bà con vượt biên sang Lào tham gia các hoạt động trái pháp luật, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh tại địa bàn. Trước tình trạng đó, ông Sộng Câu cùng một số già bản và cán bộ Đồn Biên phòng Mường Lạn đến từng nhà dân tuyên truyền pháp luật và vận động những người lầm đường lạc lối quay trở về.

Ông còn vận động người dân trong bản, cùng giúp đỡ họ trong việc phát nương rẫy, trồng trọt, chăn nuôi, cách vay vốn ngân hàng để đầu tư làm ăn, để những người này gây dựng lại cuộc sống ấm no trên chính mảnh đất quê hương mình, cắt đứt ảo tưởng về một “miền đất hứa” xa xôi để rồi rời bỏ bản làng như trước.

Ông Sộng Câu cùng BĐBP tuyên truyền người dân không sử dụng súng tự chế
Ông Sộng Câu cùng BĐBP tuyên truyền người dân không sử dụng súng tự chế

Cùng với việc tuyên truyền để người dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ông Sộng Câu cũng thành công trong việc vận động bà con đẩy lùi hủ tục, như đưa người chết vào áo quan, không để người mất quá lâu trong nhà, rút ngắn thời gian tang lễ.

Già làng Giàng Chợ Sộng cho biết: “Từ năm 2020, chúng tôi vận động dân bản khi có người qua đời, sẽ cho người mất vào áo quan, và chỉ làm tang lễ trong vòng một ngày, 1 đêm, không mổ nhiều trâu, bò… Đây là việc tốt, đảm bảo vệ sinh cho làng bản, không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và môi trường, không lãng phí nhiều tiền mua trâu bò mổ trong đám tang”.

Chia sẻ về ông Sộng Câu, Thiếu tá Lò Văn Tuân, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Mường Lạn cho biết: Ông Sộng Câu rất nhiệt tình, trách nhiệm với các hoạt động của bản, của xã. Ông thường xuyên đồng hành cùng BĐBP trong tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành nghiêm đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vận động Nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, tham gia tuần tra bảo vệ đường biên mốc quốc giới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn… Ông là Người có uy tín rất được người dân tin yêu, tôn trọng.

Tin cùng chuyên mục
Kiên Giang: Khai giảng nhiều lớp bồi dưỡng tiếng Khmer cho cán bộ, công chức viên chức trên địa bàn

Kiên Giang: Khai giảng nhiều lớp bồi dưỡng tiếng Khmer cho cán bộ, công chức viên chức trên địa bàn

Ngày 07/11, Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh đồng loạt khai giảng nhiều khóa bồi dưỡng tiếng Khmer năm 2024, với 160 học viên là cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo cấp phòng và tương đương tham gia. Các khóa học diễn ra tại các địa bàn: huyện Giồng Giềng, TP. Rạch Giá và TP. Hà Tiên.