Quyết liệt đẩy lùi tảo hôn...
Phước Sơn có 11 xã và 1 thị trấn, với 42 thôn, tổ dân phố. Trong đó, 10 xã thuộc khu vực III, xã Phước Xuân và thị trấn Khâm Đức thuộc khu vực I. Dân số của huyện khoảng 28.000 khẩu, trong đó có 22 đồng bào DTTS sinh sống. Do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, phần lớn người dân chủ yếu làm nông nghiệp, làm nương rẫy, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Theo thông tin từ lãnh đạo Phòng Dân tộc Phươc Sơn, những năm trước đây, tình trạng tảo hôn còn cao, cá biệt có năm trên địa bàn diễn ra 40 trường hợp tảo hôn. Tuy nhiên những năm gần đây, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị, đoàn thể, trong đó các vấn đề về chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình được đặc biệt quan tâm, qua đó chấm dứt tình trạng hôn nhân cận huyết thống, số lượng tảo hôn trong vùng đồng bào giảm dần.
Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2022, số trường hợp tảo hôn trên địa bàn là 35 trường hợp; đến năm 2023, giảm xuống còn 24 trường hợp. Đến nay, nhờ sự quyết liệt của các cấp, các đơn vị, số trường hợp tảo hiện chỉ còn 15 trường hợp, chủ yếu ở các xã Phước Chánh, Phước Thành. Hiện nay, các địa phương cũng khẩn trương đẩy mạnh công tác truyên truyền, phổ biến pháp luật, nhằm tiến tới chấm dứt vấn nạn này.
Để có được thành quả tích cực này, phải nói đến vai trò rất lớn của cả hệ thống, trong đó cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, các trường học đang tiếp tục có sự quan tâm, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, huyện, các xã, thị trấn trong việc triển khai đề án. Cùng với đó, vai trò của lực lượng già làng, Người có uy tín, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, đội ngũ cộng tác viên ngày càng được phát huy, để chung tay thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động những trường hợp có nguy cơ tảo hôn tại địa phương hiểu được hệ lụy của vấn nạn này mà từ bỏ.
“Tuyên truyền về phòng chống tảo hôn được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, đa dạng và phong phú, trong đó chủ yếu nâng cao nhận thức của người dân đối với những huệ lụy mà tảo hôn gây ra, từ đó, người dân chủ động trong phòng, chống TH&HNCHT. Hơn nữa, xuất phát từ phương thức “mưa dầm thấm lâu”, thế hệ trẻ ngày nay ngày càng nâng cao nhận thức hơn, từ đó, từ bỏ dần tảo hôn”, ông Nguyễn Văn Bằng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Phước Sơn cho hay.
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Cũng theo ông Bằng, từ năm 2020 đến nay, Phòng Dân tộc huyện đã nỗ lực phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS”, giai đoạn 2016-2020, Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, giai đoạn 2021-2025”. Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn; tổ chức các hội thi sân khấu hóa trong các trường dân tộc nội trú, trung học phổ thông ở các huyện miền núi.
Cụ thể, trong giai đoạn 2020-2021, Phòng Dân tộc huyện phối hợp với Trung tâm Y tế tổ chức 5 buổi tuyên truyền bằng hình thức nghệ thuật sân khấu hóa, như: Chiếc nón kỳ diệu tại các trường THCS địa bàn các xã Phước Mỹ, Phước Năng, Phước Đức, Phước Hiệp, Phước Hòa cho 250 em học sinh từ lớp 8-9 tham gia cuộc thi với chủ đề “hãy nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”.
Tiếp đó, trong năm 2022-2023, Phòng phối hợp với Hội Nông dân, Trung tâm Y tế huyện tổ chức Hội nghị tuyên truyền về Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 2 trường: Trung học phổ thông Khâm Đức, Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện cho hàng trăm học sinh.
Bên cạnh đó, Phòng Dân tộc huyện Phước Sơn cũng tiến hành cấp phát gần 5.000 tờ rơi, 50 pano về tuyên truyền phòng, chống tảo hôn. Ngoài ra, còn tổ chức các buổi tập huấn cho lực lượng Người có uy tín, cán bộ thôn, xã về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Huyện còn triển khai mô hình điểm và mô hình chuyên đề “can thiệp và làm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại địa phương. Hiện nay, mô hình Câu lạc bộ “Xóa bỏ tập tục tảo hôn” vẫn được duy trì tại thôn 1, xã Phước Mỹ với 20 thành viên do Hội LHPN xã Phước Mỹ quản lý.
Đồng thời, từ năm 2021 đến nay, Phòng Dân tộc huyện đã phối hợp chặt chẽ với Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam và các ban, ngành liên quan, để lồng ghép nhiều nội dung trong việc tuyên truyền thực hiện Đề án giảm thiểu TH&HNCHT, như: Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên...
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị bằng nhiều giải pháp, phần nào đã đánh thức được ý thức tự giác, trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong việc tự giác chấp hành và hạn chế đến mức thấp nhất để xảy ra tình trạng tảo hôn trong gia đình của mình.
“Thông qua công tác tuyên truyền, vận động của các tổ tư vấn, can thiệp và mô hình giảm thiểu TH&HNCHT, đã giúp đồng bào DTTS nói riêng và người dân trên địa bàn huyện nói chung có nhận thức đầy đủ hơn về hậu quả, hệ lụy của vấn nạn trên đối với cá nhân, gia đình và xã hội. Từ đó, nhiều người có sự thay đổi trong hành vi, góp phần giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT ở địa phương”, ông Bằng nhìn nhận.