Con đường từ TP. Bắc Kạn về xã Kim Lư dài khoảng hơn 70km, đi qua những đoạn đèo quanh co, khúc khuỷu. Nhìn những tuyến đường vào các thôn, bản của xã Kim Lư đã được bê tông hóa phong quang, sạch sẽ, trường học khang trang, nhiều khu dân cư được chỉnh trang sạch đẹp… không ai nghĩ chỉ cách đây 5 năm về trước, nơi đây vẫn là một vùng quê nghèo, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Kim Lư là xã miền núi, có đông đồng bào DTTS sinh sống. Trước năm 2015, toàn xã chỉ có 4km đường bê tông, cơ sở hạ tầng (trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn, bản…) xuống cấp trầm trọng. Xã chỉ đạt được 4 - 5 tiêu chí, những tiêu chí còn lại rất khó để thực hiện. Tỷ lệ hộ nghèo ở Kim Lư khá cao, chiếm trên 58%, thu nhập bình quân chỉ đạt 13 triệu đồng/người/năm.
Trong quá trình thực hiện Chương trình 135 hỗ trợ các xã ĐBKK vùng DTTS và miền núi, xã Kim Lư được đầu tư phương tiện sản xuất, cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, từ nguồn vốn Chương trình xây dựng NTM, Chương trình 135, Kim Lư đã được đầu tư và huy động được hơn 17 tỷ đồng, gồm cả tiền mặt và vật chất, ngày công lao động, hiến đất từ Nhân dân, qua đó đã xây dựng được nhiều công trình hạ tầng đồng bộ, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt hơn 19%. Toàn xã đã làm được hơn 17km đường bê tông nông thôn…
Trong quá trình thực hiện Chương trình 135, xã Kim Lư cũng đã chú trọng đầu tư hỗ trợ người dân phương tiện sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi và hướng dẫn bà con áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, mà thu nhập của người dân tăng dần.
Ông Hoàng Đại Minh, thôn Hát Luông, chia sẻ: “Nhà nước quan tâm hỗ trợ, cán bộ địa phương nhiệt tình hướng dẫn, nên bà con cũng bảo nhau chịu khó tăng gia sản xuất để thoát nghèo. Những năm gần đây, nhiều gia đình đã biết lựa chọn những cây trồng, vật nuôi phù hợp với lao động trong gia đình để làm, bà con cũng học hỏi kinh nghiệm chăm sóc cây trồng, vật nuôi nên sản lượng đều đạt.
“Từ khi xã được đầu tư xây dựng đường giao thông việc đi lại rất thuận lợi. Nhờ xe ô tô vào tận nơi mà gia đình tôi mỗi năm bán gần 10 tấn cam đường canh, ngoài ra gia đình còn nuôi ngựa bạch, do đó mang lại thu nhập khá cho gia đình”, ông Minh phấn khởi thông tin.
Cũng từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình xây dựng NTM và các nguồn vốn khác, xã đã tập trung hỗ trợ Nhân dân thực hiện các mô hình kinh tế hiệu quả. Hiện toàn xã có trên 65 ha cam đường canh, trên 14 ha chè; 27 gia trại chăn nuôi lợn, trên 100 hộ nuôi lợn nái quy mô nhỏ. Một số mô hình cam đường canh, nuôi ngựa bạch cho thu nhập 200 - 300 triệu đồng/năm...
Theo ông Phạm Ngọc Du, Chủ tịch UBND xã Kim Lư, từ các nguồn lực đầu tư, bộ mặt xã Kim Lư đã đổi thay rõ rệt. Hiện xã Kim Lư đã có 2 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Năm 2018, Kim Lư đã đạt chuẩn NTM. Tháng 3/2021, Kim Lư hoàn thành xã NTM nâng cao. "Phấn khởi nhất là hiện nay, thu nhập của người dân đã đạt 39 triệu/năm; tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện nay đã giảm xuống, chỉ còn chưa đến 5%", Chủ tịch xã Kim Lư nói.