Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bản người Mông ở Suối Tôn đẩy lùi hủ tục

Quỳnh Trâm - 08:47, 30/07/2024

Những năm qua, với nỗ lực của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, cùng với các sở, ngành, hệ thống chính trị từ cấp huyện đến thôn, bản ở huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS đẩy lùi hủ tục ra khỏi cuộc sống, đã tạo nên cuộc cách mạng trong nhận thức của đồng bào Mông ở Suối Tôn, xã Phú Sơn về thực hiện tang lễ cho người chết. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nếp sống văn hóa mới và công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội ở xã miền núi này.

Bản Suối Tôn, xã Phú Sơn cách thị trấn Hồi Xuân, Quan Hóa (Thanh Hóa) khoảng 40km, được thành lập năm 1998, sau khi bà con di cư từ các tỉnh Yên Bái, Sơn La đến sinh sống. Bản Suối Tôn hiện có 82 hộ, 468 nhân khẩu. Bà con chủ yếu thu nhập từ nghề trồng trọt, chăn nuôi. Ngoài ra, bản cũng có một số lao động thanh niên đang làm việc ở các công ty, nhà máy trong và ngoài tỉnh.

Công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ, góp phần xóa bỏ hủ tục trong đồng bào dân tộc Mông, tỉnh Thanh Hóa
Công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ, góp phần xóa bỏ hủ tục trong đồng bào dân tộc Mông, tỉnh Thanh Hóa

Bí thư Chi bộ Giàng A Chu chia sẻ, khoảng 10 năm trước, khó khăn nhất của bản là đường giao thông. Con đường vào bản nhỏ, hẹp, dốc hiểm trở nên cản trở sự phát triển của bà con, vì vậy cuộc sống của bà con rất bấp bênh, chủ yếu là nay đây mai đó, sống dựa vào đồi núi, đồi núi hết màu mỡ lại di chuyển đến nơi khác. 

Khi đến ở Suối Tôn, bà con đã được cán bộ tuyên truyền, giải thích về hệ lụy của di cư không chỉ làm bà con đói cơm, thiếu gạo mà con cháu không được đi học và ảnh hưởng đến đất đai, rừng núi. Cùng với việc tuyên truyền, Nhà nước đầu tư mở đường giao thông vào tận bản, nên bà con cũng dần nhận thức việc ổn định cuộc sống, không còn di cư tự do nữa.

"Tuy nhiên, trong đồng bào Mông vẫn còn một số hủ tục vẫn tồn tại, như tình trạng tảo hôn; ma chay thờ cúng dài ngày gây tốn kém, người mất cũng không đưa vào quan tài gây ảnh hưởng đến môi trường...", Bí thư Chi bộ Giàng A Chu cho hay. 

Trước thực tế này, bằng nhiều cách làm những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, được sự vận động, tuyên truyền, giải thích của nhiều cấp, ngành ở địa phương, từ đó đã thay đổi nhận thức của bà con. Hiện nay, người dân trong bản chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; thực hiện nếp sống văn hóa mới trong ma chay, cưới hỏi. Người mất đã được đưa vào quan tài, không mổ trâu bò ăn uống linh đình gây tốn kém, không để người mất trong nhà quá 24 tiếng.

Người Mông ở bản Suối Tôn đã biết đưa các nghề thủ công về làm, góp phần tăng thêm thu nhập, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc
Người Mông ở bản Suối Tôn đã biết đưa các nghề thủ công về làm, góp phần tăng thêm thu nhập, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc

Theo Bí thư Chi bộ Giàng A Chu, hầu hết các hộ trong bản đã ký cam kết, chấp hành việc đưa người mất vào quan tài nhưng bản vẫn còn 8 hộ chưa đồng ý, vì lý do sợ đưa người mất vào quan tài rồi, người sống bị người mất quở phạt, bị ốm đau, không có ông thầy mo, thầy cúng làm lễ trừ con ma quấy phá. Chi bộ, Ban quản lý bản và các đoàn thể trong bản đã thống nhất chủ trương tiếp tục tuyên truyền cho các hộ còn lại thực hiện theo nếp sống văn hóa mới.

"Còn một khó khăn khác là, bản đã quy hoạch khu nghĩa địa, tuy nhiên do chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ cho 5 hộ nhường đất nên việc chôn cất người mất vẫn diễn ra trong dòng họ. Bản mong các cấp, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn này”, Bí thư Chi bộ Giàng A Chu đề xuất.

Thời gian qua, bám sát Kế hoạch số 60/KH-UBND, ngày 01/4/2021 của UBND tỉnh, huyện Quan Hóa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Mông thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ theo đúng quy định, trong đó nòng cốt là các già làng, trưởng bản, Người có uy tín, trưởng các dòng họ làm gương để các hộ đồng bào Mông làm theo. Với sự vào cuộc tích cực từ huyện đến xã và cán bộ bản, đến nay đồng bào dân tộc Mông ở bản Suối Tôn nói riêng và nhiều bản đồng bào Mông trên địa bàn huyện nói chung đã từng bước thay đổi về nhận thức.

Ông Nguyễn Văn Thao, Bí thư Đảng ủy xã Phú Sơn, huyện Quan Hóa, cho biết: Tuy bản Suối Tôn đã có nhiều đổi thay đáng mừng, song vẫn còn đó những khó khăn. Cả bản vẫn còn trên 72 hộ nghèo. Tỷ lệ người Mông chưa biết tiếng phổ thông vẫn còn nhiều, nên việc tiếp nhận các thông tin, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vẫn còn hạn chế. Vì vậy, riêng với bản Suối Tôn, xã đã tăng cường cán bộ công chức vào sinh hoạt với Chi bộ bản; chú trọng phát huy sức mạnh của các tổ chức chính trị xã hội của xã trong công tác tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa mới, tham gia tích cực phong trào thi đua, xóa đói giảm nghèo cho bà con Nhân dân.

Đời sống của bà con người Mông ở bản Suối Tôn đã văn minh, sung túc hơn khi quyết đầy lùi hủ tục
Đời sống của bà con người Mông ở bản Suối Tôn đã văn minh, sung túc hơn kể từ khi chính quyền và người dân quyết tâm đầy lùi hủ tục

Theo ông Hà Văn Nhiệt, Trưởng phòng Dân tộc huyện Quan Hóa cho biết: Một trong những giải pháp hiệu quả việc đẩy lùi hủ tục ra khỏi đời sống của đồng bào Mông trên địa bàn, là địa phương đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, đặc biệt là tuyên truyền theo cách "mưa dầm thấm lâu" và cán bộ, đảng viên người Mông làm gương thực hiện trước. Từ đó, đồng bào Mông đã từng bước thay đổi nhận thức, người mất được đưa vào quan tài, không để quá lâu, thực hiện đúng theo quy ước, hương ước của bản

Phát huy kết quả từ những giải pháp đã và đang thực hiện những năm qua tại các bản người Mông, huyện Quan Hóa tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Trong đó, thực hiện tốt giải pháp là vận động đảm bảo 100% trưởng dòng họ, trưởng bản, Người có uy tín có văn bản cam kết thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ theo đúng quy định. Đồng thời, nâng cao chất lượng phong trào xây dựng làng, bản văn hóa gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.