Sẵn sàng hiến đất…
Không chỉ nổi tiếng làm kinh tế giỏi, nhiều năm qua ông Y Blăm Niê ở buôn Rlat, xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ còn là tấm gương sáng hết lòng vì cộng đồng buôn làng.
Buôn Rlat, xã Ea Drông chủ yếu đồng bào Ê đê sinh sống. Nhiều năm không có nhà văn hóa cộng đồng khiến cho việc họp, các sinh hoạt văn hóa cộng đồng trong buôn gặp nhiều khó khăn. Năm 1999, Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho buôn xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, nhưng khu vực trung tâm của buôn lại không còn đất công. Nghe tin như vậy, ông Y Blăm đã viết đơn tự nguyện hiến 250m2 đất vườn xây dựng nhà văn hóa cộng đồng.
Chưa dừng lại ở đó, năm 2004 Trường Tiểu học Trần Quốc Toản xây dựng điểm trường tại buôn Ralt, nhưng không có đường vào, ông Y Blăm sẵn sàng phá bỏ hơn 100 trụ tiêu của gia đình, hiến 1,5m đất chiều ngang, 60m chiều dài và vận động hai hộ dân trong buôn, mỗi hộ hiến thêm 1,5m chiều ngang, 50m chiều dài để có con đường rộng rãi, sạch sẽ, trẻ em đến trường được thuận tiện hơn.
Ông Y Blăm chia sẻ: Hồi đó mỗi khi buôn tổ chức lễ hội truyền thống hay họp buôn, phải mượn nhà dân có sân rộng nên việc huy động đồng bào tham gia rất khó khăn, nhất là những hộ ở xa. Rồi chứng kiến cảnh trẻ con trong buôn khó khăn khi đến trường vì không có đường đi, con chữ vơi dần, tôi đã hiến đất rồi vận động người dân cùng chung sức. Cũng may người dân ai cũng đồng tình vì mục tiêu chung.
Hay như gia đình ông A Ma Nhí (dân tộc M’nông) ở buôn Khanh, xã Cư Pui, huyện Krông Bông. Mặc dù, điều kiện kinh tế còn khó khăn, đất sản xuất không nhiều, nhưng gia đình ông có rẫy kề lối đi qua suối. Thấy người dân đi làm rẫy qua đây không có đường, ông tự nguyện hiến 235m2 đất rẫy và vận động một số hộ dân gần đó hiến gần 800m2. Nhờ đó, mà bà con có đường rộng rãi để đi lại, thuận lợi sản xuất phát triển kinh tế.
Đây chỉ là 2 trong số hàng trăm hộ gia đình đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tự nguyện hiến đất xây dựng quê hương ngày càng khang trang.
Theo báo cáo, sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, tỉnh Đắk Lắk đã huy động gần 40 nghìn tỷ đồng. Trong đó, các hộ dân đã đóng góp tiền mặt khoảng hơn 2,8 nghìn tỷ đồng, hiến trên 1,7 triệu m2 đất, hơn 252 nghìn ngày công lao động... để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn như: đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, sân thể thao, nhà văn hóa...
Nhờ đó mà đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk có 66 xã đạt chuẩn NTM chiếm tỷ lệ 43,42%; bình quân toàn tỉnh đạt 15,52 tiêu chí/xã. Tuy nhiên số xã đạt chuẩn NTM vẫn còn thấp so với cả nước (cả nước có 66,46% xã đạt chuẩn NTM, vùng Tây Nguyên có 52,88% đạt chuẩn NTM).
…để buôn làng phát triển, đi lên
Xã Ea Ral, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk có 15 thôn, buôn, trong đó đồng bào DTTS chiếm gần 1 nửa. Xuất phát điểm chỉ 2/19 tiêu chí, sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, xã Ea Ral đã chuyển mình ngoạn mục.
Ông A Bul Adrơng ở buôn A Riêng chia sẻ: buôn mình đã thay đổi rất nhiều, đường xá mở rộng, đổ bê tông sạch đẹp thuận tiện cho bà con đi lại sản xuất, giao thương hàng hóa. Không những có đường đẹp, còn có điện đường chiếu sáng trên mọi nẻo đường nông thôn, đêm đến bà con không còn phải cầm đèn soi đường nữa.
Nhờ có sở hạ tầng khang trang, đường xá đi lại thuận tiện cho sản xuất, giao thương hàng hóa, mà đời sống của người dân ngày càng được nâng lên. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của người xã Ea Ral lên 40 triệu đồng/người/năm.
Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo nhấn mạnh: toàn huyện có 7/11 xã đạt chuẩn NTM, số tiêu chí bình quân đạt 17,4 tiêu chí/xã. Thu nhập bình quân đầu người đạt 48,89 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 7% vượt kế hoạch Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra.
Một thành công lớn trong xây dựng NTM trên địa bàn huyện, là huy động đa dạng các nguồn lực thực hiện Chương trình. Thời gian tới, huyện Ea H’leo sẽ tiếp tục phát huy tính dân chủ, đoàn kết, huy động mọi nguồn lực để triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Phấn đấu đến năm 2025, huyện sẽ hoàn thành 11/11 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Theo ông Dương Tín Đức, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Đắk Lắk, Chương trình xây dựng NTM không chỉ thay đổi bộ mặt nông thôn, mà đời sống của người dân được nâng lên đáng kể. Cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ. Sản xuất nông nghiệp chuyển đổi theo hướng bền vững hơn, đa dạng các loại hình tổ chức sản xuất...,thành quả đó có sự góp công rất lớn của người dân, trong đó có đồng bào DTTS.
Tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, có 4 đơn vị cấp huyện, 100 xã đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020 (đạt 73,8 triệu đồng/người/năm).
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Đắk Lắk xác định vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược; tái cơ cấu nông nghiệp cùng với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm là then chốt, nông dân là chủ thể.