Nhiều chỉ số đang lo ngại
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2023, dân số của tỉnh Tuyên Quang là 812.215 người, trong đó 56,7% là đồng bào DTTS. Quy mô dân số của tỉnh Tuyên Quang ước tính sẽ đạt 830.285 người vào năm 2025.
Điều này cho thấy, Tuyên Quang vẫn duy trì tỷ lệ tăng dân số tự nhiên. Ngoài ra, nhiều chỉ số đáng quan ngại về chất lượng dân số đã được UBND tỉnh Tuyên Quang nêu ra trong văn bản số 135/KH-UBND, ngày 28/12/2020 về Kế hoạch hành động giai đoạn 2021 – 2025 thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Kế hoạch số 135).
Một trong những vấn đề đáng quan tâm được nêu trong Kế hoạch số 135, là tuổi thọ trung bình của người dân Tuyên Quang thấp hơn bình quân chung cả nước (72,5 tuổi so với 73,6 tuổi tại thời điểm năm 2019).
“Tầm vóc, thể lực và sức bền của người dân chậm được cải thiện, tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh chỉ đạt 63 tuổi”, Kế hoạch số 135 của UBND tỉnh Tuyên Quang, nhận định.
Đặc biệt, trong Kế hoạch số 135, UBND tỉnh Tuyên Quang đánh giá, tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em sơ sinh, trẻ dưới 5 tuổi và tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi vẫn còn chênh lệch giữa các vùng; trẻ sinh ra bị khuyết tật chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt là tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn tồn tại ở một số vùng DTTS của tỉnh.
Trước thực trạng đó, trong Kế hoạch số 135, UBND tỉnh Tuyên Quang đã đặt mục tiêu nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần, tạo nền tảng cho sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh những chỉ tiêu chung cho tỉnh, thì Kế hoạch số 135 cũng đặt ra các chỉ tiêu riêng cho đồng bào DTTS.
Đơn cử, với chỉ tiêu giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi, chỉ tiêu chung của tỉnh là dưới dưới 9‰, còn với đồng bào DTTS là dưới 14‰; với trẻ em dưới 5 tuổi thì tỉnh đặt chỉ tiêu giảm tỷ suất tử vong xuống dưới 11‰, đối với DTTS là dưới 15‰;... Trong Kế hoạch số 135, tỉnh Tuyên Quang cũng phấn đấu đến năm 2025 giảm 50% số cặp tảo hôn, giảm 50% số cặp hôn nhân cận huyết thống;...
Can thiệp từ chính sách đồng bộ
Để nâng cao chất lượng dân số, một trong những ưu tiên của tỉnh Tuyên Quang trong những năm qua là phát triển mạng lưới y tế cơ sở. Với nguồn vốn được lồng ghép từ các chương trình, dự án, hiện các đơn vị y tế tuyến cơ sở trên địa bàn tỉnh cơ bản đều có đầy đủ các phòng chức năng theo quy chuẩn của Bộ Y tế, đảm bảo hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Theo Bác sỹ La Đăng Tái, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang, công tác củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới tiếp tục được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt tại Kế hoạch số 125/KH-UBND, ngày 01/7/2024. Trong đó, UBND tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 bảo đảm 100% các trạm y tế xã, phường, thị trấn được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ tốt cho công tác chuyên môn; 100% trạm y tế xã thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã;...
Những mục tiêu về phát triển mạng lưới y tế cơ sở đến năm 2030 nói riêng và mục tiêu nâng cao chất lượng dân số nói chung của tỉnh Tuyên Quang đã và đang được trợ lực kịp thời từ nguồn lực của Chương trình MTQG 1719. Ngoài vốn đầu tư hạ tầng thì các hoạt động liên quan thuộc các dự án thành phần trong Chương trình MTQG 1719 cũng can thiệp hiệu quả, góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách về chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Ma Quang Hiếu, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang, thực hiện Dự án 7 của Chương trình MTQG 1719, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh tập trung xây dựng và phát triển y tế cơ sở vùng DTTS; chăm sóc sức khoẻ, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em nhằm giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, nâng cao tầm vóc, thể lực người DTTS. Đây là những giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng dân số ở vùng DTTS của tỉnh.
“Ngoài ra, triển khai Tiểu dự án 2 của Dự án 9, tỉnh đã và đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động, nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS của tỉnh”, ông Hiếu, cho biết.
Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang, ông Ma Quang Hiếu, triển khai Tiểu dự án 1 – Dự án 9 thuộc Chương trình MTQG 1719 là sự tiếp nối thực hiện chính sách tại Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025” theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 498). Những năm qua, các hoạt động trong khuôn khổ Đề án 498 đã được tỉnh triển khai quyết liệt và đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Trên địa bàn tỉnh không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống, tình trạng tảo hôn cũng đã giảm. Thống kê của Ban Dân tộc tỉnh cho thấy, giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh có 10.043 cặp kết hôn, trong đó có 319 cặp vợ chồng tảo hôn, chiếm tỷ lệ 3,1%. Trước đó, trong giai đoạn 2017 – 2021, tỉnh có 797 cặp vợ chồng tảo hôn, chiếm 3,96% tổng số cặp kết hôn cùng thời điểm. Qua khảo sát từ năm 2015 đến năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 3 trường hợp kết hôn cận huyết thống.
“Trong năm 2024 và những năm tiếp theo, triển khai Chương trình MTQG 1719, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng DTTS. Tăng cường công tác y tế cơ sở, để đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khống chế dịch bệnh. Nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc sức khoẻ, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em, nhằm giảm tử vong bà mẹ, trẻ em, cải thiện và nâng cao tầm vóc, thể chất, tinh thần, tuổi thọ người DTTS trên địa bàn tỉnh”, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang, ông Ma Quang Hiếu, cho biết.
Mục tiêu nâng cao chất lượng dân số cho đồng bào DTTS cũng được Tuyên Quang lồng ghép thực hiện trong quá trình triển khai Dự án 8 thuộc Chương trình MTQG 1719; với các hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em tại các xã và thôn bản đặc biệt khó khăn, ưu tiên phụ nữ và trẻ em gái là người DTTS trong các hộ nghèo và người khuyết tật.