Do các yếu tố đặc thù về vị trí địa lý, địa bàn cư trú rộng, phong tục tập quán có nơi còn lạc hậu, trình độ dân trí còn thấp nên đời sống của đồng bào DTTS nơi đây gặp rất nhiều khó khăn.
Chính vì vậy, công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS luôn là một nhiệm vụ chính trị quan trọng được huyện Xín Mần đặc biệt quan tâm. Trong quá trình triển khai, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Xín Mần luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia, gắn với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Năm 2023, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719), cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Xín Mần đã tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ giữa các cấp, các ngành, giữa các chương trình gắn với kế hoạch, đề án trong phát triển kinh tế - xã hội. Công tác tổ chức bộ máy tham mưu chỉ đạo thực hiện từ huyện đến cơ sở được kịp thời củng cố, kiện toàn theo quy định.
Sau 2 năm triển khai thực hiện, đến nay cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện, hỗ trợ sản xuất, liên kết sản xuất được phân bổ kịp thời.
Xác định giao thông nông thôn có vị trí vô cùng quan trọng đối với vùng cao, nhiều năm qua huyện Xín Mần đã tận dụng linh hoạt, hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia và sức mạnh đoàn kết từ Nhân dân để đầu tư, nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và giữ vững an ninh quốc phòng.
Nhờ nguồn vốn đầu tư từ các chương trình xây dựng Nông thôn mới, 30a, 135, Chương trình MTQG 1719… đã tạo nguồn lực để huyện Xín Mần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã vùng biên giới, nhất là hệ thống giao thông liên thôn, liên xã đã được đầu tư xây dựng.
Như ở xã Pà Vầy Sủ, huyện Xín Mần được biết đến là vùng đất khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang. Toàn xã có 7 thôn, bản, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Với sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, đến nay hệ thống đường giao thông trong xã ngày càng được cải thiện đáng kể. Các con đường trục xã được đầu tư cứng hóa, đường từ trung tâm xã đi huyện đã được nhựa hóa đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện; 42,67% đường ngõ xóm, liên gia được cứng hóa. Đặc biệt, tuyến đường nối các thôn Khấu Sỉn, Ma Lỳ Sán, Mốc 172 đã được bê tông hóa tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế của địa phương.
Ông Lù Văn Lìn, thôn Si Khà Lá, xã Pà Vầy Sủ chia sẻ: “Trước đây, với đặc điểm địa hình chia cắt, hệ thống giao thông chưa được mở rộng nên việc giao thương của bà con trong xã rất vất vả. Những năm gần đây, nhờ có sự đầu tư của Nhà nước, các tuyến đường trên địa bàn xã đã mở rộng và bê tông hóa, việc đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa của người dân chúng tôi đã thuận lợi hơn rất nhiều”.
Giao thông thuận lợi đã mở ra điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc, đồng thời rút ngắn được khoảng cách giữa huyện và các xã vùng biên giới.
Bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, để giúp bà con ổn định sinh kế, huyện Xín Mần còn chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hoá, tận dụng lợi thế, thế mạnh sẵn có tại địa phương.
Huyện Xín Mần đã đưa các bộ giống tốt có năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đối khí hậu để sản xuất hàng hóa, bền vững; chuyển đổi cơ cấu cây trồng linh hoạt, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới. Sản xuất nông sản theo hướng chuyên sâu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn an toàn, phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đồng thời, huyện tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản theo chuỗi giá trị như: Mật ong, Ý dĩ, chè Shan tuyết, trà mướp đắng rừng, miến dong, gạo Già dui, nếp Quảng Nguyên, mận, lê, hồng không hạt…; khai thác hiệu quả các sản phẩm chỉ dẫn địa lý, sản phẩm hữu cơ, xây dựng thương hiệu, gắn truy suất nguồn gốc sản phẩm; thực hiện liên kết vùng để các sản phẩm đảm bảo đủ số lượng cung cấp ra thị trường.
Do địa hình của huyện phần lớn có độ dốc cao, đất trồng lúa phân bố rải rác trên địa bàn. Khả năng mở rộng đất trồng lúa từ các loại đất khác còn hạn chế. Vì vậy, tiềm năng đất trồng lúa của huyện trong những năm tới cần đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đưa vào sản xuất các giống lúa đặc sản để nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Bên cạnh đó, việc kiên cố hóa kênh mương thủy lợi và xây dựng thêm các phai đập, hồ chứa khiến nhiều diện tích hiện đang cấy 1 vụ có thể chuyển sang cấy 2 vụ, nâng cao năng suất và sản lượng.
Trong thời gian tới, Xín Mần định hướng phát triển ngành Nông nghiệp theo tiềm năng, lợi thế và đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán sản xuất của từng vùng trong huyện. Cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng chuyển dịch theo hướng đa canh, đa dạng hóa sản phẩm gắn với thị trường tiêu thụ. Tăng cường đầu tư thâm canh, ứng dụng các tiến bộ khoa học mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung có quy mô lớn, đưa các loại giống cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất để tăng giá trị trên một đơn vị diện tích, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa. Tận dụng và bảo vệ vốn rừng nguyên sinh góp phần tích cực trong việc nâng cao mức sống và tăng thu nhập cho người dân.