Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Văn Quan (Lạng Sơn): Khởi sắc nhờ thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Anh Khang - 21:48, 13/10/2024

Nhận thức rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 – 2025 (Chương trình MTQG 1719), cấp ủy đảng, chính quyền huyện Văn Quan đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để triển khai hiệu quả Chương trình. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào DTTS, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Thôn Khòn Cải, xã nông thôn mới Liên Hội, huyện Văn Quan nhìn từ trên cao.
Thôn Khòn Cải, xã nông thôn mới Liên Hội, huyện Văn Quan nhìn từ trên cao

Sự vào cuộc của chính quyền và người dân

Văn Quan là huyện miền núi, cách trung tâm thành phố Lạng Sơn 45km về phía Tây Nam. Đây là địa bàn sinh sống của 4 dân tộc anh em Tày, Nùng, Hoa và Kinh. Toàn huyện có 13.675/13.928 hộ là đồng bào DTTS, sinh sống tại 121 thôn, khu phố. Huyện có 16 xã, 1 thị trấn (trong đó có 8 xã và 65 thôn đặc biệt khó khăn; 9 xã, thị trấn khu vực I).

Với đặc thù là địa phương có tỷ lệ đồng bào DTTS sinh sống cao (97%), đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, vì vậy huyện rất quan tâm, chú trọng thực hiện các chính sách dân tộc và Chương trình MTQG. Từ các nguồn lực này, huyện đã đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ sản xuất cho người dân. Qua đó, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.

Bà Hoàng Thị Tuyết, Trưởng phòng Lao động, Thương binh - Xã hội và Dân tộc huyện Văn Quan cho biết: Thực hiện Chương trình MTQG 1719, chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản để triển khai Chương trình đúng theo quy định. Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, giải quyết những khó khăn, vướng mắc; báo cáo hằng tháng tiến độ giải ngân nguồn vốn, công tác kiểm tra, giám sát và báo cáo định kỳ, đột xuất cho UBND huyện và Ban Dân tộc tỉnh.

Huyện cũng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể và cộng đồng để phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò chủ thể của người dân trong việc tham gia thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, từng bước giảm nghèo cho vùng DTTS và miền núi.

Theo đó, UBND huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG 1719 huyện Văn Quan giai đoạn 2021-2025, ban hành quy chế hoạt động; kế hoạch triển khai Chương trình giai đoạn 2021-2025 và hằng năm. Các cơ quan, đơn vị, UBND các xã trên địa bàn đã xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Chương trình, đảm bảo hiệu quả, đồng bộ thống nhất trên địa bàn huyện. 

Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch trao tặng kinh phí hỗ trợ mua trang phục, đạo cụ cho Đội văn nghệ quần chúng thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan.
Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng kinh phí hỗ trợ mua trang phục, đạo cụ cho Đội văn nghệ quần chúng thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan

Trợ lực từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719

Tổng nguồn vốn huyện được giao thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2022 - 2024, là 257 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển trên 158 tỷ đồng; vốn sự nghiệp trên 99 tỷ đồng). Một số dự án thuộc Chương trình đã và đang được giải ngân đảm bảo kế hoạch, góp phần tạo chuyển biến, nâng cao đời sống đồng bào DTTS.

Đơn cử như triển khai thực hiện Tiểu Dự án 1: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi thuộc Dự án 4, giai đoạn 2022 – 2024, huyện Văn Quan đầu tư 28 công trình giao thông; thủy lợi, trường học; duy tu bảo dưỡng 8 công trình, với tỷ lệ giải ngân trung bình đạt trên 90%.

Đến nay, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã đều được cứng hóa rải nhựa hoặc bê tông, đường trục liên xã được cứng hoá đạt 91%, đường trục thôn, liên thôn đã cứng hóa đạt 75%, đường ngõ xóm, nội đồng đã cứng hóa đạt trên 70%. 100% thôn, xã trên địa bàn huyện đều được sử dụng điện lưới quốc gia. Nếu như năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chiếm 26,65%, thì đến nay tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn gần 10%.

