Theo tài liệu Sử sách ghi lại, vua Lê Thái Tông là con thứ của vua Lê Thái Tổ (tức Lê Lợi) và mẹ là Cung từ Hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần, người hương Quần Lai, huyện Lôi Dương (nay là huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Ngày 8 tháng 9 năm Thuận Thiên thứ 6 (1433), Lê Thái Tông lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu Thiệu Bình năm thứ nhất (1434) đến năm thứ 7 đổi niên hiệu là Đại Bảo (1440), lấy hiệu là “Quế Lâm Động Chủ”.
Từ khi lên ngôi, vua Lê Thái Tông rất chú ý tới vùng Tây Bắc. Để củng cố và bảo đảm sự thống nhất quốc gia, trong 9 năm trị vì đất nước, vua Lê Thái Tông đã 2 lần chỉ huy quân sĩ lên miền Tây Bắc dẹp bọn phản nghịch. Tháng 3 năm Canh Thân (1440), vua Lê Thái Tông lần đầu tiên thân chinh cùng quân sĩ lên trấn miền Tây Bắc đi đánh thổ quân Thượng Nghiễm ở châu Mường Muổi (nay là huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) phản nghịch, đem quân theo người Ai Lao làm phản. Đi tới đâu, đội quân cũng được Nhân dân ủng hộ nên quân của triều đình đã nhanh chóng dẹp yên bọn phản loạn.
Trên đường về, nhà vua cùng quân sĩ nghỉ chân tại Động La (tiếng Thái gọi là Thẳm Báo Ké), một hang đá tự nhiên ở châu Mường La (nay thuộc tổ 3 phường Chiềng Lề, TP. Sơn La). Thấy nơi đây phong cảnh hữu tình, với ý nghĩa sâu xa, lòng thanh thản, nhà vua đã cho khắc bài thơ và lời tựa trên vách đá ở cửa Động La gồm 140 chữ Hán, nội dung được dịch như sau: “Nghĩ tới người xa đêm khổ tâm/Thổ tù sao lại dám quên thân/Thế gian đã có anh hùng chúa/Thiên hạ ai tha kẻ nghịch thần/Đường sá khó khăn đừng cậy hiểm/Hang cùng đá ấm áp hơn xuân/Yên được dân lành nhơ nhớp hết/Dân xa được hưởng tấm lòng nhân”.
Bài thơ được khắc trên vách đá phẳng, dựng đứng trước Thẳm Báo Ké, vách đá quay hướng Đông, hằng ngày đón những tia nắng ban mai của ngày mới. Văn bia nằm giữa dòng nước chảy trên cao xuống, trải qua gần 600 năm lịch sử, tuy có bị bào mòn và rêu phong nhưng mặt bia vẫn trắng sạch, rõ nét. Xung quanh văn bia, rất nhiều thân cây gỗ xòe tán, bám rễ ăn sâu vào đá, vững chắc, kiên cường vươn lên như tâm nguyện, ý chí của vị vua trẻ anh minh, thao lược. Di tích văn bia “ Quế Lâm Ngự Chế” được phát hiện năm 1965 và được Bộ văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích quốc gia vào ngày 5/2/1994.
Tới Thẳm Báo Ké, du khách sẽ cảm thấy thanh thản bởi khí hậu mát mẻ, thoáng đãng, cảnh đẹp trong hang như quy tụ được vạn vật trên mảnh đất này.
Đứng trước văn bia, phóng tầm mắt ra phía trước, du khách có thể thấy một bức tranh sơn thủy hữu tình với con suối Nậm La uốn mình như dải lụa. Tựa lưng vào ngọn núi Cọ, núi Hài là những ngôi nhà cao tầng khang trang, sầm uất thay cho những nếp nhà sàn. Một TP. Sơn La văn minh, hiện đại trong vùng đất màu mỡ của châu Mường La xưa.
Để tri ân công đức của Vua Lê Thái Tông và gìn giữ di tích Văn bia Quế Lâm Ngự Chế mãi mãi tôn nghiêm, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của các tầng lớp Nhân dân, tháng 9 năm 2001 tỉnh Sơn La đã cho khởi công xây dựng đền thờ Vua Lê Thái Tông và khánh thành vào tháng 1 năm 2003, lấy tên là “Quế Lâm linh từ” (Đền thiêng Quế Lâm). Ngôi đền được xây dựng theo hướng Đông Nam, trên thế đất địa linh “Sơn kỳ thủy tú”, lưng tựa vào núi Cằm tạo nên sự vững chắc, uy nghiêm, trước mặt là dòng Nậm La hiền hòa.
Ngôi đền có diện tích hơn 800m2, theo lối kiến trúc truyền thống của những ngôi đền cổ Việt Nam. Trong đó nổi bật là Tòa đại bái có 3 cửa bên trong với 3 ban thờ chính và 2 ban thờ phụ. Mỗi ban thờ đều có bức võng, ân thư, đồ thờ, hoành phi câu đối được làm bằng gỗ sơn son thiếp vàng, trang trí “tứ linh”: Long, li, quy, phượng và hổ phù. Cung giữa thờ “Hội đồng triều Lê”, hai bên đặt bộ bát bửu và chấp kích, biểu tượng cho những báu vật linh thiêng của vị thần trong ngôi đền, giúp cai quản miền đất thiêng và ban phát tài lộc cho du khách hành hương. Cung tả (bên trái) thờ Đương cảnh thành hoàng Lê Thái Tông. Cung hữu (bên phải) thờ “Sơn thần bản thổ” là các vị thần linh được giáng xuống cai quản miền đất thiêng. Hậu cung đặt tượng vua Lê Thái Tông và bài vị thờ Ngài.
Những năm qua, di tích Văn bia Quế Lâm ngự chế - Đền thờ vua Lê Thái Tông được đầu tư tu bổ, tôn tạo các hạng mục, góp phần bảo vệ và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tại di tích. Tiếng thơm đồn xa, đền thiêng Quế Lâm đã trở thành điểm du lịch tâm linh miền Tây Bắc, hàng năm thu hút hàng ngàn du khách khắp từ mọi miền đất nước đến đây vãn cảnh, dâng hương tưởng nhớ công lao của vị vua trẻ Lê Thái Tông, cảm nhận sự thanh thản trước bức tranh thiên nhiên muôn màu sắc, gửi gắm lòng mình vào chốn linh thiêng.