Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thọ Xuân (Thanh Hóa): Làng nghề góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động địa phương

Quỳnh Trâm (CĐ) - 17:28, 26/01/2022

Huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa là một trong những vùng “đất nghề” của xứ Thanh. Trong đó, nhắc đến các loại đặc sản đặc trưng của địa phương, thì những sản phẩm như bánh gai Tứ Trụ (làng Mía, xã Thọ Diên), bánh lá răng bừa Xuân Lập, hay kẹo lạc Đức Giang… không phải là cái tên xa lạ với người dân ở nhiều địa phương trên địa bàn cả nước.

Tại Xuân Lập trung bình mỗi ngày các cơ sở sản xuất bánh răng bừa làm ra từ 2.000 - 3.000 cái bánh để cung cấp ra thị trường
Tại Xuân Lập, trung bình mỗi ngày các cơ sở sản xuất bánh răng bừa làm ra từ 2.000 - 3.000 cái bánh để cung cấp ra thị trường

Từ khi đặc sản kẹo lạc Đức Giang và nghề làm bánh lá răng bừa tại xã Xuân Lập,. được công nhận là sản phẩm OCOP năm 2019, những năm gần đây mức tiêu thụ về sản phẩm này tăng nhanh và được nhiều khách hàng ưa chuộng, đặc biệt vào các dịp lễ Tết.

Nhiều hộ làm nghề bánh răng bừa tại Xuân Lập chia sẻ, trung bình mỗi ngày các cơ sở sản xuất làm được từ 2.000 - 3.000 cái để cung cấp ra thị trường.

Theo người dân nơi đây, để có một chiếc bánh lá răng bừa đạt chất lượng, thì gạo làm bánh phải là loại gạo tẻ 13/2, dẻo và thơm ngon, do người dân xã Xuân Lập gieo trồng. Lá để gói bánh thường là lá chuối tươi ở vườn nhà (lá chuối ngự hoặc lá chuối hột), lá không quá non cũng không quá già. Nhân bánh gồm có thịt lợn nạc vai băm nhỏ trộn với hành khô, mộc nhĩ và nêm các gia vị như hạt tiêu, muối trắng vừa phải, sau đó đem xào chín cho nhân vừa đậm đà…

Hiện, toàn xã có khoảng 240 hộ sản xuất, kinh doanh bánh lá răng bừa, mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 12 triệu chiếc bánh, doanh thu hơn 20 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho hơn 300 lao động, với thu nhập bình quân từ 3 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Kẹo lạc Đức Giang tại xã Phú Xuân đang được đóng gói hàng hóa, hoàn thiện sản phẩm để phục vụ thị trường Tết
Kẹo lạc Đức Giang tại xã Phú Xuân đang được đóng gói hàng hóa, hoàn thiện sản phẩm để phục vụ thị trường Tết

Hay như làng sản xuất kẹo lạc Đức Giang tại xã Phú Xuân. Vào dịp Tết nguyên đán,  không khí sản xuất nơi đây rất sôi động. Theo lãnh đạo Công ty TNHH Đức Giang, để có được sản phẩm kẹo ngon, phải chọn nguyên liệu chuẩn. Lạc sau khi loại bỏ những hạt sâu, lép, rang vàng, trộn thật nhanh và đều tay với mạch nha đã nấu chín. Sau đó, đổ hỗn hợp kẹo ra một tấm phản có trải bột gạo rang phía dưới, cán thành phên mỏng, cắt thành từng thanh dài 5cm. Thao tác cán, cắt kẹo phải làm thật nhanh vì mạch nha để nguội sẽ bị cứng, cắt sẽ bị vỡ vụn.

Vào những dịp Tết, Công ty cung cấp ra thị trường khoảng 3-4 tấn kẹo lạc, với giá bán khoảng 100.000 đồng/kg đối với kẹo lạc; 120.000 đồng/kg đối với kẹo gạo lứt. Hiện, cơ sở này đang tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, với lương từ 4-6 triệu/người/ tháng.

Bánh gai Tứ Trụ mang hương vị đặc biệt riêng so với bánh gai nơi khác
Bánh gai Tứ Trụ nổi tiếng gần xa, bởi hương vị luôn khác biệt so với bánh gai ở nhiều địa phương khác

Bên cạnh kẹo lạc, bánh răng bừa, nghề làm nem nướng ở thị trấn Thọ Xuân và xã Xuân Bái, nghề làm bánh gai Tứ Trụ xã Thọ Diên luôn bận rộn, đặc biệt là vào dịp Tết cổ truyền hay các ngày lễ, kỷ niệm của địa phương, đất nước, bởi sản phẩm bánh gai Tứ Trụ đã nức tiếng xa gần nhiều năm qua.

 Cùng với đặc sản về ẩm thực, thì nghề mộc truyền thống cũng là một trong những ngành nghề công nghiệp nông thôn đang mang lại doanh thu lớn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân ở Thọ Xuân. Theo thống kê của UBND huyện Thọ Xuân, hiện nay, nghề mộc được duy trì và phát triển tại 8/30 xã, thị trấn, mang lại giá trị kinh tế khoảng 60 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho hơn 600 lao động, với thu nhập trung bình từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Theo lãnh đạo huyện Thọ Xuân, những năm gần đây, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm của huyện Thọ Xuân đạt gần 16%. Kết quả này, góp phần đưa huyện được công nhận huyện nông thôn mới từ năm 2019.

Các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng tiếp tục tăng trưởng khá; dịch vụ, thương mại phát triển đa dạng, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Công tác quy hoạch, xây dựng đô thị đạt kết quả tích cực; bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Hiện nay, huyện Thọ Xuân có thêm 05 xã nông thôn mới nâng cao, 05 thôn nông thôn mới kiểu mẫu; có 07 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao, 01 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao. Đây là các tiền đề, động lực quan trọng để huyện Thọ Xuân đến năm 2023 trở thành huyện nông thôn mới nâng cao, năm 2025 trở thành một trong 3 huyện dẫn đầu các phong trào của tỉnh Thanh Hóa, đến năm 2030, trở thành thị xã Thọ Xuân.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.