Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS &MN

Phước Sơn (Quảng Nam) đẩy lùi tập tục lạc hậu đối với người dân vùng đồng bào DTTS

Lê Anh - 07:28, 18/10/2024

Trong 2 ngày (ngày 16 và 17 tháng 10), huyện Phước Sơn tổ chức Chiến dịch truyền thông, nhằm bàn giải pháp xóa bỏ các tập tục lạc hậu và một số vấn đề cấp thiết cho phụ nữ, trẻ em vùng DTTS gắn với triển khai thực hiện Chỉ thị 27 về “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân vùng đồng bào DTTS, để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” của Ban Thường vụ Huyện ủy năm 2024. Chiến dịch truyền thông được tổ chức tại xã vùng cao Phước Chánh và thị trấn Khâm Đức.

Quang cảnh một buổi chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới cho người dân Phước Sơn
Quang cảnh một buổi chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới cho người dân Phước Sơn

Phước Sơn là huyện miền núi cao của tỉnh Quảng Nam, tiếp giáp với tỉnh Kon Tum, có dân số hơn 28.000 người. Huyện Phước Sơn có 24 thành phần dân tộc, trong đó, người Bhnong (Giẻ Triêng) chiếm 58,9%.

Những năm qua, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nên một số tập tục lạc hậu trong đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Phước Sơn dần được xóa bỏ; vị trí, vai trò của phụ nữ trên các lĩnh vực từng bước được cải thiện, tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái hoàn thành giáo dục tiểu học ngày càng cao. Tuy nhiên, vẫn còn những tập tục văn hóa lạc hậu và các vấn đề xã hội có hại cần có giải pháp thay đổi.

Chiến dịch truyền thông trên đã tập trung thảo luận các vấn đề, như: Việc kiêng cữ nhiều ngày của đồng bào DTTS trong ma chay, lễ hội; kiêng cữ về chết xấu, cúng ốm đau, thuốc thư (bùa ngải); tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, sinh đẻ tại nhà, tình trạng bạo lực gia đình…

Do các tập tục, phong tục liên quan đến tín ngưỡng, tâm linh trong đời sống sinh hoạt của đồng bào DTTS nên phần lớn giải pháp đưa ra là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong đồng bào DTTS, phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chuyên môn, già làng, trưởng bản về việc nhận diện, xác định các hủ tục, phong tục lạc hậu để xóa bỏ; đồng thời xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh.