Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tất bật làng miến dong Ngọc Liên mùa Tết

Quỳnh Trâm - 09:51, 17/01/2022

Hàng năm cứ vào độ tháng 10 âm lịch, người dân xã Ngọc Liên, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) lại tất bật vào vụ làm miến dong. Nghề làm miến ở đây đã có từ lâu đời. Miến dong Ngọc Liên cũng trở thành thương hiệu quen thuộc đối với khách hàng trong tỉnh, và nhiều tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước như, Hà Nội, Hưng Yên, Bình Dương... nhờ chất lượng tốt.

Người dân xã Ngọc Liên làm miến dong theo phương pháp thủ công
Người dân xã Ngọc Liên làm miến dong theo phương pháp thủ công

Có mặt tại xã Ngọc Liên vào dịp cuối năm, chứng kiến sự hối hả, bận rộn của người dân làm nghề miến dong. Ở đây, thấy mùa miến dong có nghĩa là Tết đã đến gần. Bởi sản phẩm miến dong chủ yếu cung cấp và tiêu thụ nhiều nhất trong dịp đón năm mới của người Việt.

Anh Đỗ Viết Chuyên, chủ hộ có hơn 20 năm gắn bó với nghề làm miến chia sẻ, miến dong Ngọc Liên cũng từng đứng trước sự cạnh tranh, với các sản phẩm miến dong sản xuất công nghiệp trên thị trường với giá thành rẻ. Tuy nhiên, với quyết tâm giữ hương vị riêng của đặc sản quê nhà, các hộ người Mường ở đây quyết tâm giữ nghề, nghiên cứu để có bí quyết riêng cho sản phẩm.

Để sản phẩm chất lượng và giữ được chân người tiêu dùng, những người làm miến dong luôn tuân thủ nguyên tắc như: Không dùng hóa chất tẩy trắng, không pha phẩm màu, không chất bảo quản, miến được làm hầu hết bằng thủ công. Khi ăn, sợi miến không cứng, có độ giòn tự nhiên, giữ nguyên vị thơm mùi dong riềng.

Công đoạn phơi miến dong của người dân
Công đoạn phơi miến dong của người dân

Theo anh Chuyên, trước đây, khi chưa có máy móc hỗ trợ, các hộ gia đình làm miến với năng suất thấp, lấy công làm lãi là chính. Tuy nhiên, gần đây, họ đã có máy hỗ trợ như máy rửa dong, nghiền bột và cán sợi. Nhờ đó năng suất cao hơn, đáp ứng được nhu cầu lớn của thị trường.

Theo ước tính, mùa làm miến năm nay, gia đình anh cung cấp cho thị trường khoảng 4 tấn sản phẩm, đạt doanh thu khoảng 360 triệu đồng, giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động địa phương. Sản phẩm của gia đình anh được tiêu thụ tại hơn 20 điểm kinh doanh trong tỉnh và cung cấp đi các tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Hưng Yên, Bình Dương...

Tại xã Ngọc Liên hiện có 50 hộ làm miến dong, trong đó, có 20 hộ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh thường xuyên, quy mô lớn. Để chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất, người dân trong xã đã phát triển được hơn 20 ha trồng dong riềng đỏ.

Củ dong riềng được bà con trồng vào tháng 1, tháng 2 hằng năm, nhờ đất màu mỡ và hợp khí hậu, củ dong riềng ở đây phát triển tốt và cho củ to hơn nơi khác. Để đến dịp đầu tháng 10 âm lịch hằng năm, cây dong riềng được thu hoạch cũng là thời điểm người dân trong xã bắt tay vào vụ sản xuất miến.

Vùng nguyên liệu miến dong xã Ngọc Liên đã phát triển được hơn 20 ha
Vùng nguyên liệu miến dong xã Ngọc Liên đã phát triển được hơn 20 ha

Chị Dư Thị Phương, thôn 4, xã Ngọc Liên cho biết, quá trình làm miến dong tương đối cầu kỳ, củ dong được thu hoạch, rửa sạch bỏ rễ rồi đưa vào máy nghiền. Hỗn hợp sau khi nghiền sẽ được lọc nhiều lần với nước sạch để loại bỏ chất bẩn cho đến khi nước trong lắng lấy bột. Tinh bột này sẽ được đem đi phơi khô để thu được bột dong giềng nguyên chất nhất. Những mẻ bột dong này sẽ để được cả năm, giúp người làm miến ở xã Ngọc Liên có thể chủ động trong khâu sản xuất miến. Bột dong riềng sau khi qua sơ chế, ngâm ủ, lọc tạp chất sẽ được đem đi tráng thành bánh.

Công đoạn tráng bánh hoàn toàn thủ công, nên sợi miến chín đều và đòi hỏi sự khéo léo, tỷ mẩn của người làm nghề. Muốn sợi miến đều, đẹp thì phải tráng mỏng, đều tay, căn lượng bột và thời gian vừa đủ.

“Nhờ nghề làm miến dong mà nhiều phụ nữ trong xã có việc làm, không phải đi lao động xa nhà. Vào dịp Tết, chúng tôi bận rộn làm đêm làm ngày để tranh thủ thời gian, miến làm ra không lo ế”, chị Phượng nói.

Ông Phạm Phú Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Liên, cho biết: Nghề làm miến mang lại doanh thu hơn 3 tỷ đồng/năm cho địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Sau mỗi vụ làm miến, hộ sản xuất thu được lợi nhuận từ 20 - 30 triệu đồng/hộ; có những hộ đạt hàng trăm triệu đồng.

Để hỗ trợ người dân ổn định thị trường tiêu thụ cho sản phẩm miến dong, UBND xã đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất miến dong Ngọc Liên, gồm 10 hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm miến dong. Bên cạnh đó, UBND xã còn phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện Ngọc Lặc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm miến dong của địa phương. Đồng thời, năm 2021, xã cũng đã hoàn chỉnh hồ sơ để tham dự Chương trình OCOP cấp tỉnh.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.