Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hiệu quả từ quá trình thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS ở Đăk Glei

Ngọc Chí - 09:30, 20/02/2024

Là địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống, những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền huyện biên giới Đăk Glei (Kon Tum) đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thay đổi nếp nghĩ, cách làm và xóa bỏ các hủ tục, phong tục lạc hậu. Qua đó, đồng bào DTTS đã thay đổi nhận thức, quyết tâm vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ngày một ấm no.

Ông Thái Văn Tưởng (ngoài cùng bên phải), Bí thư Huyện ủy Đăk Glei thăm quan mô hình trồng cà phê xứ lạnh của đồng bào DTTS
Ông Thái Văn Tưởng (ngoài cùng bên phải), Bí thư Huyện ủy Đăk Glei thăm quan mô hình trồng cà phê xứ lạnh của đồng bào DTTS

Hủ tục dần được xóa bỏ

Huyện Đăk Glei có 11 xã và 01 thị trấn với 93 thôn (làng), 13.698 hộ; trong đó, đồng bào DTTS chiếm gần 90% dân số toàn huyện, chủ yếu là dân tộc Gié Triêng và Xơ Đăng. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) và Kết luận số 08, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về chủ trương triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, Ban Thường vụ Huyện ủy Đăk Glei đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội huyện phối hợp triển khai tuyên truyền đến 93/93 thôn, làng, với 339 buổi, khoảng 31.990 người tham gia; trong đó, có 47 thôn/93 thôn được chọn làm điểm tuyên truyền của các xã, thị trấn. Vận động hơn 4.620 hộ đăng ký cam kết xóa bỏ các hủ tục. Xây dựng 50 mô hình giúp dân sản xuất phát triển kinh tế, với hơn 500 hộ tham gia.

Bộ đội Biên phòng và cán bộ xã Đăk Nhoong tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm và xóa bỏ các hủ tục lạc hậu
Bộ đội Biên phòng và cán bộ xã Đăk Nhoong tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm và xóa bỏ các hủ tục lạc hậu

Bà Y Kim Lý, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đăk Pék, huyện Đăk Glei cho biết: Để thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS trên địa bàn xã thì Đảng ủy xã đã xây dựng nhiều mô hình giúp đồng bào DTTS phát triển kinh tế, các mô hình khi lựa chọn phù hợp với điều kiện sản xuất của đồng bào DTTS; phân công các đồng chí trong Ban chấp hành Đảng bộ xã phụ trách các thôn và phối hợp với thôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của đồng bào DTTS và có hướng giải quyết kịp thời.

Cùng với đó, huyện Đăk Glei còn triển khai thực hiện Chỉ thị số 13 của Tỉnh ủy Kon Tum “về tăng cường sự lãnh đạo tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trên địa bàn tỉnh” và Cuộc vận động “Phụ nữ Đăk Glei không sinh con thứ 3”. Trong đó, chú trọng phát huy vai trò gương mẫu của những cán bộ, đảng viên, già làng, Người có uy tín để người dân thực hiện theo.

Ông A Do (đứng giữa), già làng, Người có uy tín thôn Bung Kon, xã Đăk Plô luôn đi đầu trong việc xóa bỏ các hủ tục lạc hậu
Ông A Do (đứng giữa), già làng, Người có uy tín thôn Bung Kon, xã Đăk Plô luôn đi đầu trong việc xóa bỏ các hủ tục lạc hậu

Ông A Do (dân tộc Gié Triêng), già làng, Người có uy tín thôn Bung Kon, xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei cho biết: Để bà con tin, làm theo thì tôi và các con phải gương mẫu đi đầu trong việc xóa bỏ các hủ tục, phong tục lạc hậu. Qua công tác tuyên truyền, vận động thì những hủ tục lạc hậu trước đây, như: Tục cõng củi; tục tảo hôn; ốm đau nhờ đến thầy cúng, thầy mo và cúng trâu, bò; tục kiêng kị người người chết xấu; tục kiêng kị khi có dê, chó, mèo chết hoặc đẻ trong kho lúa, đã cơ bản được bà con xóa bỏ.

Theo ông A Nang, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei thì xóa bỏ hủ tục, phong tục lạc hậu là việc làm thường xuyên, lâu dài. Vì còn một số người lớn tuổi họ vẫn duy trì, bởi hủ tục, phong tục đã ăn sâu vào tiềm thức và họ vẫn tin tưởng vào kết quả của việc thực hiện các hủ tục, phong tục. Chính vì thế, ngoài việc xây dựng kế hoạch thì Đảng ủy đã chỉ đạo UBND, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể bám thôn, làng tuyên truyền, vận động thường xuyên để người dân nhận thức đầy đủ những hệ lụy của các hủ tục, phong tục lạc hậu và dần xóa bỏ.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm để thoát nghèo

Với sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động, cuộc sống của đồng bào DTTS ở huyện Đăk Glei đang từng bước đổi thay, bà con chăm lo lao động sản xuất, phát triển kinh tế để nâng cao đời sống. Những kết quả đó cho thấy sự đúng đắn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, để các hủ tục, phong tục lạc hậu thực sự không còn là rào cản phát triển kinh tế - xã hội.