Đoàn viên, thanh niên tham gia dọn dẹp đường nông thôn mới xã Tú Xuyên, huyện Văn Quan.
Đoàn viên, thanh niên tham gia dọn dẹp đường nông thôn mới xã Tú Xuyên, huyện Văn Quan

Hay như thực hiện Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch (Chương trình MTQG 1719), năm 2022 - 2023, huyện Văn Quan được hỗ trợ kinh phí đầu tư xây mới 2 nhà văn hóa (thôn Thanh Sơn, xã Khánh Khê và thôn Bản Thượng, xã Liên Hội), nâng cấp 3 nhà văn hoá (thôn Nà Bung, thôn Nà Súng, xã Điềm He; thôn Việt Yên, xã Liên Hội), tổng kinh phí 583 triệu đồng.

UBND các xã được giao làm chủ đầu tư đã xây dựng phương án cụ thể triển khai thực hiện, tăng cường công tác tuyên truyền, huy động xã hội hóa của người dân (xã hội hóa được 110 triệu đồng và huy động được 70 ngày công). Đến nay các nhà văn hóa thôn đã được xây dựng hoàn thành cơ bản các hạng mục, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa của Nhân dân. 

Riêng năm 2024, từ nguồn Dự án 6, đã hỗ trợ kinh phí đầu tư nâng cấp 2 nhà văn hoá tại thôn Khau Ngoà và Phù Huê, xã Trấn Ninh, tổng kinh phí 151 triệu đồng. UBND xã Trấn Ninh được giao làm chủ đầu tư, hiện nay tiến độ thi công đạt 80% kế hoạch. 

Đồng thời, hỗ trợ hoạt động cho 22 CLB, đội văn nghệ thôn, tổ dân phố trên địa bàn các xã, thị trấn, kinh phí trên 700 triệu đồng. Cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng văn hóa được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân; việc bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực cho văn hóa được đẩy mạnh; các câu lạc bộ được hỗ trợ kinh phí hoạt động, mua sắm trang phục, đạo cụ…, góp phần nhân rộng, duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Qua đó, góp phần nâng cao mức thụ hưởng văn hóa cho người dân và thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn. 

Bà Vy Thị Dung, thôn Nà Súng, xã Điềm He, huyện Văn Quan chia sẻ: Từ khi nhà văn hóa thôn được nâng cấp khang trang, sạch đẹp hơn, người dân chúng tôi có không gian để sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao, hội họp. Chúng tôi rất vui mừng phấn khởi, tích cực tham gia các hoạt động tại khu dân cư.

Toàn cảnh xã Hữu Lễ, huyện Văn Quan.
Toàn cảnh xã Hữu Lễ, huyện Văn Quan

Không chỉ 2 dự án trên, các dự án trong Chương trình MTQG 1719 đều được huyện Văn Quan triển khai tích cực, hiệu quả. Qua đó, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông được tập trung đầu tư, nâng cấp, bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều chuyển biến rõ nét...

Bà Triệu Lê Phượng, Chủ tịch UBND xã Liên Hội, huyện Văn Quan cho biết: Xã Liên Hội là xã vùng III đặc biệt khó khăn, xã có 805 hộ với hơn 3.500 nhân khẩu sinh sống tại 9 thôn. Nhân dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, lâm nghiệp kết hợp kinh doanh một số loại hình dịch vụ. Từ khi xã được thụ hưởng Chương trình MTQG 1719, cơ sở hạ tầng xã có sự thay đổi tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực; thu nhập bình quân đầu người đạt 42,26 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm còn 12,39%. Hiện nay, trên địa bàn xã không còn nhà tạm, nhà dột nát. Năm 2023 xã Liên Hội chính thức đạt chuẩn nông thôn mới.

Tin cùng chuyên mục
Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai làm việc với Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang

Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai làm việc với Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang

Đoàn công tác tỉnh Lào Cai do ông Lý Seo Vảng - Phó Trưởng Ban cùng công chức Ban Dân tộc và đại biểu Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Lào Cai vừa có chuyến công tác, học tập, trao đổi kinh nghiệm tại tỉnh Bắc Giang.