Ông Phạm Văn Hà ở xã Kiên Thọ cho biết: Hàng năm, vào mỗi dịp lễ hội, người dân chúng tôi lại tập trung đến Đền thờ Trung túc Vương Lê Lai để dâng hương tưởng nhớ công lao của Trung Túc Vương Lê Lai, các vị vua, tướng sỹ đã có công trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
Được biết, hàng năm, nơi đây diễn ra 2 ngày lễ lớn là Lễ Cầu an của người dân địa phương (vào ngày 8/1 âm lịch) và lễ dâng hương (vào ngày 21/8 âm lịch). Lễ dâng hương được tổ chức nhằm góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào trong các tầng lớp nhân dân, đồng thời khơi dậy nét đẹp văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc của quê hương.
Đền thờ Lê Lai cách Khu di tích Lam Kinh khoảng 5km về phía Tây. Theo sách Đại Việt thông sử, năm 1419 khi nghĩa quân Lam Sơn bị giặc Minh vây hãm trên núi Chí Linh không còn đường rút lui, tình hình cấp bách, Lê Lai đã đổi áo bào cho Lê Lợi liều mình cứu chúa và bảo vệ lực lượng. Sự hy sinh cao cả của Lê Lai đã góp phần quan trọng trong thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Ghi nhớ công ơn của ông, Lê Lợi cho lập Đền thờ ông ở làng Tép (quê hương Lê Lai) và lệnh cho quân thần sau này làm giỗ Lê Lai trước ngày giỗ của mình một ngày, từ đó dân gian có câu “21 Lê Lai, 22 Lê Lợi”.
Đền thờ đã trải qua nhiều lần tôn tạo. Đến năm Bảo Đại thứ 14 (1939), đền được xây dựng bằng gạch lợp ngói, cột, xà rui mè trong đền đều là gỗ lim. Đền được kiến trúc hài hòa 2 lớp nhà hình chữ “đinh” nằm trên vườn đồi ngoảnh hướng Đông Nam. Hướng này theo thuyết phong thủy là hướng thần linh, bát nhã (trí tuệ), thế đất long chầu hổ phục, tạo nên không gian khoáng đãng thoáng mát.
Đền thờ Lê Lai được gắn liền với Di tích lịch sử Lam Kinh. Năm 1997, Đền được Bộ Văn hóa Thông tin trùng tu tôn tạo lại, trở nên khang trang, đẹp đẽ hơn. Trong Đền có bức hoành phi “Dịch bào thế quốc”.