Ông A Lek (dân tộc Gié Triêng) ở thôn Bung Tôn, xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei chia sẻ: Xóa bỏ những hủ tục lạc hậu đó thì giúp cho bà con làm kinh tế tốt hơn. Như trước đây bảo là trâu, bò cắn người này kia thì cúng bái bằng trâu, bằng bò rất là khổ. Bây giờ xóa cái đó thì để trâu, bò mình chăn nuôi có kinh tế, bán lấy tiền để cải thiện đời sống cho gia đình.

Sau 3 năm triển khai Cuộc vận động, hiện có 1.678/3.324 hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Đăk Glei thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; có 1.662/3.324 hộ DTTS nghèo, cận nghèo biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương để nuôi, trồng, biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn tái đầu tư sản xuất; có 1.386/3.324 hộ DTTS nghèo, cận nghèo có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện... Đặc biệt, nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm và nguồn lực đầu tư từ Chương trình MTGQ 1719 đã giúp cho nhiều hộ đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đồng bào DTTS năm 2022 giảm 3,76%.

Gia đình anh A Vít ở Pêng Sal Pêng, xã Đăk Pék ổn định và vươn lên thoát nghèo nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Gia đình anh A Vít ở Pêng Sal Pêng, xã Đăk Pék ổn định và vươn lên thoát nghèo nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Từ một hộ nghèo, nhờ thay đổi phương thức sản xuất mà cuộc sống của gia đình anh A Vít (dân tộc Gié Triêng) ở Pêng Sal Pêng, xã Đăk Pék đã ổn định và vươn lên thoát nghèo. Anh A Vít kể: Trước đây thì gia đình chỉ biết trồng mì, trồng bời lời, sau khi được xã tuyên truyền, vận động thì năm 2021 gia đình đã vay vốn ưu đãi đầu tư xây dựng mô hình vườn, ao, chuồng. Hiện tại, gia đình đã nuôi được 06 con bò; hơn 100 con gà, vịt; ao cá hơn 200m2 và trồng hơn 3 ha rừng. Nhờ nuôi nhốt tập trung nên bò và gia cầm không bị dịch bệnh, mỗi năm thu nhập cũng được hơn 50 triệu đồng.

Cùng với đó, huyện Đăk Glei tăng cường vận động bà con trên địa bàn thay đổi nếp nghĩ, cách làm gắn với thực hiện chuyển đổi diện tích đất lúa rẫy, sắn bạc màu, kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Trong đó, tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, như: Cà phê, cao su, cây ăn quả, cây mắc ca, dược liệu.

Mô hình trồng cây nấm Linh chi đỏ dưới tán rừng của các hộ đồng bào DTTS xã Xốp
Mô hình trồng cây nấm Linh chi đỏ dưới tán rừng của các hộ đồng bào DTTS xã Xốp

Anh A Đâm (dân tộc Xơ Đăng) ở thôn Xốp Dùi, xã Xốp chia sẻ: Đầu năm 2023, 10 hộ gia đình được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 500 triệu đồng, các hộ đã chủ động học hỏi quy trình trồng và chăm sóc cây nấm Linh chi đỏ dưới tán rừng. Nhờ áp dụng đúng quy trình khoa học kỹ thuật, sau 3 tháng trồng, vườn nấm đang phát triển tốt, không bị bệnh. Với giá bán 1,5 triệu đồng/kg như hiện nay hứa hẹn sẽ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ gia đình.

Trong thời gian tới, huyện tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân đi tham quan, học tập một số mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, với phương châm “thấy tận mắt, nghe tận tai, sờ tận tay” để trên cơ sở đó về học tập phát triển kinh tế sản xuất; phân công đảng viên, đoàn viên, hội viên trực tiếp phụ trách, bám sát và gắn trách nhiệm với từng hộ nghèo nhằm hướng dẫn, theo dõi, giúp đỡ các hộ nghèo mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, nhất là nguồn lực hỗ trợ từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, với phương châm “xã bám thôn, thôn bám hộ”. Đối với các hộ thoát nghèo và đảng viên, đoàn viên, hội viên giúp đỡ hộ thoát được nghèo sau khi được UBND huyện tặng giấy khen sẽ tổ chức biểu dương, khen thưởng các hộ, cá nhân trước cộng đồng thôn, làng. Qua đó, nhằm động viên và khích lệ các hộ khác tiếp tục thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nỗ lực thi đua lao động sản xuất và vươn lên thoát nghèo - ông Thái Văn Tưởng, Bí thư Huyện ủy Đăk Glei khẳng định. 

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.