Phát triển trong đại dịch
Mặc dù, bị ảnh hưởng rất lớn của đại dịch Covid-19, song bằng nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tế, nhiều địa phương ở Thanh Hóa đã thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép": vừa chống dịch vừa đẩy mạnh việc thực hiện phát triển sản xuất. Theo đó, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn đạt 3,58%; sản lượng lương thực đạt 1,611 triệu tấn; diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đạt 7.732 ha, chuyển đổi 2.174 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn.
Bên cạnh đó, duy trì và tiếp tục phát triển chăn nuôi trang trại tập trung; toàn tỉnh hiện có 39 khu, cụm trang trại chăn nuôi tập trung; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp; toàn tỉnh, hiện có 989 doanh nghiệp; có 739 HTX nông nghiệp.
Đặc biệt, trong năm 2021, tỉnh đã rà soát, tổng hợp được 120 sản phẩm có lợi thế và đưa vào thực hiện theo chương trình OCOP; đã tổ chức đánh giá 111 sản phẩm OCOP, trong đó, hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận 89 sản phẩm OCOP.
Công tác giải quyết việc làm được các cấp ngành chú trọng thực hiện đồng bộ phát triển thị trường lao động và hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong cách ly.
Ước tính năm 2021, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 67.190 lao động, trong đó: có 6.030 lao động được đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Tỷ lệ lao động có việc làm dự kiến đạt 94%.
Kết quả trên, đã góp phần quan trọng vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, ước thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2021 đạt 40,068 triệu đồng (tăng 6,168 triệu đồng so với năm 2020). Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,52%. (Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025 lại tăng ở mức 6,74% (tăng 5,23% so với năm 2020).
Cũng trong năm 2021, Thanh Hóa có gần 390 xã đạt tiêu chí thu nhập, so với năm 2020 tăng 2,91%.
11 huyện đạt tiêu chí nông thôn mới
Năm 2021, mặc dù Trung ương và tỉnh không phân bổ vốn đầu tư trực tiếp cho Chương trình, nhưng Thanh Hóa tiếp tục cân đối nguồn vốn, hỗ trợ cho các địa phương từ nguồn thu đấu giá cấp quyền sử dụng đất và các nguồn vận động khác.
Năm 2021, toàn tỉnh có 87,5% số xã đạt tiêu chí giao thông; 95,9% số xã đạt tiêu chí thủy lợi; 97% số xã đạt tiêu chí điện; 84,3% số xã đạt tiêu chí trường học; 86% số xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa; 92% số xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn.
Cũng trong năm qua, tỉnh có thêm 3 đơn vị cấp huyện, 24 xã và 138 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM. Ngoài ra, 26 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 4 xã và 82 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 89 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh với 66 sản phẩm 3 sao và 23 sản phẩm 4 sao. Đặc biệt, tỉnh vinh dự có 1 sản phẩm 4 sao được Trung ương nâng hạng lên 5 sao (đạt 111% kế hoạch).
Lũy kế đến nay, Thanh Hóa có 11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 341 xã trong tổng số 465 xã và 809 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM. Trong đó, 48 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 5 xã và 145 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Số xã đạt về tiêu chí trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn lần lượt là 84,3%, 86% và 92%. Đáng chú ý, các tiêu chí duy trì tỷ lệ số xã đạt hoặc tăng 1-4%.
Sau 12 năm triển khai xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn, miền núi Thanh Hóa có nhiều thay đổi. Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội của các địa phương, đặc biệt là vùng miền núi đã có bước phát triển; đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào được cải thiện rõ rệt, người nghèo đã tiếp cận thuận lợi và đầy đủ hơn các chính sách trợ giúp của Nhà nước; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường và củng cố.