Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Tuyên Quang phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS

Khánh Thi - 16:55, 08/10/2024

Không chỉ với hệ thống di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh phong phú, tiềm năng phát triển du lịch, tỉnh Tuyên Quang còn được bồi đắp thêm bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các DTTS. Với việc triển khai hiệu quả Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 – 2030 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), tỉnh Tuyên Quang đã và đang gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, đưa tài nguyên trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo.

Người Pà Thẻn (ở thôn Hồng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình) tham gia nghề thêu, dệt thổ cẩm
Người Pà Thẻn (ở thôn Hồng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình) tham gia nghề thêu, dệt thổ cẩm

Nỗ lực bảo tồn

Theo số liệu thống kê về dân số năm 2023, tỉnh Tuyên Quang có 812.215 người nhân khẩu, thuộc 22 dân tộc thành phần dân tộc, trong đó, đồng bào DTTS chiếm khoảng 56% dân số của tỉnh. Mỗi dân tộc đều có các bản sắc văn hóa riêng, được bảo lưu trao truyền, bổ sung, sáng tạo qua các thế hệ.

Những gì tinh hoa nhất của văn hóa truyền thống đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã được kết tụ tại Ngày hội văn hóa các DTTS tỉnh Tuyên Quang năm 2024 (diễn ra từ ngày 22 – 24/8 vừa qua). Đây là một hoạt động trong khuôn khổ triển khai Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn trong năm 2024.

Tại buổi khai mạc, bà Âu Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Tuyên Quang, cho biết, kho tàng văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh được hình thành, phát triển qua quá trình đấu tranh sinh tồn, cải tạo thiên nhiên, lao động sản xuất và sinh hoạt hằng ngày. Những phong tục tập quán tốt đẹp, những tri thức dân gian được kết tinh trong các loại hình nghệ thuật truyền thống và các lễ hội của đồng bào DTTS đã tạo nên bức tranh đa sắc màu văn hóa của Tuyên Quang.

Ngành Du lịch tỉnh Tuyên Quang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ đón trên 3 triệu lượt khách du lịch, tổng thu xã hội từ du lịch đạt trên 4.800 tỷ đồng, đóng góp GRDP từ 6% trở lên, tạo việc làm cho trên 25.000 lao động.

Đến nay, tỉnh đã phục dựng 54 lễ hội, trong đó có 48 lễ hội truyền thống, 6 lễ hội văn hóa và nhiều di sản có giá trị khác của đồng bào các dân tộc. Tỉnh có 17 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ VHTT&DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam” được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, bà Mai cho biết.

Thành tựu hôm nay là một nỗ lực rất lớn của tỉnh Tuyên Quang trong bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, cách đây chưa đây 10 năm, kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang đã đưa ra những thông số đáng quan ngại.

Cụ thể, theo kết quả kiểm kê năm 2016, Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang đã thống kê 57 di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Tày trên địa bàn tỉnh thì có 28 di sản đang bị mai một; 133 di sản dân tộc Dao thì có 67 di sản đang bị mai một; 47 di sản dân tộc Nùng thì có 24 di sản đang bị mai một; 24 di sản dân tộc Mông thì có đó 12 di sản đang bị mai một; 04 di sản dân tộc Pà Thẻn thì có 03 di sản đang bị mai một;... 

“Nhận thức sâu sắc vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước nói chung, của tỉnh Tuyên Quang nói riêng, những năm qua, Sở VHTT&DL đã bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, kế hoạch, đề án của tỉnh, tích cực phối hợp với các địa phương triển khai nhiều hoạt động, nhiều chương trình nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn”, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Tuyên Quang, bà Âu Thị Mai, khẳng định.

Tiết mục văn hóa tại Ngày hội văn hóa các DTTS tỉnh Tuyên Quang năm 2024 (diễn ra từ ngày 22 – 24/8, tại Làng văn hóa dân tộc Cao Lan, thôn Động Sơn, xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn).
Tiết mục nghệ thuật tại Ngày hội văn hóa các DTTS tỉnh Tuyên Quang năm 2024 (diễn ra từ ngày 22 – 24/8, tại Làng văn hóa dân tộc Cao Lan, thôn Động Sơn, xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn)

Động lực từ Chương trình MTQG 1719

Từ năm 2021 đến nay, cùng với các địa phương vùng DTTS và miền núi, tỉnh Tuyên Quang triển khai các nội dung chính sách đầu tư, hỗ trợ thuộc Chương trình MTQG 1719. Đây là nguồn lực quan trọng, để tỉnh phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng DTTS; trong đó có bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch (Dự án 6).

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Tuyên Quang, ngày 18/7/2022, Sở đã ban hành Kế hoạch số 87/KH-SVHTTDL, để triển khai thực hiện Dự án 6, giai đoạn 2021 - 2025. Từ khi triển khai Dự án 6 đến nay, tỉnh luôn gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc; tạo nền tảng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp chung vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.

“Thực hiện Dự án 6, một trong những mục tiêu của tỉnh đến năm 2025 là khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc Pà Thẻn; tổ chức bảo tồn ít nhất 05 lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS tại các địa phương để khai thác, xây dựng thành sản phẩm phát triển du lịch”, ông Hòa chia sẻ.

Để hoàn thành mục tiêu của Dự án 6, thời gian qua, Sở VHTT&DL tỉnh Tuyên Quang cùng các địa phương đã tập trung triển khai các đề án, dự án bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch. Trong đó, tại xã Hồng Quang (huyện Lâm Bình) và xã Linh Phú (huyện Chiêm Hóa), đã và đang tập trung triển khai Đề án giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Pà Thẻn gắn với phát triển du lịch.

Du khách mặc trang phục phụ nữ Pà Thẻn trải nghiệm hái chè tại thôn Khuổi Hóp, xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa.
Du khách mặc trang phục phụ nữ Pà Thẻn trải nghiệm hái chè tại thôn Khuổi Hóp, xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa

Tại xã Linh Phú, theo bà Lâm Thị Hồng Ngân, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Chiêm Hóa, đồng bào Pà Thẻn sinh sống tập trung ở thôn Khuổi Hóp và thôn Nà Luông, với 62 hộ/279 khẩu. Từ nguồn vốn của Dự án 6, huyện đã triển khai mô hình du lịch cộng đồng homestay gắn với không gian văn hóa truyền thống dân tộc Pà Thẻn ở 03 thôn này, bước đầu đã thu hút khách du lịch.

Còn tại xã Hồng Quang (huyện Lâm Bình), đồng bào dân tộc Pà Thẻn sinh sống tập trung tại thôn Hồng Minh. Thôn có 170 hộ thì có 90% là đồng bào Pà Thẻn. Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lâm Bình, ông Cao Văn Minh cho biết, thực hiện Dự án 6, huyện tiếp tục mở các lớp truyền dạy nghề thêu, dệt thổ cẩm, đan lát, làm các dụng cụ lạo động sản xuất cho người Pà Thẻn ở thôn Hồng Minh.

“Việc tổ chức tập huấn, truyền dạy sẽ nâng cao nhận thức của đồng bào trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, huyện cũng tổ chức cuộc thi dệt thổ cẩm, qua đó nâng cao tay nghề, giữ gìn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống, xây dựng hình ảnh đẹp về vùng đất và người nơi đây với du khách”, ông Minh chia sẻ.

Chia sẻ về định hướng trong thời gian tới, bà Âu Thị Mai, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Tuyên Quang cho rằng, công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần để phát triển kinh tế - xã hội bền vững là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân nhằm duy trì, phát triển những giá trị, bản sắc văn hóa tốt đẹp, tạo nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.